DEHP nguy hiểm tới mức nào?

Kinh tếThứ Bảy, 18/06/2011 04:31:00 +07:00

Chất tạo đục DEHP có hại như thế nào? Dưới đây là phân tích của Thạc sỹ Trần Trọng Vũ, Giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm - Đại học Công Nghệ Sài Gòn

Trong thời gian gần đây rất nhiều thông tin về trường hợp nước giải khát từ Đài Loan có chứa chất tạo đục DEHP và gây nên một số sự hoang mang trong cộng đồng người tiêu dùng trong nước.

Nhằm giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về DEHP nói riêng về các chất phụ gia tạo đục sử dụng trong các loại nước giải khát nói chung,  xin giới thiệu bài viết của Thạc sỹ Trần Trọng Vũ, Giảng viên Khoa Công nghệ thực phẩm - Đại học Công Nghệ Sài Gòn.

DEHP có tên là di 2-ethylhexyl phtalate, danh pháp quốc tế là 1,2-benzenedicarboxylic acid bis 2-ethylhexyl ester, hay dioctyl phtalate (DOP), công thức hóa học C24H38O4. Ở áp suất bình thường, DEHP là một chất lỏng không màu, không mùi, sánh như dầu và có nhiệt độ sôi khoảng 370oC, nó được sử dụng chủ yếu trong ngành nhựa làm chất phụ gia tạo dẻo trong các loại nhựa PVC (polyvinyl chloride) hay một số loại nhựa đồng trùng hợp khác từ vinyl chloride.

Trong nước, DEHP có thể xem như không tan (độ tan chỉ từ 23-30μg/lít), nhưng dễ dàng phân tán và tạo thành dung dịch có tính keo ngăn cản sự truyền suốt của ánh sáng, làm cho dung dịch trở nên đục, đây chính là lý do DEHP được sử dụng làm chất tạo đục trong một số loại thực phẩm, đặc biệt là các loại nước giải khát.

Chất tạo đục DEHP được cho là tìm thấy trong một số loại đồ uống ở Đài Loan.
Ảnh: Topnews

DEHP không phải là một chất duy nhất có khả năng tạo đục, trong thực phẩm người ta cũng ghi nhận có những chất khác có khẳ năng tạo đục do chúng là chất rắn không tan (ví dụ titanium dioxide) phân tán vào dung dịch hoặc là chất lỏng không tan trong nước nhưng có khả năng nhũ hóa, phân tán trong nước như DEHP.

Tuy nhiên, dưới góc độ các bằng chứng khoa học có phải DEHP là một chất gây ung thư nguy hiểm?

Theo các nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Cơ quan Nghiên cứu về Ung thư Quốc tế (International Agency for Research on Cancer – IARC) thì đến nay các công trình nghiên cứu về khả năng gây ung thư của DEHP vẫn chưa có bằng chứng thỏa đáng về khả năng gây ung thư cho người, các kết quả nghiên cứu trên chuột và thỏ thì đã được ghi nhận. Vì vậy, DEHP được IARC phân loại vào “Nhóm 2B - Các chất có thể gây ung thư cho người”.

Trong cơ thể người, DEHP dễ dàng được hấp thu trong đường tiêu hóa và trước tiên nó bị oxy hóa nhiều bước thành các hợp chất đơn giản hơn và dần dần được thải ra ngoài khoảng 11 - 25% qua nước tiểu sau khi ăn.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì DEHP không quá độc hại khi liều lượng có thể gây chết 50% số lượng vật thí nghiệm khi cho ăn DEHP là LD50 = 20g/kg thể trọng.

Hiện nay, mặc dù chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học về các khả năng gây ung thư của DEHP đối với con người, nhưng để an toàn, WHO khuyến cáo tổng lượng DEHP dung nạp của con người mỗi ngày không nên quá 25 μg/kg thể trọng và hàm lượng tối đa của DEHP được phép còn lại trong thực phẩm là 8 phần triệu (hay 8 μg/lít).

Bạn có biết rượu, các loại nước giải khát có cồn, thuốc lá hút chủ động và bị động, đều là các tác nhân gây ung thư được IARC xếp vào Nhóm 1 – Các tác nhân có đầy đủ bằng chứng về khả năng gây ung thư cho người?

Cho dù DEHP có nguy hiểm thì nó đã và sẽ được kiểm soát, so với rượu và thuốc lá hiện nay được tiêu dùng một cách quá đà, có lẽ chúng ta nên nhìn lại thói quen tiêu dùng của chính mình!

Theo IARC thì các tác nhân gây ung thư được chia thành 5 nhóm:

Nhóm 1: Các chất gây ung thư cho người - có đủ bằng chứng khoa học về khả năng gây ung thư cho người.

Nhóm 2A: Các chất có khả năng (“probably”) gây ung thư cho người – có ít bằng chứng về khả năng gây ung thư cho người, nhưng có nhiều bằng chứng về khả năng gây ung thư cho động vật thí nghiệm và về lý thuyết thì các chất này có khả năng gây ung thư cho người.

Nhóm 2B: Các chất có thể (“possibly”) gây ung thư cho người - có rất ít bằng chứng về khả năng gây ung thư cho người, có nhiều hơn các bằng chứng về khả năng gây ung thư cho động vật thí nghiệm và về lý thuyết thì cũng có ít hơn nhóm 2A các bằng chứng về khả năng gây ung thư cho người.

Nhóm 3: Các chất không có khả năng gây ung thư cho người, không có bằng chứng về khả năng gây ung thư cho người và cả động vật, về lý thuyết thì chúng cũng không có khả năng gây ung thư cho người, thường gồm các chất không thuộc nhóm nào khác.

Nhóm 4: Các chất có thể không gây ung thư cho người – không có bằng chứng về khả năng gây ung thư cho người, nhưng về lý thuyết thì có khả năng.

Theo Thạc sỹ Trần Trọng Vũ/TBKTSG
Bình luận
vtcnews.vn