Jetstar Pacific giải trình về sự cố bay vòng vèo

Kinh tếChủ Nhật, 30/05/2010 05:33:00 +07:00

(VTC News) – Cơ trưởng đã quyết định cho máy bay quay về sân bay Tân Sơn Nhất để kiểm tra vì hệ thống đèn báo áp suất buồng lái thấp hơn bình thường.

(VTC News) - Sau khi máy bay cất cánh khoảng 15 phút, hệ thống đèn báo áp suất buồng lái thấp hơn bình thường nên Cơ trưởng đã quyết định cho máy bay quay lại nơi xuất phát là sân bay Tân Sơn Nhất để kiểm tra.

Hôm nay (30/5), Hãng Hàng không giá rẻ Jetstar Pacific chính thức lên tiếng về sự cố bay vòng vèo khiến hành khách hoảng loạn trên chuyến bay BL806 tối 28/5 vừa qua.

Trao đổi với VTC News, ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phụ trách Marketing và PR của Jetstar Pacific cho biết: “Chuyến bay BL806 ngày 28/5 theo lịch trình dự kiến sẽ cất cánh lúc 20h35 phút từ Tp.Hồ Chí Minh đi Hà Nội. Nhưng do máy bay về muộn, chuyến bay chính thức khởi hành vào lúc 21h30.

Hành khách mệt mỏi và hoảng sợ sau 2 giờ bay lòng vòng trên bầu trời rồi quay trở lại sân bay Tân Sơn Nhất (ảnh độc giả cung cấp).

Sau khi máy bay cất cánh và lấy độ cao được 2000 mét ( sau khoảng 15 phút bay), hệ thống đèn báo áp suất buồng lái thấp hơn bình thường. Do vậy, Cơ trưởng đã quyết định cho máy bay quay lại nơi xuất phát là sân bay Tân Sơn Nhất để kiểm tra.

Để bảo đảm trọng tải hạ cánh theo tiêu chuẩn quy định, máy bay đã thực hiện bay vòng nhằm tiêu hao bớt nhiên liệu theo quy trình hàng không trước khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất. “Hoàn toàn không có các bất thường nào xảy ra đối với động cơ máy bay”, đại diện của Jetstar khẳng định.

Giải thích thêm lý do phải giảm tải máy bay lúc hạ cánh, đại diện Jetstar cho rằng đó là vì hầu hết tất cả các loại máy bay được sản xuất trên thế giới đều quy định trọng tải cất cánh tối đa và hạ cánh tối đa. Thông thường, lượng nhiên liệu được tính toán cẩn thận để nạp cho máy báy trước khi cất cánh. Trong quá trình bay, máy bay sẽ tiêu hao bớt nhiên liệu, đồng thời giảm tải cho máy bay để bảo đảm trọng tải hạ cánh, hạn chế tối đa lực tác động lên càng máy bay lúc đáp xuống đường băng. Trong một số trường hợp có phát sinh, máy bay sẽ phải bay vòng để tiêu hao bớt nhiên liệu trước khi hạ cánh.

Còn hiện tượng hành khách có thể nhìn thấy khói thực chất là khi động cơ máy bay hoạt động, luồng khí được tạo ra phía sau động cơ. Hiện tượng này là hiện tượng thải khói trắng của máy bay. Hiện tượng này có thể giải thích theo khoa học như sau: Do sự ngưng tụ của hơi nước thoát ra từ buồng đốt nhiên liệu. Khi tiếp xúc với không khí trên cao rất lạnh, hơi nước trong suốt lập tức biến thành vô số tinh thể nước đá bé li ti, làm khúc xạ ánh sáng giống như các đám mây.

Thời gian kéo dài của vệt khói trắng tùy thuộc ánh nắng mặt trời và độ ẩm trong không khí. Nếu không khí khô và nắng nóng, tinh thể nước đá bốc hơi nhanh làm hơi nước trở lại trong suốt. Nếu không khí ẩm và trời lạnh, làn khói trắng có thể kéo dài mấy chục phút, thậm chí tạo ra mây và tồn tại lâu dài.

Một số hành khách ngồi ở khu vực cửa sổ máy bay trên chuyến BL806 nhìn thấy có khói thực chất là hiện tượng này. Hiện tượng này sẽ thấy rõ hơn trên bầu trời khi quan sát các máy bay chiến đấu cất cánh.

“Nếu có khói, máy bay sẽ phải hạ cánh khẩn cấp chứ không thể có nhiều thời gian để bay vòng nhằm giảm tải theo quy định tiêu chuẩn hạ cánh của mỗi loại máy bay”, đại diện của JPA nhấn mạnh.

"Cơ trưởng và phi hành đoàn của chuyến bay BL806 đã thực hiện đúng các thao tác kỹ thuật và nghiệp vụ, chuyến bay đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 23h30.
Những hành khách trên chuyến bay ngay sau đó đã được Hãng bố trí sang máy bay khác để tiếp tục khởi hành đi Hà Nội vào lúc 00h30 sáng hôm sau. Một số hành khách thay đổi kế hoạch cũng đã được Jetstar hoàn vé và bố trí chuyến bay khác vào sáng hôm sau".

"Hàng không là một trong những lĩnh vực có quy trình nghiêm ngặt về an toàn. Các đơn vị nghiệp vụ tại sân bay, bao gồm cả đội cứu hỏa sẽ có mặt trong các trường hợp hạ cánh tương tự như chuyến BL806 nhằm hỗ trợ hành khách trong trường hợp cần thiết”, vị đại diện của JPA kết luận.



Thu Hiền

Bình luận
vtcnews.vn