Hơn 7.000 hộ dân bỗng trở thành con nợ, Đà Nẵng giải thích thế nào?

Kinh tếThứ Hai, 25/02/2019 17:17:00 +07:00

Tính đến ngày 31/1/2019, tổng số hộ nợ tiền sử dụng đất là 7.189 hộ (gồm cả số hộ nợ quá hạn và còn trong hạn nộp chậm), trong đó nợ đất tái định cư là 6.958 hộ với tổng số tiền 866,562 tỷ đồng.

Từ nợ 60 triệu thành 2 tỷ đồng!

Quyết định áp dụng khung giá đất mới của Đà Nẵng có hiệu lực từ ngày 11/2 đã khiến hơn 7.000 hộ dân “bỗng dưng” trở thành con nợ với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.

 Anh Quang (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, gia đình anh nằm trong diện giải tỏa khu đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc năm 2007 và được bố trí lô đất tái định cư (TĐC).

Theo quy định của thành phố lúc đó, gia đình anh được cho nợ tiền sử dụng đất (SDĐ) trong thời hạn 10 năm. Giá tiền nợ thời điểm đó là 60 triệu đồng/lô đất 90m2. Tuy nhiên, bây giờ muốn lấy sổ đỏ thì gia đình anh phải nộp gần 2 tỷ đồng.

“Đầu năm 2019, tôi đến UBND quận Sơn Trà đăng ký nộp tiền SDĐ thì được thông báo phải nộp gần 2 tỷ đồng. Nhân viên văn phòng đăng ký đất đai giải thích, số tiền tăng như vậy là do áp dụng quy định về giá đất mới của thành phố, có hiệu lực từ ngày 11/2/2019. Tôi quá sốc với số tiền phải trả cao như vậy”, anh Quang nói.

Anh Quang than thở, bây giờ số tiền SDĐ lên đến gần 2 tỷ đồng thì làm sao anh có thể trả được.

no dat

Theo số liệu Trung tâm Phát triển quỹ đất Đà Nẵng, đến ngày 31/1/2019, tổng số hộ nợ tiền SDĐ là 7.189 hộ.

Tương tự, anh L.V.D. (trú quận Sơn Trà) cho biết, gia đình anh mua lại một lô TĐC trên đường Nại Hiên Đông 16. Theo thông báo, hạn cuối nộp tiền SDĐ là trước ngày 12/2/2019, khoảng 360 triệu đồng. Tuy nhiên, nay áp dụng theo quy định giá đất mới, anh được thông báo số tiền phải nộp là 1,7 tỷ đồng.

“Gia đình tôi tìm đâu ra 1,7 tỷ đồng? Chỉ có nước bán nhà mới hy vọng đủ tiền nộp cho Nhà nước”, anh D. nói.

Anh Dũng (trú quận Sơn Trà) cho biết, hợp đồng của gia đình anh với cơ quan chức năng là trả nợ bằng vàng nhưng giờ áp trả tiền theo giá đất mới, không biết lấy đâu ra mà trả.

“Gia đình tôi nợ 240 triệu đồng, giờ lên tới 1,2 tỷ đồng thì chỉ có bán luôn nhà”, anh Dũng nói.

Theo số liệu của Trung tâm Phát triển quỹ đất, tính đến ngày 31/1/2019, tổng số hộ nợ tiền SDĐ là 7.189 hộ (gồm cả số hộ nợ quá hạn và còn trong hạn nộp chậm). Trong đó, số hộ nợ đất TĐC là 6.958 hộ với tổng số tiền 866,562 tỷ đồng

Đà Nẵng giải thích gì?

Trả lời VTC News ngày 25/2, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) TP. Đà Nẵng cho biết, việc ban hành và áp dụng Quyết định 06 sửa đổi, bổ sung giá đất mới có hiệu lực từ ngày 11/2 của Đà Nẵng là đúng quy định.

to hung

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Đà Nẵng.

Ông Hùng giải thích, theo quy định thì có 2 cơ sở để điều chỉnh giá đất. Hoặc là Chính phủ ban hành một công văn giá đất mới hoặc là trong quá trình vận dụng bảng giá đất mà nó có sự chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn 20% so với thực tế) thì phải ban hành bảng giá đất mới cho phù hợp.

“Trước khi ban hành quy định giá đất mới, Đà Nẵng đã xem xét, tính toán rất kỹ và toàn diện vì nó có tác động, ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Dựa trên cơ sở thực tế, từ đầu năm 2018, Đà Nẵng đã nghiên cứu về áp dụng bảng giá đất mới và đến đầu năm 2019 ban hành là đúng”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, hiện người dân nợ tiền đất TĐC rơi vào 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất là vẫn còn nằm trong khuôn hạn thì thực hiện theo bảng giá đất cũ. Trường hợp thứ hai là đã vượt quá thời hạn mà không nộp thì rõ ràng phải nộp theo quy định của giá đất mới, không thể nào khác được.

Ông Tô Văn Hùng cho biết, theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 45/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền SDĐ thì đối với hộ gia đình cá nhân được ghi nợ tiền SDĐ phải trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm. Sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết thì người SDĐ phải nộp tiền SDĐ còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ (giá đất hiện hành).

Đối với những trường hợp nợ tiền đất quy đổi ra vàng thì áp dụng theo Công văn số 7315/UBND-KT1 ngày 31/8/2016 của UBND thành phố.

Cụ thể, những trường hợp nợ tiền SDĐ mà trong hợp đồng ghi nợ 10 năm quy ra giá vàng 98% đến thời điểm người dân liên hệ nộp hồ sơ trả nợ vẫn trong thời hạn 10 năm, đã quá hạn 5 năm thì được lựa chọn 1 trong 2 phương án.

“Phương án một là thực hiện trả nợ theo hợp đồng; trả bằng số vàng nợ theo hợp đồng nhân với đơn giá vàng tại thời điểm trả nợ nhưng đảm bảo số tiền trả nợ không thấp hơp số tiền nợ gốc. Phương án hai là trả nợ theo giá quy định hiện hành”, ông Hùng nói.

dat 3

Giá đất thực tế tăng cao là cơ sở Đà Nẵng ban hành Quyết định số 06 về sửa đổi, bổ sung quy định một số điều của quy định giá các loại đất năm 2019.

Đối với các hộ gia đình bị giải tỏa và nợ tiền đất TĐC quá hạn 5 năm, UBND thành phố đã có văn bản xin ý kiến của Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan.

“Theo trả lời của Bộ Tài chính, trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị UBND thành phố thực hiện việc thu nợ tiền SDĐ TĐC theo quy định tại Nghị định 45/2014”, ông Hùng nói.

Trước đó, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ký ban hành Quyết định số 06 về sửa đổi, bổ sung quy định một số điều của quy định giá các loại đất năm 2019. Quyết định có hiệu lực từ ngày 11/2/2019 quy định nơi cao nhất có giá 98,8 triệu đồng, nơi thấp nhất là 250.000 đồng/m2.

XUÂN TIẾN
Bình luận
vtcnews.vn