'GDP bình quân của người Việt Nam không dừng lại ở mức 3.000 USD'

Kinh tếThứ Hai, 23/12/2019 13:30:32 +07:00
(VTC News) -

Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, GDP bình quân của người Việt Nam sẽ không dừng ở mức 3.000 USD.

Chính phủ và Thủ tướng xứng đáng nhận Huy chương vàng

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng nay 23/12, Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fullbright có bài phát biểu về khát vọng “Có một Việt Nam hùng cường 2045”.

Viện dẫn đến những thành tích của ngành thể thao Việt Nam tại SEA Games 30 vừa qua, ông Tuấn nhấn mạnh, thành tích này sẽ mở ra niềm tin về tương lai nền kinh tế, xã hội của đất nước. 

Giảng viên ĐH Fullbright cho biết, bên cạnh 98 tấm huy chương vàng (HCV) đoàn thể thao Việt Nam giành được tại SEA Games 30, Việt Nam xứng đáng có thêm nhiều HCV nữa. Ông Tuấn nhấn mạnh, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 7% cùng các thành quả khác về mặt kinh tế xã hội, Việt Nam xứng đáng đạt được huy chương vàng trong lĩnh vực kinh tế.

'GDP bình quân của người Việt Nam không dừng lại ở mức 3.000 USD' - 1

Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Đại học Fullbright.

 

Đại diện ĐH Fullbright đưa ra thống kê GDP bình quân đầu người so với số HCV bình quân trên 1 triệu dân của nhiều nước và khẳng định có mối tương quan lớn. Cụ thể, theo đánh giá của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, quốc gia có GDP bình quân đầu người cao sẽ có nhiều tấm HCV.

Tiến sĩ Tuấn khẳng định, nhìn vào thành tích của thể thao Việt Nam tại SEA Games 30, chúng ta có cơ sở kỳ vọng rằng GDP bình quân đầu người của Việt Nam không dừng lại ở mức 3.000 USD/người/năm. Tôi tin chúng ta có thể đạt hàng chục nghìn USD nếu có tầm nhìn và khát vọng.

Nhắc đến những nỗ lực rèn luyện của các vận động viên trong hành trình giành huy chương vàng, ông Tuấn cho rằng, trong mỗi vinh quang đều có nước mắt, mồ hôi. Vị tiến sĩ so sánh tinh thần rèn luyện trong thể thao với nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.

Chiếc huy chương vàng thứ 99, theo vị tiến sĩ, không thể không kể đến vai trò của cộng đồng doanh nghiệp. Ông cho rằng, đằng sau tấm áo vest hào nhoáng, doanh nghiệp cũng phải vất vả, khó khăn, suy tư.

Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn bày tỏ niềm tin vào những thành quả về phát triển kinh tế, kỳ vọng khát khao đạt được sự thịnh vượng vào năm 2045. Theo ông, Chính phủ và đặc biệt là cá nhân Thủ tướng cũng đáng được trao tấm HCV thứ 100 trong năm 2019.

Lấy một luật để sửa nhiều luật

Cũng chia sẻ tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng nay, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói về những giải pháp "gỡ khó" cho doanh nghiệp.

Nhấn mạnh việc không thể đánh đổi môi trường tự nhiên để kinh doanh, tuy nhiên theo ông Lộc cũng nhấn mạnh cần tạo ra mô trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI cho biết, theo khảo sát của đơn vị này, có đến 20 điểm chồng chéo mâu thuẫn tại các văn bản ban hành pháp luật trong Luật kinh doanh của Việt Nam hiện nay. 20 điểm này chủ yếu tập trung trong ngành xây dựng bao gồm các vấn đề về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường, đấu thầu ...

'GDP bình quân của người Việt Nam không dừng lại ở mức 3.000 USD' - 2

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

"Xung đột của các văn bản pháp luật đang làm bó tay, bó chân doanh nghiệp", ông Lộc nói và kiến nghị cần "dùng 1 luật để sửa nhiều luật, dùng 1 Nghị định để sửa nhiều Nghị định, như thế mới có thể mở đường cho đầu tư phát triển.

Đại diện VCCI cho rằng, khi được "tháo gỡ' các vướng mắc về thủ tục pháp luật, một dự án trước đây cần từ 2-3 năm mới xong thì giờ đây chỉ cần 6 tháng là hoàn thành. "Với tiến độ này, việc tăng trưởng kinh tế không chỉ đạt 7% mà có thể tăng lên 8-9-10%", ông Lộc phân tích.

Chủ tịch VCCI cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất đưa 5 triệu hộ kinh doanh (trước hết là 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký) vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp.

Mỗi hộ kinh doanh, theo ông Vũ Tiến Lộc, đều được đăng ký bởi một cá nhân đại diện cho hộ. Tức là về bản chất, hộ kinh doanh chính là doanh nghiệp một chủ theo khái niệm chung của thế giới. Về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn, các hộ kinh doanh, trước hết là các hộ kinh doanh có đăng ký, chính là một loại hình doanh nghiệp nhưng lại chưa được coi là doanh nghiệp và nhiều hộ kinh doanh hiện tại đang có quy mô, số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn các công ty. Đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp hiện hành.

Ông Lộc nhấn mạnh, với quy định hiện nay, quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh – nơi sinh kế của hàng chục triệu người và đóng góp hơn 30% GDP của đất nước, mà bản chất cũng là doanh nghiệp - thì chỉ được chế định trong một Nghị định. Hộ kinh doanh chỉ được hoạt động trong phạm vi địa phương là quận, huyện nơi đăng ký và bị hàng loạt các hạn chế về quyền kinh doanh.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn