Hiệu phó ĐH Kinh tế Quốc dân: Tham gia CPTPP là cơ hội cho Việt Nam trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Kinh tếThứ Hai, 05/11/2018 14:26:00 +07:00

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) - Phó Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng CPTPP là cơ hội để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra khó lường.

Sáng 5/11, thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) - Hiệu phó ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng nền kinh tế nước ta đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường bên ngoài.

"Vì vậy, tôi cho rằng nếu chúng ta đánh giá CPTPP kể cả nó không làm tăng thêm GDP hoặc cơ hội việc làm thì vẫn cần thiết tham gia để giữ vững thị trường, để đảm bảo ổn định kinh tế, đó là chưa nói đến chuyện chúng ta đang đánh giá nó có tác động thêm về mặt GDP cũng như việc làm", đại biểu Cường nói.

hoang-van-cuong

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu ở hội trường sáng 5/11.

Ông Cường cho rằng hiện nay cần làm rõ hành động như thế nào để có thể tận dụng được những lợi thế khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP và hạn chế đến mức thấp nhất là những tác động bất lợi có thể mang lại đối với hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước.

"Chúng ta so sánh với các khối trong khu vực về các mặt hàng chủ đạo, 10 mặt hàng chính, đúng là nước ta hiện nay đang gần như xếp vào nhóm cuối cùng, thấp nhất.

Mặt hàng được đánh giá là có lợi thế lớn nhất đó chính là dệt may, giày da, đồ gỗ, chúng ta cũng đứng vào xếp hạng thứ ba, nhóm được coi là trung bình như đồ gia dụng cũng xếp thứ năm, hàng thực phẩm xếp thứ sáu, như rau quả, cà phê, hồ tiêu, thủy sản xếp cao hơn.

Ngược lại, thịt các loại xếp rất thấp. Mặt hàng kém cạnh tranh chúng ta đứng gần như đội sổ, ví dụ như mỹ phẩm thứ 11, văn phòng phẩm thứ 9, phim ảnh thứ 9, điện, điện tử, vi tính đứng hàng thứ 7.

Nước ta là một trong những nước đang có thế mạnh xuất khẩu rất lớn về ngành công nghiệp chế tạo, ngành điện tử đứng thứ 7 tức là cạnh tranh rất kém.

Như vậy, do có lợi thế thấp nên chúng ta có ưu đãi hơn khi thực hiện đàm phán lộ trình tham gia vào Hiệp định CPTPP, chúng ta cũng thực hiện lộ trình cắt giảm các dòng thuế chậm hơn so với các nước, có thời gian chuyển đổi kéo dài hơn", vị Hiệu phó ĐH Kinh tế Quốc dân phân tích.

Vị chuyên gia này cho rằng, để có lợi thế, hàng hóa cũng phải đảm bảo có sức cạnh tranh, đồng thời phải đủ điều kiện để được tham gia.

Thỏa thuận của Hiệp định CPTPP có một điều kiện để các hàng hóa được tham gia đó là quy tắc xuất xứ hàng hóa tính hàm lượng giá trị khu vực và được gọi là RVC (Regional Value Content), tính bằng giá trị hàng hóa trừ đi phần nguyên liệu mà không có xuất xứ trong khối trên tổng giá trị hàng hóa. Đây có lẽ là điều thách thức rất lớn đối với các hàng hóa của chúng ta.

"Ví dụ, ngành dệt may chúng ta cho là ngành có lợi thế nhưng thực tế nguyên liệu xuất xứ của chúng ta phần lớn không nằm trong khối này, như vậy nếu tính tiêu chí về quy tắc xuất xứ, có khả năng chúng ta sẽ có nhiều sản phẩm dệt may không thỏa mãn các điều kiện để đưa vào trong khối.

Chính vì vậy, một vấn đề đặt ra hết sức cấp bách là phải có lộ trình nhanh chóng, sớm chuyển đổi các nguồn nguyên liệu đang nhập từ các nước mà không phải là các quốc gia trong khối để chuyển thành sản xuất nguyên liệu ngay tại trong nước hoặc nhập của các quốc gia trong khối này, khi đó chúng ta mới đảm bảo đủ điều kiện về quy tắc xuất xứ.

Như vậy, chúng ta thấy đây chính là một yêu cầu đồng thời là một cơ hội rất tốt để chúng ta thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư trong nước để sản xuất những yếu tố nguyên liệu, tạo ra một chuỗi giá trị khép kín cho sản xuất trong nước.

Nếu chúng ta làm tốt việc này thì có thể chúng ta không phải dừng lại ở một nền sản xuất theo kiểu gia công như hiện nay mà chúng ta có thể bắt đầu từ khâu thiết kế các sản phẩm trong nước đến sản xuất các nguyên liệu, các sản phẩm phụ trợ cho đến việc tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh và tiếp cận thị trường cuối cùng trong khối", đại biểu Cường phân tích.

Vì vậy, theo ông Cường, nếu chúng ta có được cơ chế chính sách thu hút đầu tư tốt, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay cuộc chiến tranh Trung Mỹ đang xảy ra gay gắt.

Đây là cơ hội có nhiều nhà đầu tư có xu hướng rời bỏ thị trường Trung Quốc tìm nước thứ ba không bị ảnh hưởng để đầu tư đưa hàng hóa sang trong khối hoặc cho Mỹ. Nếu chúng ta làm tốt cơ hội này thì Việt Nam có thể trở thành trung tâm thực hiện các ngành công nghiệp chế tạo chế biến cho khối và cho khu vực.

Ngược lại, nếu chúng ta không kiểm soát tốt có thể xảy ra tình trạng hàng hóa, nguyên liệu có nguồn gốc từ các nước không phải trong khu vực sẽ tuồn vào, điều này rất nguy hại hoặc làm chết các hoạt động sản xuất trong nước hoặc bị rơi vào tình trạng vi phạm cam kết.

Khi đó hậu quả sẽ rất nặng nề nên đòi hỏi phía Chính phủ phải đẩy mạnh cải cách hành chính theo các chuẩn mực quốc tế để thu hút được các nhà đầu tư, đặc biệt là tạo lập môi trường kinh doanh công khai, minh bạch để kiểm soát, tạo cạnh tranh bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài", đại biểu Cường nhấn mạnh.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn