Đối đầu thương mại Mỹ - Trung: Việt Nam đón dòng vốn đầu tư mới

Kinh tếThứ Ba, 13/11/2018 12:19:00 +07:00

Đón sóng dịch chuyển của doanh nghiệp, dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc qua Việt Nam là những dự báo tác động sau căng thẳng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dự báo sẽ tiếp tục căng thẳng leo thang sau bầu cử Mỹ vừa qua. Nền kinh tế Việt Nam (VN) dự báo sẽ nhận được tác động tích cực thay vì dự đoán tác động tiêu cực trước đó.

VTC News điểm qua những tác động dưới góc nhìn của TS Đinh Thể Hiển và Nhóm tài chính Vietnam Financial Analyst (VFA).

Trung Quốc tăng đầu tư qua Việt Nam để né thuế?

IMG-7848 3

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu đầu tư vào TP.HCM. (Ảnh: Đình Dân) 

Khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có nhận định cho rằng, để đối phó với Mỹ, Trung Quốc (TQ) sẽ đầu tư qua VN thành một nơi gia công hay chỉ giúp thay nhãn Trung Quốc (Chinese products made in VN) để xuất khẩu đi tiếp.

Tuy nhiên, khả năng này không cao bởi trong cuộc đối đầu này, Mỹ đang trực tiếp đánh vào sắt thép và hàng công nghệ của TQ bằng sự giám sát rất cao. Đây cũng là điểm cho thấy khó xảy ra chuyện hàng TQ sẽ núp bóng VN nhập được vào thị trường Mỹ.

Một giả thuyết khác cũng được các chuyên gia kinh tế và giới truyền thông quốc tế đưa ra đó là: Khi bị Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa, TQ sẽ xả hàng sang các nước khác, trong đó có VN dẫn đến nguy cơ hàng trăm nghìn doanh nghiệp trong nước sẽ phải tạm ngừng sản xuất.

Tuy nhiên, nguy cơ này vốn là vấn đề nhiều năm nay của nền kinh tế VN. Hiện nay, các doanh nghiệp VN đang có những thích ứng tích cực.

Thị trường bất động sản (BĐS) VN có thể đón dòng vốn đầu tư từ TQ

Đồng tiền nhân dân tệ (CNY) mất giá cùng với kinh tế khó khăn sẽ kéo theo thị trường BĐS TQ tiếp tục đà suy giảm. Do vậy, giới có tiền và giới đầu tư của TQ sẽ chuyển nguồn tiền qua đầu tư BĐS tại một số thị trường mới nổi như VN. Điều này có thể giúp thị trường BĐS VN có dòng tiền mới, thoả cơn khát tài chính vốn đang bị siết chặt trong nhiều tháng qua.

Đây cũng là thực tế đang diễn tiến tại thị trường BĐS trong nước với ghi nhận lượng FDI đổ vào BĐS trong 8 tháng đầu năm 2018 đạt 5,9 tỉ USD. Dòng tiền này là một trong hai sức kéo đã khiến thị trường BĐS VN trụ vững trong nửa đầu năm nay.

FDI rút ra khỏi TQ chuyển sang các nước Đông Nam Á

Chien tranh thuong mai My Trung

Theo thống kê của Nikkei chỉ số PMI Việt Nam tăng trong năm 2018 cho thấy lĩnh vực sản của VN tiếp tục tăng trưởng mạnh. (Nguồn VFA)

Đồng tiền TQ CNY đã mất giá hơn 6% và Mỹ có thể áp thuế nhập khẩu lên toàn bộ hàng TQ khiến khó khăn lớn với toàn bộ nền kinh tế nước này. Như vậy sẽ khiến lạm phát gia tăng, các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu từ TQ đi Mỹ có nhiều khả năng phải đóng cửa khi gánh đòn mức áp thuế nặng nề từ Mỹ.

Đây cũng là lúc nguồn vốn đầu tư rút khỏi TQ sang các nước Đông Nam Á và sau đó sang Mỹ và châu Âu... Do vậy, VN có thể hưởng lợi một phần từ nguồn vốn đầu tư và các nhà máy FDI từ TQ chuyển sang.

Theo phân tích của Nikkei Asian Review, VN đang là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Các khoản đầu tư lớn từ các công ty đa quốc gia như Samsung Electronics hay Nestle đang biến VN thành một xưởng sản xuất lớn. Do vậy, làn sóng rút nhà máy khỏi TQ sẽ tìm đến VN nhiều hơn trong thời gian tới.           

Cũng từ thống kê của Nikkei cho thấy, chỉ số PMI của VN tăng trong năm 2018 cho thấy lĩnh vực sản xuất của VN tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo VFA tỷ giá VNĐ có thể bị suy yếu do đồng USD đang mạnh lên chứ không chịu sự tác động trực tiếp từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Tuy nhiên, các tác động trên của chiến tranh Mỹ - Trung với TQ sẽ cũng xảy ra cho VN, nhưng không rõ rệt. Tỷ giá VNĐ tăng là do người dân VN đã tăng dự trữ USD, kết hợp với khối ngân hàng bơm thanh khoản khá mạnh ra thị trường trong vòng một năm gần đây.

Tỷ giá tăng nguyên nhân chính không phải từ suy yếu kinh tế

Thông thường, khi tỷ giá USD tăng mạnh so với một đồng tiền quốc gia, cụ thể ở đây là tiền đồng sẽ là chỉ báo về sự suy yếu của nền kinh tế quốc gia đó. Tuy nhiên, các kết quả kinh tế VN 6 tháng đầu năm 2018 không có các yếu tố khiến tỷ giá tăng mạnh, thậm chí còn ngược lại.

Kết quả kinh tế VN trong 9 tháng đầu năm khá ấn tượng với mức tăng trưởng GDP gần 6,98%; chỉ số CPI cơ bản tăng 1,41% là khá ổn định và cán cân thương mại thặng dư gần 5,4 tỉ USD. Điều này cho thấy, kinh tế tăng trưởng khá tốt, không có áp lực về ngoại tệ, cũng như tiền đồng vẫn ổn định với chỉ số lạm phát khá thấp.

Tỷ giá đã nén khá mạnh trong năm 2017

Chien tranh thuong mai my Trung.2_png

Tỷ giá VNĐ vẫn tăng thấp hơn các đồng tiền khác, cho thấy sức ép tăng tỷ giá đến từ đến từ đồng USD tăng giá. (Nguồn VFA)

Lý giải cho tỷ giá USD tăng mạnh trong thời gian qua chủ yếu từ đồng USD đang tăng mạnh. Không chỉ có tỷ giá USD so tiền đồng tăng mà đồng tiền các quốc gia khác cũng đều giảm giá so với đồng USD.

Tính đến đầu tháng 11/2018, USD index đã vượt mức 95 điểm, khiến cho USD tăng khoảng 5,38% so với EUR, và các đồng tiền mạnh khác. Do vậy tỷ giá USD so tiền đồng tăng 2,68% trong vòng 11 tháng qua vẫn còn thấp hơn mức tăng của USD so với đồng tiền các quốc gia khác.

Ngoài ra tỷ giá USD tăng mạnh còn từ nguyên nhân đồng tiền này đã kiềm giữ trong năm 2017, mặc dù chỉ số lạm phát (CPI) của VN vào khoảng 4%, cao hơn Mỹ, nhưng tỷ giá USD trong năm 2017 lại giảm 0,2%. Tỷ giá VNĐ vẫn tăng thấp hơn các đồng tiền khác, cho thấy sức ép tăng tỷ giá đến từ đến từ đồng USD tăng giá.

Tuy nhiên tỷ giá đồng tiền các quốc gia có nền kinh tế yếu kém như Thổ Nhĩ Kỳ và Agentina sẽ bị khuếch đại do hiệu ứng kém, kinh tế quốc gia suy yếu và giới đầu tư rút vốn chuyển về Mỹ, nơi có giá trị tài sản đang tăng.

VN đang có sự tăng trưởng về sản xuất sẽ là yếu tố hạn chế tăng tỷ giá. Tuy nhiên trong tháng 8/2018, Ngân hàng nhà nước cung ròng 36.262 tỉ đồng ra thị trường, kết hợp với, lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao trên 4%; cho thấy hệ thống ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn về nguồn tiền.

Những dấu hiệu khó khăn của năm 2010 đang xuất hiện là điều đáng quan tâm về mức độ rủi ro tăng cao từ nguồn vốn ngân hàng. Dự kiến, Chính phủ sẽ không cung tiền mạnh trong các tháng cuối năm, sẽ giúp cho tỷ giá VNĐ sẽ tăng khoảng 3% trong năm 2018.

Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10 tháng qua, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào VN đạt 27,9 tỉ USD, trong đó, có gần 6 tỉ USD đầu tư vào bất động sản. Riêng tại TP.HCM, nguồn vốn FDI đạt 6,22 tỉ USD.

Trong đó, nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản thành phố tiếp tục tăng trưởng mạnh, đã thu hút được hơn 1 tỉ USD, chiếm 17% tổng nguồn vốn FDI, đứng thứ ba, giảm đáng kể so với năm 2017, đứng đầu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc (Hongkong). 

Trí Nghĩa
Bình luận
vtcnews.vn