EU 'bất ngờ' công bố danh sách thiên đường thuế

Kinh tếChủ Nhật, 10/12/2017 08:27:00 +07:00

Danh sách gồm hơn 20 quốc gia là “thiên đường thuế” dựa trên Bộ quy tắc Ứng xử châu Âu (COC), đã có ít nhất 4 nước là Panama, Samoa, Guam và quần đảo Marshall muốn được xóa tên ra khỏi bản chính thức.

Thời điểm cập nhật bản danh sách thiên đường thuế, cách thức theo dõi quá trình cải cách cũng như biện pháp trừng phạt đối với các nước có trong danh sách trên vẫn chưa được quyết định.

Tùy thuộc vào mức độ vi phạm mà các quốc gia trên có thể nhận các biện pháp trừng phạt khác nhau như buộc công khai thông tin tài chính với các đối tác là các công ty đa quốc gia.

Để không bị nêu tên, các quốc gia cần đáp ứng được cả 3 tiêu chí sau: ban hành luật thuế chặt chẽ, hạn chế tối đa tình trạng trốn thuế; đáp ứng các tiêu chuẩn minh bạch và tiến hành các biện pháp chống chuyển đổi lợi nhuận theo yêu cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hoặc phải thực hiện một cuộc cải cách toàn hệ thống. 

1

 Panama có thể thoát khỏi danh sách đen sau khi cam kết thực hiện cải cách. (Ảnh: Reuters)

Nhóm soạn thảo danh sách cũng được yêu cầu công khai toàn bộ thông tin về quá trình xét duyệt và theo dõi tiến trình cải cách của các nước để đảm bảo tính toàn diện và minh bạch của danh mục.

Ông Pierre Moscovici, một chuyên gia về thuế tại EU, cho hay: “Các nước bị liệt vào danh sách đã làm tổn hại niềm tin của liên minh và việc có bị đưa vào bản danh sách này hay không là do các quốc gia thành viên EU quyết định. Việc rút ngắn danh sách kèm theo cam kết công khai và rõ ràng của các nước”.

Những bản danh sách tương tự cũng từng được các tổ chức quốc tế công bố nhưng không đạt được độ tín nhiệm cao. Tiêu biểu như bản danh sách của OECD chỉ gồm 1 nước (6/2016) được Alex Coblham (phụ trách mạng lưới tư pháp về thuế) đánh giá không có ý nghĩa và là “một sự lặp lại nhàm chán” của tổ chức này.

Dựa trên các tiêu chí giống như châu Âu, Oxfarm, một tổ chức từ thiện, cho rằng bản danh sách này phải gồm 35 quốc gia, trong đó có cả một số nước châu Âu như Cộng hòa Ireland, Luxembourg, Hà Lan và Malta.

Trên thực tế, vào năm 2015, một bảng xếp hạng các nước châu Âu cũng đã từng được thiết lập nhưng lại bị giới chính trị ngăn cản.

Video: Hơn 200 đại gia Việt có tên trong Hồ sơ Paradise về rửa tiền, trốn thuế

Theo quan điểm của Elena - quan sát viên về tham nhũng tại Tổ chức Minh bạch thế giới: “Quá trình thiết lập một danh sách đen luôn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố chính trị. COC là một hội đồng hoạt động bí mật. Và kết quả là bản danh sách chúng ta nhận được có thể sẽ không toàn diện như các mục tiêu đề ra trước đó”. Tuy nhiên, phía COC khẳng định không hề có sự can thiệp của chính trị trong trường hợp này.

Từ danh sách 92 nước ban đầu, COC đã sàng lọc và cảnh báo 53 khu vực có thể bị liệt kê. Ông Moscovici nói thêm: “Danh sách được đưa ra tới đây được tạo lập bằng sự giám sát chặt chẽ kết hợp với các biện pháp duy trì áp lực đối với nước thứ ba, vì thế sẽ rất khách quan và minh bạch”.

(Nguồn: Thanh Tra)
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn