Giá lợn Trung Quốc tăng cao, dân buôn gom hàng xuất lậu qua biên giới

Kinh tếThứ Tư, 27/11/2019 09:41:00 +07:00

Giá lợn hơi Trung Quốc cao gấp đôi thị trường Việt Nam dẫn tới việc nhiều thương lái thu gom lợn trong nước để xuất lậu qua biên giới kiếm lời.

Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi, tháng 2/2019, thời điểm dịch tả lợn châu Phi bắt đầu bùng phát, giá lợn hơi tại miền Bắc và miền Nam Việt Nam lần lượt là 46.151 đồng/kg và 51.750 đồng/kg. Trong khi đó, tại Trung Quốc, cùng thời điểm là 41.230 đồng/kg. Nhưng đến tháng 11/2019, giá lợn hơi tại Trung Quốc nhanh chóng tăng lên mức kỷ lục là 137.238 đồng/kg. Mức giá này cao gấp đôi giá lợn hơi tại Việt Nam và vẫn duy trì đến hiện nay.

Theo phản ánh của báo chí, thời gian gần đây, xuất hiện hiện tượng thương lái thu gom, buôn lậu lợn hơi từ Việt Nam sang Trung Quốc để hưởng lời, do chênh lệnh về giá bán.

DSC03094

Đang xuất hiện tình trạng thương lái thu gom lợn để xuất lậu đi Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Ngọc Khánh)

Thông tin với VTC News, anh Lê Long - chủ một trang trại nuôi hơn 1.000 con lợn tại Gia Kiệm, Đồng Nai - cho biết: “Khoảng hai tuần nay, lượng thương lái đi gom lợn để bán sang Trung Quốc rất nhiều, hầu như trại nào cũng có người vào hỏi. Những thương lái này mua với giá cao và mua rất dễ, chỉ cần lợn đạt trọng lượng từ 130-160kg là mua. Loại lợn to, nhiều mỡ khó bán cho các lò mổ trong nước và bị ép giá cũng được thương lái thu gom, thậm chí còn ưa chuộng hơn”.

Còn tại thị trường miền Bắc, ông Nguyễn Xuân Lộc – Trưởng ban quản lý chợ gia súc gia cầm Hà Nam - thông tin: “Ở chợ này tôi chưa thấy có tình trạng thương lái gom hàng, có thể nguyên nhân là do lợn tại thị trường miền Bắc đa phần dưới 120kg, trong khi đó thương lái chủ yếu có nhu cầu mua dòng lợn to, trọng lượng lớn".

Trả lời VTC News, ông Nguyễn Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (QLTT) cho biết: “Tổng Cục QLTT có phương án hạn chế tình trạng buôn lậu lợn qua biên giới nhất là những tháng cao điểm cuối năm. Cụ thể, Cục đã kết hợp với các cơ quan ban ngành khác lập chốt kiểm dịch để ngăn chặn việc vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc".

Ông Linh cũng xác nhận: "Một tháng gần đây bắt đầu xuất hiện tình trạng lợn nước ta bị đưa ra biên giới phía Bắc, Tổng Cục QLTT đã có chỉ đạo các Cục trực thuộc, nhất là các tuyến biên giới phía Bắc và phía Nam tăng cường công tác kiểm soát. Do tình trạng này xuất hiện ở các đường tiểu ngạch nên đơn vị QLTT phải kết hợp với các đơn vị khác để giám sát”.

“Trong thời gian tới, lực lượng QLTT tăng cường phối hợp với cảnh sát giao thông kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu trên khâu lưu thông; phối hợp với cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, kiểm soát các chợ đầu mối, các trung tâm giết, mổ gia cầm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm”, ông Linh nhấn mạnh.

DSC03253

Việc xuất lậu lợn hơi có thể ảnh hưởng tới nguồn cung trong nước vào những tháng cao điểm cuối năm. (Ảnh: Ngọc Khánh).

Tổng Cục QLTT cũng vừa có văn bản chỉ đạo các Cục quản lý thị trường tại khu vực biên giới các tỉnh như: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang phối hợp với Bộ đội biên phòng, Hải Quan, Công an kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại nói chung và buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu nói riêng.

Liên quan đến vấn đề trên, Bộ Công thương cũng đề xuất các địa phương, bộ, ban ngành liên quan tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng nhằm vừa giữ được nguồn cung cho thị trường trong nước vừa tránh tình trạng lây lan dịch bệnh.

Ngọc Khánh
Bình luận
vtcnews.vn