Doanh nghiệp dệt may nào lãi cao nhất 6 tháng?

Kinh tếChủ Nhật, 01/09/2019 16:07:00 +07:00

Bảng xếp hạng lợi nhuận doanh nghiệp dệt may niêm yết khẳng định vị trí số 1 của May Sông Hồng cả ở doanh thu và lợi nhuận.

Báo cáo tài chính những doanh nghiệp dệt may niêm yết vừa công bố hé lộ phần nào bức tranh hoạt động của ngành này trong nửa đầu năm nay. Trong khi nhiều doanh nghiệp tiếp tục “ăn nên làm ra” thì một số rơi vào sa sút, giảm mạnh cả về doanh thu lẫn lợi nhuận.

Công ty Cổ phần May Sông Hồng (May Sông Hồng, mã MSH) nằm trong số ít doanh nghiệp dệt may niêm yết có sự tăng trưởng ở cả doanh thu lẫn lợi nhuận. Theo đó, MSH đạt doanh thu thuần gần 2.165 tỷ đồng và lãi ròng hơn 219 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt gần 24% và 52% so với cùng kỳ năm trước.

May Song Hong

May Sông Hồng tăng trưởng mạnh cả về doanh thu lẫn lợi nhuận nhờ mở rộng thị trường và sản phẩm chất lượng. (Ảnh: MSH)  

Tính riêng quý II, doanh thu thuần của May Sông Hồng đạt trên 1.164 tỷ đồng, tăng 20,1% so với quý 2 năm ngoái. Trong đó, doanh thu tài chính tăng hơn 7 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 13,1 tỷ đồng chủ yếu do tăng lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá. Trong khi đó chi phí tài chính giảm được gần 10 tỷ đồng, còn 7,6 tỷ đồng chủ yếu do giảm lãi tiền gửi và lỗ tỷ giá chưa thực hiện. Lợi nhuận sau thuế quý II đạt 133 tỷ đồng, tăng 38,8% so cùng kỳ 2018.

Xếp ngay sau May Sông Hồng là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển TDT với tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận 6 tháng đầu năm đạt 43,59%. Theo đó, báo cáo tài chính bán niên đã soát xét của TDT cho thấy doanh nghiệp đạt doanh thu thuần 158,4 tỷ đồng, tăng 46,2%. Doanh nghiệp may có trụ sở tại Thái Nguyên đạt lãi ròng 7,9 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, tương đương tăng trưởng 43,59% so cùng kỳ 2018.

Vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng lợi nhuận doanh nghiệp dệt may niêm yết là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG). Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy 6 tháng đầu năm, TNG đạt 2.042,6 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 37% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 93 tỷ đồng tăng 39%.

Ngoài ra, TNG cùng ghi điểm khi đạt mức tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận suốt từ 2014 - 2018. Năm 2019 kế hoạch của công ty với doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt 4.153,8 tỷ đồng và 208,2 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước.

TNG đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng bình quân 15%/năm. Đồng thời, đến năm 2024, dự kiến doanh thu và lợi nhuận ròng cán mốc 8.354,8 tỷ và 418,7 tỷ đồng. Hiện EU là thị trường lớn nhất của TNG đóng góp 50% cơ cấu doanh thu. Theo sau là thị trường Mỹ với 31%, CPTPP 11%, Nga - Belarus 7% và thị trường Châu Á - Hàn Quốc 1%.

Không được như MSH,TDT, TNG, Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân (FTM) thể hiện sự yếu kém về hoạt động kinh doanh khi đứng bét bảng về lợi nhuận. Nửa đầu 2019, FTM báo lỗ ròng 31 tỷ đồng trong khi mục tiêu kinh doanh năm 2019 có lãi 22,5 tỷ đồng.

Đây cũng đã là quý thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp này kinh doanh lỗ.

Thị trường đầu ra Trung Quốc khó khăn khiến Công ty cổ phần Damsan (mã ADS) báo lãi quý II giảm mạnh 76%. Tính chung 6 tháng đầu năm, ADS ghi nhận doanh thu thuần gần 942 tỷ đồng, tăng 15%. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng mạnh khiến cho lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh bị bào mòn, kết quả sau khi giảm trừ các khoản chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế giảm 85% xuống chỉ còn hơn 6 tỷ đồng.

Với mục tiêu đạt được 2.000 tỷ đồng doanh thu và 68 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, kết thúc nửa đầu năm Damsan mới hoàn thành được 47% kế hoạch doanh thu và 11% kế hoạch lợi nhuận.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn