Giới nội trợ TP.HCM 'thở phào' khi giá cả hàng hoá ngày cận Tết ổn định

Kinh tếThứ Bảy, 18/01/2020 21:11:00 +07:00
(VTC News) -

Giới nội trợ tai TP.HCM đều "thở phào" nhẹ nhõm khi giá cả hàng hoá những ngày cận Tết Canh Tý 2020 không biến động mà vẫn giữ được mức ổn định.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, không khí Tết tại các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi... rất nhộn nhịp.

Theo khảo sát của PV VTC News ngày 18/1 (nhằm 24 tháng Chạp) tại các hệ thống siêu thị lớn như: Lotte Mart, Co.opmart, Vinmart, Big C... đều đông nghịt người dân đến mua sắm đồ dùng Tết.

Đáp ứng nhu cầu của khách hàng, năm nay các doanh nghiệp đẩy mạnh cải tiến mẫu mã, ra mắt nhiều sản phẩm chất lượng, phù hợp túi tiền của người tiêu dùng. Đặc biệt, các siêu thị đều dành vị trí trung tâm để trưng bày, giới thiệu các giỏ quà Tết, sản phẩm mới với cách trang trí hoa mai, hoa đào phù hợp với tiết xuân.

Giới nội trợ TP.HCM 'thở phào' khi giá cả hàng hoá ngày cận Tết ổn định - 1

Giá cả hàng hoá những ngày cận Tết Canh Tý 2020 vẫn giữ được mức ổn định.

Giỏ quà Tết (gồm 1 chai rượu vang, 2 hộp mứt, 1 hộp bánh, 1 hộp trà) có giá giao động từ 300.000 đồng - 1.500.000 đồng/giỏ, tuỳ theo thương hiệu từng sản phẩm. 

Các mặt hàng bán lẻ như bánh kẹo, mứt, đồ uống năm nay gần như không tăng so với các năm trước. Cụ thể, các loại hạt phổ biến như: hạt dưa, hạt bí, hạt dẻ... tuỳ vào từng loại mà có giá dao động từ 95.000 - 290.000 đồng/kg; các mặt hàng như: giò bò Vissan giảm còn 229.000 đồng/kg, giò lụa Vissan có giá 205.000 đồng/kg... Đối với các sản phẩm cao cấp, giá tăng khoảng 5% - 10%. 

Chị Thạch Lam (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM), khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Bình Triệu cho biết, chị rất vui khi giá cả hàng hoá những ngày này tăng không đáng kể mà còn giữ được mức ổn định. Mặt khác, một số mặt hàng còn có chương trình ưu đãi dịp Tết. 

"Làm nghề nội trợ, cứ mỗi dịp Tết đến, tôi lại lo lắng giá cả leo thang vì khó chi tiêu hợp lý. Nửa tháng trước, giá thịt heo tăng chóng mặt, làm tôi đứng ngồi không yên vì sợ các mặt hàng khác cũng tăng theo như vậy. Nhưng đến hiện tại, giá thịt heo cũng đã bình ổn, còn các mặt hàng khác thì vẫn giữ giá như ngày thường, nhiều mặt hàng còn tặng kèm quà có giá trị khi mua nhiều sản phẩm", chị Lam chia sẻ.

Tương tự, chung tâm trạng với chị Thạch Lam, chị Thu Lài (ngụ quận 3, TP.HCM) thở phào khi vào siêu thị và biết được giá cả bình ổn.

"Gia đình tôi hai vợ chồng đều làm nhân viên bình thường, với mức thu nhập của cả hai vợ chồng 15 triệu đồng/tháng mà còn phải lo cho hai con nhỏ thì việc chi tiêu thoải mái là điều rất khó. Do đó, vẫn mong Tết về nhưng không tránh khỏi lo lắng khi đi sắm Tết, sợ nhất là giá cả tăng cao.

Hôm nay tôi vào siêu thị Big C, khảo sát thấy giá không tăng mà còn có khuyến mại nên thở phào nhẹ nhõm, vì mức chi tiêu vẫn nằm trong kế hoạch tôi kiểm soát được. Còn về các mặt hàng cao cấp thì không nói, giá cao phù hợp với những người có nhu cầu cao thì vẫn là hợp lý", chị Lài cho hay.

Giới nội trợ TP.HCM 'thở phào' khi giá cả hàng hoá ngày cận Tết ổn định - 2

Để phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng trong dịp Tết, Sở Công Thương TP.HCM vận động các hệ thống siêu thị kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng.

Theo thống kê sơ bộ của Sở Công Thương TP.HCM, lượng hàng chuẩn bị cho dịp Tết cổ truyền 2020 tăng 14,6% - 17,3% so với năm 2019. Nhiều nhóm hàng với lượng lớn, chi phối từ 20% - 53,2% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm (chiếm 53,2%), trứng gia cầm (48,6%), thực phẩm chế biến (28,1%), thịt gia súc (21%), dầu ăn (27,5%), gạo (31,5%)...

Về các mặt hàng bia, nước giải khát, dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 45 triệu lít bia và 50 triệu lít nước giải khát/tháng Tết, tăng khoảng 30% so với tháng thường; các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt dự báo thành phố tiêu thụ khoảng 19.000 tấn.

Hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng thành phố chủ yếu từ 3 nguồn chính: các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm 30 - 40% thị phần; các chợ đầu mối chiếm 60 - 70% thị phần; các doanh nghiệp khác chiếm 10 - 20% thị phần.

Các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết, đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm…

Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện nhiều chương trình khuyến mại tập trung vào các mặt hàng Tết. Các siêu thị lớn như Big C, Sài gòn Co.op, Satra, Aeon - Citimart, dự kiến tổ chức nhiều chương trình giảm giá từ 5% - 49% cho hàng ngàn mặt hàng như: bánh kẹo, mứt, nước giải khát…

Bên cạnh đó, để phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng trong dịp Tết, Sở Công Thương TP.HCM vận động các hệ thống siêu thị kéo giãn thời gian phục vụ khách hàng.

Cụ thể: Từ ngày 20 - 27/12 tháng chạp âm lịch: mở cửa từ 7h đến 23h đêm. Từ ngày 28 – 29/12 tháng chạp âm lịch: mở cửa từ 6h đến 24h. Ngày 30 tháng chạp âm lịch: mở cửa từ 6h đến 12h. Khai trương năm mới: 8h mồng 2 Tết Nguyên đán. Từ mùng 2 mùng 5 Tết Nguyên đán: mở cửa từ 8h đến 12h. Mùng 6 Tết Nguyên đán: hoạt động kinh doanh bình thường.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn