Kinh tế Việt Nam 2014: Hy vọng một cú hích

Kinh tếThứ Hai, 28/10/2013 07:04:00 +07:00

(VTC News) - Tập trung điều hành nền kinh tế theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu đúng đắn, giúp niềm tin trở lại, chuyên gia kinh tế đánh giá.

(VTC News) – Mục tiêu điều hành kinh tế xã hội năm 2014 mà Chính phủ xác định là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô theo đánh giá của chuyên gia kinh tế cao cấp là mục tiêu đúng đắn, giúp niềm tin trở lại, thời cơ đến.


Nhận xét về báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII sáng 21/10/2013 chuyên gia kinh tế cao cấp, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay:
Vấn đề nợ xấu ngân hàng, ngân sách đang là hai vấn đề lớn khiến tình hình ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trở nên khó khăn tuy nhiên, trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày trước Quốc hội đã  nói rất rõ, trong năm tới sẽ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô như phân bổ nguồn lực, ổn định kinh tế giúp lạm phát giảm để người nghèo bớt khổ. 
Ổn định cũng là điều tiên quyết giúp niềm tin trở lại, thời cơ đến. Theo tôi, đây là mục tiêu đúng đắn.
- Từ góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ông đánh giá gì về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2013?
TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương  
Năm 2013, kinh tế Việt Nam đã làm được hai việc lớn đó là tập tập trung ổn định kinh tế vĩ mô nhằm đảm bảo bảo an sinh xã hội và bước đầu tiến hành tái cấu trúc lại nền kinh tế. 
Chính vì thế, theo nhận định chung, tình hình ổn định kinh tế vĩ mô đã có nhiều cải thiện, lạm phát xuống rất nhanh, cán cân thanh toán có thặng dư khá lớn từ năm ngoái đến năm nay;
Thương mại tương đối cân bằng, giá trị đồng tiền Việt Nam không mất nhanh như trước đây, tiền đồng được tin tưởng hơn ít nhiều, các vấn đề của ngân hàng được giải quyết bước đầu như vấn đề thanh khoản. 
9 ngân hàng yếu kém nhất cũng đã được bước đầu tái cấu trúc hoặc chuẩn bị tái cấu trúc trong năm nay.
Cụ thể hơn, tình hình sản xuất kinh doanh nếu nhìn vài chỉ số thì có vẻ cải thiện như tăng trưởng nhúc nhích lên được đôi chút, quý sau cao hơn quý trước, cả năm đạt khoảng 5,2% so với 5,0% cùng kì năm ngoái; chỉ số sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, chỉ số PMI của công nghiệp chế biến của HSPC lần đầu tiên trong tháng 9 cũng lên được 50% nhưng cũng không chắc chắn, xuất khẩu tăng nhanh khoảng 15,6% trong  9 tháng, tuy nhiên mức tăng này lại chủ yếu chỉ do mỗi công ty Sam Sung mà thôi.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì khó khăn vẫn còn nổi cộm. 
Đầu tiên là cơ hội kinh doanh đã giảm đi rất nhiều vì tiêu dùng co lại, đầu tư thu hẹp rất mạnh (từ trước khi gia nhập WTO thì GDP trung bình 42% nhưng đến nay tức là sau khi gia nhập WTO 5 năm chỉ còn 30%). 
Hồi phục kinh tế cũng rất khó khăn, kể cả những thị trường chính của Việt Nam, chưa kể đến những thị trường mới nổi như Trung Quốc, các mặt hàng quan trọng tăng trưởng có xu hướng giảm. 
Như vậy tổng cầu đã giảm rất mạnh thì cơ hội kinh doanh lấy đâu ra?
- Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 2013 của Chính phủ mới đây có chỉ ra rằng, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc. Điều này biểu hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?
Mặc dù chúng ta đã bước đầu từng bước tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế nhưng phải thừa nhận rằng, những việc này đến nay vẫn đang thực hiện rất dở dang. 
Vì thế mà, trong nhiều năm qua chúng ta vẫn triền miên với căn bệnh bất ổn kinh tế vĩ mô. 
Không chỉ lạm phát cao mà những cân đối lớn như xuất nhập khẩu, cán cân thanh toán quốc tế, tiết kiệm đầu tư, thu chi ngân sách bị thâm hụt lớn khiến khả năng chống đỡ từ những cú sốc là rất yếu.
Mặc dù hệ số tín nhiệm tài chính của Việt Nam được cải thiện ít nhiều trong những tháng gần đây nhưng vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô vẫn còn rất mong manh. 
Cái mong manh rõ nhất đó là hai vấn đề nổi cộm: Nợ xấu ngân hàng và vấn đề ngân sách đang cực kì khó khăn. 
- Liệu đó có phải là nguyên nhân khiến Chính phủ buộc phải xin nâng trần bội chi ngân sách cho năm nay và cả năm sau?
Không phải ngẫu nhiên Chính phủ đã phải xin nâng trần bội chi ngân sách. Bởi năm nay, mục tiêu bội chi ngân sách là  4,8%  nhưng đến 9 tháng đầu năm đã thâm hụt 5,3% GDP.  
Hiện Chính phủ đang xin ý kiến Quốc hội nâng trần bội chi năm sau từ 4,8% lên 5,3%. 
Tôi cũng rất đồng tình với nhiều người khi cho rằng, chúng ta không nên cứng nhắc là không tăng bội chi hay không tăng phát hành trái phiếu trong vài năm tới để tăng đầu tư công lên. 
- Việc tăng bội chi ngân sách chắc chắn phải tuân thủ theo những điều kiện nào đó?
Tất nhiên nó phải nắm với các điều kiện cụ thể như:
Gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, phải phối hợp với các chính sách khác như chính sách tín dụng, tiền tệ, tỉ giá để đảm bảo rằng nó ổn định, cụ thể là đảm bảo rủi ro nợ công không tăng lên.
Phải đánh giá được tác động của phần bổ sung ngoài những giải pháp của Nghị quyết 02 đối với tăng trưởng, đối với công ăn việc làm, hiệu quả của các chương trình đầu tư công đặc biệt là trong việc xây dựng kết cấu hạ tầng. 
Điều này báo cáo Chính phủ cũng đã cam kết là sẽ minh bạch, đảm bảo hiệu quả, chống thất thoát, đảm bảo đầu tư vào những dự án có sức lan tỏa cho cả nền kinh tế, cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào quá trình này.
Vì việc nâng trần bội chi nó sẽ phá vỡ mục tiêu đặt ra cách đây vài năm là giảm dần bội chi. Vì vậy cần phải có mục tiêu trung hạn cụ thể, cam kết rất rõ ràng về kỷ luật ngân sách và giảm dần bội chi ngân sách những năm tiếp theo. 
Làm được như vậy, chúng ta có thể nới ít nhiều hỗ trợ cho thị trường, cho doanh nghiệp.
- Vấn đề nợ xấu ngân hàng, theo ông đến nay đã có những chuyển biến gì?
Việc tiếp cận tín dụng đến nay vẫn rất khó, mặc dù ba tháng gần đây tín dụng đã nhúc nhích hơn, so với mục tiêu 12%  thì đến nay đã đạt được 6,3% tăng trưởng. 
Nguyên nhân vẫn vì các doanh nghiệp muốn vay vốn để ổn định sản xuất, mở rộng quy mô nhưng lại đang còn một đống nợ xấu nên tiếp cận ngân hàng rất khó. 
Ngân hàng cũng muốn cho vay nhưng lại phải đảm bảo nợ xấu không tăng lên. 
Mặt khác, nợ xây dựng cơ bản đến nay đã lên đến 80-90.000 tỷ đồng. Giải quyết việc này hiện cũng mới chỉ bắt đầu đi vào thu nhập thông tin, nghiên cứu xem xử lý cái nào trước cái nào sau, lấy nguồn tiền ở đâu để xử lý…
- Với tình hình trên, trong năm tới, đường lối, chủ trương của Đảng và Chính phủ trong điều hành nền kinh tế theo ông nên tập trung nhất vào vấn đề nào?
Báo cáo của Chính phủ đã nói rất rõ, trong năm tới sẽ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô như phân bổ nguồn lực, ổn định kinh tế giúp lạm phát giảm để người nghèo bớt khổ. 
Ổn định cũng là điều tiên quyết giúp niềm tin trở lại, thời cơ đến. Theo tôi, đây là mục tiêu đúng đắn.
Cụ thể, một mặt Chính phủ cần kiên trì thực hiện mục tiêu đã nêu trong Nghị quyết 02 từ đầu năm, mặt khác quyết tâm ổn định, hạ lãi suất, xử lý nợ xấu, giãn - giảm -miễn thuế, triển khai quyết liệt và hiệu quả gói 30.000 tỷ đồng cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở xã hội, hình thành và phát hành trái phiếu, có thể ứng trước trái phiếu của năm sau cho năm trước… 
- Với những gì ông phân tích ở trên, theo ông tình hình kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ có những điểm gì nổi bật? 
Phần lớn các dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong vài tháng trở lại đây đều cho rằng, năm 2013 tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào khoảng 5,2-5,3%, năm 2014  tăng trưởng sẽ quanh con số 5,5%, năm 2015 là 5,8%.
Tuy nhiên, Chính phủ thì cho rằng, năm 2014 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 5,8% còn năm 2015 là 6%.
Như vậy hai mức dự báo chênh lệch nhau khá nhiều.
Hy vọng rằng, Việt Nam sẽ nhanh chóng ổn định được kinh tế vĩ mô, niềm tin quay trở lại cùng với những hiệp định thương mại tự do được ký kết, những biến chuyển của nền kinh tế thế giới theo chiều hướng tích cực… sẽ là những cú hích mạnh đối với nền kinh tế Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!


Minh Loan

Bình luận
vtcnews.vn