Đi tìm các đại gia có giá nhất Việt Nam

Kinh tếThứ Sáu, 24/06/2016 07:40:00 +07:00

Vinamilk và Thế giới di động mới là các tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam lọt vào danh sách đại gia có giá nhất Việt Nam.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã quá quen với danh sách các tỷ phú giàu nhất cũng như các doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất. Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup là người giàu nhất với tài sản hơn 1 tỷ USD.

Top 4 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam vừa ghi nhận 1 gương mặt mới. Đó là ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG). Ông Tài vừa lọt vào Top 4 trong mấy ngày gần đây.

Còn ở danh sách các công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM) đã vượt qua Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) để đứng ở vị trí số 1 cách đây nhiều tháng.

nguyen-duc-tai

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản tri kiêm Tổng giám đốc Thế giới di động

Trong 2 danh sách kể trên, chỉ có Vinamilk và Thế giới di động lọt vào danh sách đại gia có giá nhất Việt Nam. Có tên trong danh sách này nghĩa là cổ phiếu của các đại có thị giá lớn nhất trên 2 sàn giao dịch Tp.HCM và Hà Nội.

Và điều đáng ngạc nhiên, cổ phiếu có thị giá cao nhất không phải các cổ phiếu nổi tiếng như VNM hay MWG mà là cổ phiếu ít được biết đến hơn là CTD của Công ty Cổ phần Xây dựng Cotec. Chốt phiên giao dịch ngày 22/6, CTD dừng ở mức 198.000 đồng/CP.

Công ty Cổ phần Xây dựng Cotec không nổi đình, nổi đám như nhiều đại gia bất động sản, xây dựng trên sàn chứng khoán Việt Nam. Thế nhưng với việc lợi nhuận tăng trưởng tốt dù thị trường còn nhiều khó khăn, cổ phiếu CTD vẫn được nhà đầu tư quan tâm.

Trong khoảng thời gian 5 năm (từ 2012 đến 2015), lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 522 tỷ đồng, tương ứng 247% lên 733 tỷ đồng. Doanh thu có tốc độ tăng chậm hơn một chút nhưng vẫn rất đáng kể. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của CTD tăng 9.159 tỷ đồng, tương ứng 203%.

Nhờ đó, giá cổ phiếu tăng rất mạnh trong suốt thời gian dài qua. Đóng cửa phiên 22/6, CTD dừng ở mức 198.000 đồng/CP, tăng 146.000 đồng/CP, tương ứng 283% so với cuối năm 2014 và tăng 49.800 đồng/CP, tương ứng 33,6% so với cuối năm 2015.

Là cổ phiếu có giá cao nhất Việt Nam nhưng do sở hưởng số lượng cổ phiếu khiêm tốn nên CTD vắng mặt trong danh sách doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn nhất vì vốn hóa của CTD chỉ đạt 9.278 tỷ đồng tại ngày 22/6.

Đứng ngay sau CTD là cổ phiếu BMP của Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh. Chốt phiên giao dịch 22/6, BMP tăng 1.000 đồng/CP lên 146.000 đồng/CP. Các chỉ tiêu kinh doanh của BMP không ấn tượng như CTD nhưng cũng có tốc độ tăng trưởng cao.  Nhờ vậy BMP ghi tên mình ở vị trí thứ 2 trong danh sách những đại gia có giá nhất Việt Nam.

Cũng như CTD, BMP có số lượng cổ phiếu khá khiêm tốn vì vậy, vốn hóa thị trường của công ty chỉ đạt 6.640 tỷ đồng.

Với mức giá 141.500 đồng/CP, MAS của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng trở thành một trong những cổ phiếu có giá nhất Việt Nam dù MAS không phải là cổ phiếu phổ biến, được nhiều nhà đầu tư biết đến.

Quy mô của MAS thậm chí còn khiêm tốn hơn CTD và BMP rất nhiều. Vì vậy, vốn hóa thị trường của công ty chỉ đạt 426 tỷ đồng. Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng là công ty “hạt tiêu” nhất trong các đại gia có giá nhất Việt Nam.

Nổi tiếng hơn MAS, CTD một chút, công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa được nhà đầu tư quan tâm khi chào sàn với cổ phiếu mã VCF. VCF là một trong những cổ phiếu hiếm hoi có thị giá trên 100.000 đồng/CP trong suốt thời gian dài.

Chốt phiên giao dịch 22/6, VCF dừng ở mức 140.000 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa tăng lên mức 3.721 tỷ đồng.

Nổi danh nhất trong danh sách các đại gia có giá nhất phải kể đến VNM và MWG. Trong đó, VNM gây ấn tượng hơn cả. Mặc dù có số lượng cổ phiếu cao gấp 26 lần CTD, nghĩa là độ pha loãng của VNM cao gấp CTD 26 lần nhưng giá cổ phiếu VNM chỉ thấp hơn CTD 59.000 đồng/CP.

Đóng cửa phiên giao dịch 22/6, VNM dừng ở mức 139.000 đồng/CP. Hiên tại, VNM đang là cổ phiếu có vốn hóa thị trường lớn nhất với 16.892 tỷ đồng.

Trong khi đó MWG là cổ phiếu đang lên khi đưa ông chủ Nguyễn Đức Tài vào Top 4 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Chốt ngày 22/6, MWG dừng ở mức 108.000 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Thế giới di động đạt mức 15.835 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Traphaco là gương mặt nổi trội trong làng dược Việt Nam. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi giá cổ phiếu TRA đạt mức 115.000 đồng/CP. Như vậy, vốn hóa thị trường Traphaco vươn lên 3.972 tỷ đồng.

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn