Lợi nhuận ngân hàng: Càng lớn càng gây ‘sốc’

Kinh tếThứ Bảy, 16/08/2014 01:43:00 +07:00

(VTC News) – 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng, trong đó đa số là các ngân hàng lớn công bố kết quả kinh doanh với những con số gây “sốc".

(VTC News) – Khác với những quý gần đây, 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng, trong đó đa số là các ngân hàng lớn công bố kết quả kinh doanh với những con số gây “sốc”.

Lợi nhuận phân hóa mạnh

Đã có khá nhiều ngân hàng công bố báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm. Các bản báo cáo cho thấy đa số ngân hàng đều đạt mức tăng trưởng lợi nhuận khá. Tuy nhiên, một số ít ngân hàng lại giảm lãi, thậm chí có ngân hàng thua lỗ nhẹ.

6 tháng đầu năm, các ngân hàng lớn lại là những đơn vị gây “sốc” nhất cho giới đầu tư. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) công bố lợi nhuận suy giảm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, quý 2/2014, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank đạt 2.415 tỷ đồng, giảm 12,7%; lũy kế 6 tháng đạt 3.873 tỷ đồng, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế của Vietinbank đạt 1.884 tỷ đồng quý 2 và 3.024 tỷ đồng trong 6 tháng, giảm lần lượt 9,2% và 3% so với cùng kỳ 2013.

lợi nhuận ngân hàng
Lợi nhuận ngân hàng phân hóa mạnh 


Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng có kết quả tương tự khi lợi nhuận sau thuế quý 2/2014 giảm 21% còn 323,3 tỷ. Lợi nhuận của ACB giảm khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB tăng tới 522,3% so với cùng kỳ tương đương 297 tỷ.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - MBB) cũng nằm trong danh sách các ngân hàng có lãi giảm. Lợi nhuận trước thuế quý 2 chỉ đạt 893 tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm trước; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 1.702 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng đạt 702 tỷ đồng trong quý 2; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 1.338 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ 2013.

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) là ngân hàng duy nhất báo lỗ. Quý 2, PGBank âm 11,8 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm, PGBank có lãi nhưng khoãn lãi khá khiêm tốn, chỉ đạt 32,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trong khi đó, một số ngân hàng còn lại công bố các con số khá khả quan. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khá cao. 6 tháng đầu năm, Techcombank đạt 948 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 45,4% so với cùng kỳ 2013 và bằng 80% so với kế hoạch đề ra cho cả năm.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB) cũng công bố những chỉ tiêu kinh doanh khá khả quan. Lợi nhuận trước thuế quý 2 của Sacombank là 781 tỷ đồng, tăng 30,6% so với quý 2 năm ngoái; lũy kế 6 tháng lợi nhuận trước thuế tăng 5,7% đạt 1.531 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế quý 2 là 614 tỷ, tăng 34% trong khi 6 tháng tăng gần 9% đạt 1.201 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) cũng có tốc độ tăng lợi nhuận khá khả quan. Quý 2, lợi nhuận sau thuế củ ngân hàng tăng 22,3% đạt 1.057 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đạt lợi nhuận sau thuế 2.223 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Có thể thấy, đa phần lợi nhuận của các ngân hàng đều đến từ thu nhập lãi thuần – hoạt động cho vay. Điều đó cho thấy, lãi vay mà doanh nghiệp, cá nhân phải trả cho ngân hàng vẫn là một trong những nguồn lợi nhuận lớn của ngân hàng.

Nỗi ám ảnh nợ xấu

Lợi nhuận quý 2 và 6 tháng đầu năm của các ngân hàng phân hóa khá mạnh. Trong đó có ngân hàng lớn gây bất ngờ vì báo lãi giảm. Tuy nhiên, một số đơn vị gây “sốc” vì chất lượng nợ đi xuống với xu hướng nợ xấu tăng.

Vietcombank gây bất ngờ với khoản nợ xấu “khủng”. Tính tới cuối quý 2, Vietcombank có tổng cộng 9.031 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 3,09% trên tổng dư nợ. Trong đó riêng nợ có khả năng mất vốn là 4.765 tỷ đồng, tăng 70,7% trong vòng 6 tháng. Cuối năm 2013, nợ xấu của Vietcombank chỉ dừng ở 2,73% và nợ có khả năng mất vốn chưa đến 2.800 tỷ đồng.

Tại ACB, tình hình kém lạc quan khi ngân hàng vừa báo lãi giảm, vừa có tỷ lệ nợ xấu tăng vọt. Tính tới cuối quý 2, tổng số dư nợ xấu của ACB là 4.037 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 3,6%. Riêng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 23,3% so với đầu năm lên 2.616 tỷ đồng. Khoản nợ nhóm 2 – nợ cần chú ý cũng đã tăng 22% so với đầu năm.

Nợ xấu tại MB đạt 2.915 tỷ đồng nợ xấu, tăng gần 770 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 3,1% trên tổng dư nợ. Cuối 2013, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 2,46%. Cũng như các ngân hàng khác, trong kỳ, MB phải tăng mạnh dự phòng rủi ro. Trong quý 2 chi phí dự phòng tăng 42,4%.

Vietinbank là ngân hàng gây chú ý nhất khi nợ xấu tăng với tốc độ “khủng” nhất. Tại thời điểm 30/6, Vietinbank có tổng cộng 9.575 tỷ đồng nợ xấu, gấp 2,5 lần so với cuối 2013. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng từ hơn 500 tỷ đồng lên trên 3.250 tỷ, mức tăng gấp hơn 6 lần. Nợ nghi ngờ tăng hơn 3 lần từ trên 1.000 tỷ lên gần 3.250 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn cũng tăng hơn 40% lên 3.172 tỷ đồng.

Ngoài lợi nhuận âm trong quý 2 vì tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dung, PGBank còn đối mặt với chất lượng nợ. Nợ quá hạn của PGBank cuối quý 2 là 1.723 tỷ đồng, chiếm 12,16% trên tổng dư nợ.

Tại Sacombank, tỷ lệ nợ xấu khiêm tốn hơn nhưng cũng có xu hướng đi lên. Tính tới thời điểm cuối quý 2, tỷ lệ nợ xấu của ở mức 1,51% trên tổng dư nợ, tăng nhẹ so với 1,48% cuối 2013.

Có thể thấy, trong quý 2, khi áp dụng Thông tư 02 và Thông tư 09, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của các ngân hàng đều tăng mạnh. “Đồng hành” cùng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là sự gia tăng của nợ xấu. Vì vậy, khoản lợi nhuận “khủng” của hệ thống ngân hàng vẫn là điều đáng lưu ý

Bảo Linh

 

Bình luận
vtcnews.vn