Lại choáng với những cổ phiếu không mua nổi nửa cốc trà đá

Kinh tếThứ Tư, 23/11/2016 12:11:00 +07:00

Có mệnh giá 10.000 đồng/CP nhưng nhiều cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam giao dịch ở mức không mua nổi nửa cốc trà đá.

Trong thời gian gần đây, tâm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam chính là hiện tượng tăng giá siêu tốc của nhiều cổ phiếu như ROS (Công ty cổ phần xây dựng Faros), MWG (Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động) hay TCH (Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy),…

Ở chiều ngược lại, đà giảm nhanh cũng diễn ra nhưng ít được quan tâm hơn. Vì vậy, không ít nhà đầu tư choáng váng khi nhận ra nhiều cổ phiếu đã rớt giá mạnh tới mức không còn đủ giá trị để mua dù chỉ một nửa cốc trà đá.

Bê bết nhất chính là cổ phiếu KHL (Công ty cổ phần Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Hưng Long). Chốt phiên giao dịch 22/11, KHL dừng ở mức 700 đồng/CP. KHL không còn nằm trong sự quan tâm của nhà đầu tư. Suốt thời gian qua, thỉnh thoảng KHL mới có giao dịch với khối lượng cổ phiếu được trao tay rất thấp.

cp

 Choáng váng những cổ phiếu không mua nổi nửa cốc trà đá 

Điều đáng nói là cổ phiếu KHL bị nhấn xuống “đáy” thị trường chứng khoán Việt Nam dù hoạt động kinh doanh của công ty còn thua xa nhiều công ty khác như Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam về mức độ bết bát.

Trong năm 2013 và 2015, KHL thua lỗ 1,9 tỷ đồng và 2,7 tỷ đồng. Sang năm 2016, tình hình kinh doanh của công ty được cải thiện hơn khi lợi nhuận sau thuế trong 3 quý đầu năm đều là con số dương.

Cùng với KHL, ATA là cổ phiếu hiếm hoi có giá dưới 1.000 đồng/CP. Chốt phiên 22/11, ATA dừng ở mức 980 đồng/CP. Với mức giá này, 1 cổ phiếu ATA thậm chí không đổi được 1/3 cốc trà đá. Dù vậy, ATA vẫn khả dĩ hơn KHL khi giao dịch của ATA vẫn diễn ra đều đặn. Hầu như ngày nào ATA cũng được nhà đầu tư mua bán, trao đổi chứ không bị chìm vào quên lãng như KHL.

Cũng như KHL, có lẽ ATA “không đáng” phải giao dịch ở mức giá quá thấp như vậy vì hoạt động của công ty không đến nỗi quá thê thảm. Trong những năm gần đây, công ty chỉ lỗ 14,4 tỷ đồng trong năm 2014. Sang năm 2016, dù thua lỗ trong quý 3 nhưng quý 1 và quý 2 công ty lần lượt lãi 1,2 tỷ đồng và 704 triệu đồng.

Nằm trong “chuỗi” các công ty dầu khí thua lỗ liên tiếp, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An phải chứng kiến cổ phiếu PXA có thị giá siêu thấp. Đóng cửa phiên 22/11, PXA dừng ở mức 1.200 đồng/CP. Điều đáng nói, trước đây, có thời điểm PXA được xem là một trong các cổ phiếu được quan tâm trên sàn Hà Nội.

Ở mức giá này, vốn hóa thị trường của Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Nghệ An chỉ còn 18 tỷ đồng, trong khi đó giá trị công ty theo vốn góp chủ sở hữu lên tới 150 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vinaconex – PVC (PVV) không phải là công ty nổi tiếng trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, gần đây PVV bỗng dưng nhận được sự quan tâm từ giới đầu tư sau khi nguyên Chủ tịch 8X Trương Quốc Dũng bị bắt cùng ông Vũ Đức Thuận vì những sai phạm ở PVC.

Tới lúc này, nhà đầu tư mới giật mình phát hiện giá cổ phiếu PVV quá thấp, không đủ mua nửa cốc trà đá. Chốt phiên 22/11, PVV dừng ở mức 1.300 đồng/CP. Ở thị giá này, vốn hóa thị trường của PVV chỉ là 39 tỷ đồng trong khi giá theo giá trị công ty theo vốn điều lệ là 300 tỷ đồng.

Gần đây, cổ phiếu khoáng sản thỉnh thoảng có những đợt sóng nhẹ nhưng KSK của Công ty cổ phần Khoáng sản Luyện kim màu thường đứng ngoài những đợt sóng đó vì thị giá quá thấp, chỉ 1.300 đồng/CP.

KSK bị chê không phải vì thua lỗ mà vì lợi nhuận quá kém cỏi. Trong khi vốn góp của cổ đông lên tới gần 300 tỷ đồng, hàng năm, công ty chỉ mang về khoản lợi nhuận từ 1,6 tỷ đồng tới 8 tỷ đồng, thấp hơn cả tiền gửi ngân hàng. Khả năng sinh lời kém khi KSK không được nhà đầu tư mặn mà.

Trong danh sách các cổ phiếu bị nhấn xuống "đáy", NDF của công ty cổ phần Chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định có giá "cao nhất" 1.400 đồng/CP.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn