Đường sắt Cát Linh – Hà Đông biết lỗ vẫn làm: Cần truy trách nhiệm, không thể có ngoại lệ

Kinh tếThứ Hai, 23/09/2019 16:47:00 +07:00

Bàn về những sai phạm của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông’, theo nguyên ĐBQH Bùi Thị An, cần chỉ rõ trách nhiệm cụ thể, không nên có "vùng cấm" hay ngoại lệ.

Kiểm toán Nhà nước vừa chỉ ra những sai phạm của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Theo Kiểm toán Nhà nước, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ đầu đã thấy phải bù lỗ nhưng các bên liên quan lại chưa nêu cách khai thác hiệu quả. Tức là biết lỗ mà vẫn làm.

Cùng với việc chỉ ra những tồn tại trong việc thiết lập và thực hiện dự án, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải trong giai đoạn phê duyệt tổng mức đầu tư và đánh giá hiệu quả.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, khi phân tích tính kinh tế, chủ đầu tư không xem xét đến chi phí vận hành chiếm tỷ trọng lớn trong giai đoạn khai thác, dẫn đến kết luận dự án hiệu quả về mặt kinh tế là thiếu chính xác.

Liên quan đến những kết luận của Kiểm toán Nhà nước về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, trả lời VTC News chiều 23/9, nguyên ĐBQH TP Hà Nội Bùi Thị An cho rằng, cần chỉ ra tập thể, cá nhân nào đã chỉ đạo và quyết định thực hiện dự án này.

Hệ lụy của một dự án đội vốn, chây ì, trì trệ như đường sắt Cát Linh – Hà Đông là quá rõ. Cần chỉ ra đơn vị, cá nhân nào là người phê duyệt, quyết định. Tập thể nào cũng có người đứng đầu, vậy thì người đứng đầu đưa ra quyết định là ai? Cơ quan chức năng cần làm rõ điều đó, không có vùng cấm, không có ngoại lệ hay hạ cánh an toàn", nguyên ĐBQH khóa XIII TP Hà Nội nêu quan điểm.

catlinh-hadong

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau 11 năm được phê duyệt, 8 năm thi công và 10 lần lùi tiến độ vẫn chưa được bàn giao và đi vào hoạt động.

Cũng theo bà An, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là dự án trọng điểm quốc gia, nhưng quá trình thực hiện lại để xảy ra quá nhiều vấn đề. Vì thế, trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm tại dự án cũng phải được xử lý đúng với mức độ.

Từ một dự án được kỳ vọng thế nhưng sau 11 năm được phê duyệt, 8 năm thi công và 10 lần lùi tiến độ, đến giờ dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn ì ạch và chưa hẹn ngày đi vào hoạt động, khai thác. Với nhiều lần ‘thất hứa’ về thời gian vận hành như vậy, chủ đầu tư là Bộ GTVT cũng cần có biện pháp cứng rắn đối với tổng thầu Trung Quốc”, nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho biết.

Nói về thực trạng chậm vốn, đội vốn của dự án, bà An nhấn mạnh, lẽ ra chủ đầu tư phải cân nhắc kỹ khi đưa ra kế hoạch thực hiện một công trình lớn trong điều kiện kinh tế eo hẹp.

Chúng ta đã từng có những bài học nhãn tiền về việc đổi đất lấy hạ tầng gây không biết bao nhiêu lãng phí. Kể cả đối với những công trình, dự án được xã hội hóa thì cũng cần biết nguồn vốn được huy động từ đâu để tiến hành quản lý, giám sát”, nguyên ĐBQH TP Hà Nội chia sẻ.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông là bài học về quy hoạch của TP Hà Nội. Bỏ qua công đoạn tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc theo quy định đã gây nên hệ quả về tính thẩm mỹ của dự án. Đó là sự bất tiện về các vị trí đặt nhà ga tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Cuối cùng, ông Bùi Kiến Thành bày tỏ lo ngại về việc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ đi vào "vết xe đổ" của dự án xe buýt nhanh BRT.

Phân tích hiệu quả tài chính của Kiểm toán Nhà nước đối với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho thấy, tỷ lệ hoàn vốn nội bộ thấp hơn lãi suất vay, giá trị hiện tại ròng âm.

Thông báo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ: “Tỷ số lợi ích chi phí xét trên góc độ tài chính cho thấy sẽ phải bù lỗ. Tuy nhiên các đơn vị liên quan chưa thẩm tra, đánh giá nội dung này”.

Cơ quan kiểm toán cũng cho rằng, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư từ 8.769 tỷ đồng lên 18.000 tỷ đồng (tăng 9.231 tỷ đồng, hơn gấp đôi) khi chưa báo cáo Thủ tướng để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương cùa Quốc hội là chưa đúng luật.

Đồng thời, bộ này điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư trong quyết định vào tháng 5/2017 gồm chi phí trả nợ gốc phần vay lại 250 triệu USD là chưa đúng quy định, bổ sung chi phí xây lắp tăng 21 triệu USD do thay đổi biện pháp đầu tư khi chưa có tính toán chi tiết, thiếu cơ sở pháp lý.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông khởi công năm 2011, sau khi Việt Nam ký kết với Trung Quốc vay vốn tài trợ theo Hiệp định khung vào năm 2008. Bên tài trợ vốn chỉ định Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Đơn vị tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu và đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Dự án mục tiêu hoàn thành vào tháng 6/2014 nhưng qua bốn đời Bộ trưởng là ông Hồ Nghĩa Dũng, ông Đinh La Thăng, ông Trương Quang Nghĩa và hiện là ông Nguyễn Văn Thể vẫn chưa xong.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn