‘Không thể tùy tiện sử dụng tên gọi Việt Nam với mục đích quảng cáo'

Kinh tếThứ Bảy, 29/06/2019 15:38:00 +07:00

Bà Ninh Thị Thu Hương - lãnh đạo Cục Văn hóa Cơ sở - lý giải nguyên nhân cơ quan này yêu cầu chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của Coca-Cola.

Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch) - cho biết công văn yêu cầu chấn chỉnh được ban hành sau khi Cục kiểm tra, xem xét kỹ lưỡng nội dung quảng cáo có sử dụng cụm từ “Mở lon Việt Nam” của Coca-Cola Việt Nam.

Theo quan điểm của Cục, cụm từ này không có thông tin rõ ràng. Nếu đã nói “lon” thì phải gắn với tên sản phẩm như lon Coca-Cola, lon bia hay lon nước ngọt. Còn việc ngắt chữ “lon” không gắn với tên sản phẩm hàng hóa là không cung cấp thông tin rõ ràng về sản phẩm.

"Chưa kể, việc gắn chữ 'lon' mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau như 'ở Việt Nam', 'tại Việt Nam'… là phản cảm và thiếu thẩm mỹ vì tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo, gắn với các slogan một cách thiếu trang trọng như vậy”, bà Hương khẳng định.

“Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu và thông cảm với một doanh nghiệp nước ngoài khi họ vô ý xây dựng một slogan quảng cáo không đảm bảo sự trong sáng trong sử dụng tiếng Việt, không được tư vấn kỹ và phù hợp về từ ngữ, văn hóa Việt”, bà Hương nói thêm.

coca_1

 Cục Văn hóa Cơ sở nhận định "tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng với mục đích quảng cáo, gắn với các slogan một cách thiếu trang trọng". 

Chia sẻ thêm với PV, bà cho biết giống như nhiều lĩnh vực hiện nay, hoạt động quảng cáo đã được cải cách thủ tục hành chính, không có thủ tục cấp phép. Hơn nữa, một chiến dịch quảng cáo được thực hiện dưới nhiều hình thức, trên nhiều loại phương tiện quảng cáo nên càng không có thủ tục cấp phép cho cả một chiến dịch quảng cáo. Đến nay, chỉ còn lại một thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng, băng-rôn.

Do đó hiện nay, hoạt động quảng cáo được đảm bảo nghiêm túc bởi các tổ chức, cá nhân quảng cáo chủ động đáp ứng đầy đủ điều kiện về hàng hóa, dịch vụ quảng cáo theo quy định tại Điều 20 Luật Quảng cáo.

Trong trường hợp có vi phạm, chính quyền sẽ phân định trách nhiệm của từng chủ thể (người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo...) theo quy định của Luật Quảng cáo.

Hiện nay, khi tốc độ phát triển của hoạt động quảng cáo được nâng cao với sự xuất hiện của nhiều loại hình, phương tiện quảng cáo, hoạt động quảng cáo cần nhiều lực lượng giám sát hơn nữa như cộng đồng doanh nghiệp, xã hội thông qua yêu cầu về đạo đức, trách nhiệm với công cụ là các quy tắc ứng xử.

Trước đó, vào dịp AFF Cup 2018, Coca-Cola Việt Nam tung bộ sưu tập lon nước ngọt phiên bản đội tuyển quốc gia Việt Nam. Trong quảng cáo, nhãn hàng tiếp tục đưa hình ảnh những "chàng trai vàng" lồng ghép trong thông điệp "Mở lon Việt Nam". Ngay thời điểm đó, chiến dịch quảng cáo này đã nhận không ít chỉ trích của cộng đồng về việc sử dụng cụm từ "Mở lon Việt Nam”.

Trao đổi với Zing.vn, đại diện Coca-Cola Việt Nam cho biết đã nhận được thông tin yêu cầu chấn chỉnh từ vài ngày trước. Hiện tại, các phòng, ban trong công ty đang bàn bạc và tiến hành điều chỉnh nội dung quảng cáo phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Mức độ điều chỉnh và thống kê tình hình thiệt hại khi điều chỉnh sẽ được thông báo trong thời gian tới.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn