Làm thế nào để Đà Nẵng lấy lại được sân vận động Chi Lăng?

Kinh tếThứ Năm, 06/12/2018 07:19:00 +07:00

Các luật sư cho rằng, việc Đà Nẵng muốn chuyển 1.251 tỷ đồng để giữ lại sân vận động (SVĐ) Chi Lăng là rất khó, nhưng vẫn có thể được.

Phải tham gia đấu giá theo quy định

Luật sư Lê Cao, Giám đốc Công ty luật FDVN (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) cho rằng, bản án đã có hiệu lực thì phải được thi hành để bảo đảm quyền lợi cho bên được thi hành án (THA), tức các ngân hàng đã nhận thế chấp tài sản.

chi lang 1

Theo các luật sư, SVĐ Chi Lăng là vấn đề lớn của Đà Nẵng. 

Đất thuộc SVĐ Chi Lăng là tài sản các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh đã thế chấp để vay vốn tại các ngân hàng. Theo bản án đã tuyên thì các quyền SDĐ thuộc SVĐ Chi Lăng là đối tượng THA để thanh toán các khoản vay theo hợp đồng tín dụng.

Nếu người có điều kiện THA mà không thi hành sẽ bị cưỡng chế theo quy định. Cơ quan THA phải kê biên tài sản để đảm bảo thu hồi các khoản vay theo các hợp đồng tín dụng cho ngân hàng. Ngay khi kê biên tài sản, cơ quan THA phải làm thủ tục để định giá tài sản kê biên. Đây chính là mức giá khởi điểm để bán đấu giá theo quy định.

Tài sản sau khi kê biên phải được bán theo hình thức thông qua đấu giá hoặc không thông qua đấu giá. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tài sản kê biên là bất động sản nên buộc phải bán đấu giá theo quy định tại Khoản 2, Điều 101 Luật THA dân sự.

Ngay sau khi kê biên tài sản, việc xác định giá khởi điểm để đấu giá cũng đã phải dựa trên kết quả định giá theo giá trị thị trường của tổ chức định giá có thẩm quyền (trừ trường hợp các bên thỏa thuận được giá khởi điểm).

“Nếu Đà Nẵng có đưa ra một mức giá khác phù hợp với giá thị trường đi nữa thì cũng phải thực hiện tham gia đấu giá theo quy định như những chủ thể khác để đảm bảo đúng nguyên tắc pháp luật”, luật sư Lê Cao nói.

chi lang 3

Mặt tiền khán đài A sân Chi Lăng. 

Đồng quan điểm, luật sư Đỗ Pháp, Trưởng Văn phòng Luật sư Đỗ pháp nhìn nhận: “Sự việc SVĐ Chi Lăng giờ là vấn đề lớn của Đà Nẵng. Giữ lại Chi Lăng là tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân. Đây không chỉ đơn thuần là một sân vận động mà nó chất chứa biết bao kỷ niệm, là lịch sử, văn hóa của Đà Nẵng”.

Chủ trương chuyển đổi SVĐ Chi Lăng thành trung tâm dịch vụ thương mại lớn của thành phố đúng hay sai, bây giờ không bàn cãi, nhưng rõ ràng nó chạm đến niềm tin của rất nhiều người.

Toàn bộ khu đất này đã được các công ty con thuộc Tập đoàn Thiên Thanh thế chấp cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Do 2 ngân hàng này có 100% vốn nhà nước nên Đà Nẵng đề nghị Thủ tướng có ý kiến chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét để Đà Nẵng thỏa thuận với các ngân hàng nhằm thực hiện thay nghĩa vụ THA của người sử dụng đất, đồng thời thu hồi lại 14 lô đất thuộc SVĐ Chi Lăng đã được cấp 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Tuy nhiên, việc muốn giữ lại khu đất này, Đà Nẵng phải tuân thủ các quy định pháp luật về THA dân sự, phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan”, luật sư Đỗ Pháp nói.

do phap 5

Luật sư Đỗ Pháp nhìn nhận, giữ lại Chi Lăng là tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân Đà Nẵng.

Cũng theo luật sư Đỗ Pháp, pháp luật quy định về kế thừa quyền, nghĩa vụ. Có nghĩa rằng, chính quyền sau, những người sau phải có trách nhiệm kế thừa quyền, nghĩa vụ của chính quyền trước, người trước đó. Trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng không ai được quyền xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác. Đó là vấn đề mấu chốt.

“Nói như thế để hiểu rằng, bây giờ vấn đề SVĐ Chi Lăng là một bài toán rất nan giải đối với Đà Nẵng”, luật sư Đỗ Pháp nói.

Vẫn có thể giữ được Chi Lăng

“Đà Nẵng muốn giữ lại Chi Lăng là vấn đề nan giải, nhưng khả thi”, luật sư Đỗ Pháp nói.

Vấn đề ở đây là sự việc phải được điều chỉnh bằng Luật THA dân sự. Đây là tài sản, là tang vật của vụ án đang được THA, vì vậy tất cả đều phải được giải quyết trên cơ sở thượng tôn pháp luật.

“Có thể đấu giá tài sản, có thể mời các bên thương lượng để giải quyết. Nếu có những tranh chấp phát sinh thì có thể hình thành một quan hệ pháp lý khác để giải quyết”, luật sư Đỗ Pháp nói.

Bất kỳ quan hệ nào cũng có nhiều chủ thể tham gia và đều bình đẳng, nhưng cũng có những chủ thể đặc biệt. Ở đây, Đà Nẵng là chủ thể đặc biệt.

chi lang 2 4

Chi Lăng không chỉ đơn thuần là một sân vận động mà nó chất chứa biết bao kỷ niệm, là lịch sử, văn hóa của Đà Nẵng  

Luật sư Đỗ Pháp lý giải: “Đà Nẵng là chủ thể đặc biệt vì thành phố là người quản lý, người điều hành, chủ sở hữu hợp pháp trước đây. Có nghĩa Đà Nẵng được quyền tham gia đấu giá bình đẳng như các chủ thể khác, nhưng có thêm ưu tiên của chủ thể đặc biệt. Đây là lợi thế lớn nhất cho Đà Nẵng”.

Ai mua lại SVĐ Chi Lăng, làm cái gì thì phải có sự đồng ý của Đà Nẵng. Bây giờ mọi thứ đã thay đổi, nếu tài sản đã THA rồi thì phải làm lại những quy trình, những bước pháp lý khác để hình thành nên một khối tài sản mà nó đáp ứng được tình hình, yêu cầu của Đà Nẵng.

“Đà Nẵng đang trình cái này lên Thủ tướng Chính phủ, tôi cho đây là biện pháp cuối cùng. Điều này có nghĩa  Ngân hàng Nhà nước đã mua tài sản này lại với giá 0 đồng. Ngân hàng đang quản lý khối tài sản này nhưng trên ngân hàng thì có Chính phủ. Nếu Chính phủ quan tâm sâu sát tình hình của Đà Nẵng và lưu ý đến những gì như tôi đã phân tích thì Đà Nẵng có thể giữ được SVĐ Chi Lăng”.

Cũng theo luật sư Đỗ Pháp, Chính phủ nên khẩn trương có giải pháp tối ưu, đồng bộ để giải quyết dứt điểm trường hợp SVĐ Chi Lăng trên cơ sở ưu tiên cho Đà Nẵng.

“Những vấn đề phát sinh ở đây nó khó, nhưng phải khẳng định là vẫn giải quyết được. Cốt lõi là Chính phủ phải thực sự quan tâm đến Đà Nẵng, thực sự dành cho Đà Nẵng những cơ chế đặc biệt”, luật sư Đỗ Pháp nói.

Dự án không có trong quy hoạch?

Ông Nguyễn Cửu Loan, Chánh Văn phòng Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng cho biết, trước năm 2018, TP Đà Nẵng đã 3 lần điều chỉnh quy hoạch đô thị.

Lần đầu tiên vào năm 1994, tầm nhìn 2010; lần hai năm 2002 tầm nhìn 2020; lần ba vào 2013 tầm nhìn 2030. Hiện tại, TP đang tiếp tục triển khai điều chỉnh quy hoạch đô thị đến 2030, tầm nhìn 2050.

chi lang 4 6

Khán đài B, nơi dành riêng cho CĐV Đà Nẵng đã tạo nên "Thánh địa Chi Lăng" giờ chỉ còn trong ký ức. 

Theo ông Loan, điều bất ngờ là trong các quy hoạch trước đến nay, Dự án trung tâm thương mại, dịch vụ của Phạm Công Danh trên diện tích SVĐ Chi Lăng đều không có. TP. Đà Nẵng đang điều chỉnh quy hoạch nhưng cũng không đưa vào.

Ông Loan cho rằng, khi kêu gọi đầu tư (năm 2010), Đà Nẵng có chủ trương dời SVĐ Chi Lăng, xây dựng khu thương mại tổng hợp, kết nối với quảng trường trung tâm, phố đi bộ trong tương lai. 

Với trục đô thị trung tâm định hình như vậy thì mọi hình thái quanh đó như bệnh viện, nhà ga… sẽ được điều chỉnh cho phù hợp. Đó là ý tưởng ban đầu. Việc cấp sổ đỏ hàng loạt lô đất tách từ sân Chi Lăng có thể hiểu là TP. Đà Nẵng tạo điều kiện cho nhà đầu tư vay vốn triển khai dự án theo ý tưởng như thế.

 >>> Đọc thêm: Chi hàng nghìn tỷ đồng lấy lại sân Chi Lăng: Đà Nẵng xin ý kiến Thủ tướng

XUÂN TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn