Đề xuất thuế tài sản: Phải đánh thuế cả tiền tiết kiệm, đánh thuế người giàu cao gấp 10 lần

Kinh tếThứ Tư, 27/06/2018 11:33:00 +07:00

Theo luật sư Trương Thanh Đức, với những khoản tiền tiết kiệm lớn như hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ thì bắt buộc phải đóng thuế tài sản; đánh thuế tài sản lũy tiến và chỉ đánh vào những người có khả năng chi trả, có nguồn thu nhập, mức đánh thuế chênh lệch ít nhất 10 lần.

Đó là những chia sẻ của luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Basico tại buổi Hội thảo “Thuế tài sản – Một số gợi ý chính sách” do Viện Nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính tổ chức ngày 26/6.

Những tài sản nào sẽ bị đánh thuế tài sản?

Theo luật sư Trương Thanh Đức, hiện nay có nhiều chuyên gia phản đối việc đánh thuế tài sản, cho rằng trên thế giới chỉ 1, 2 nước đánh thuế tài sản thôi và cũng sắp bỏ loại thuế này rồi. Nếu muốn đánh thuế tài sản, cơ quan chức năng cần phải định danh chính xác thuế tài sản là gì.

Theo Bộ Luật Dân sự, thuế tài sản là nhà đất, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

"Nếu nói đến thuế tài sản, tôi khẳng định phải đánh thuế tất cả những thứ trên", luật sư Đức cho biết.

luat su truong thanh duc

 Luật sư Trương Thanh Đức.

Luật sư Đức cũng lấy ví dụ về việc gửi tiền tiết kiệm và cho rằng đây cũng là một tài sản phải đóng thuế.

"Tiền tiết kiệm, nếu chỉ khoảng 200 triệu, 300 triệu/năm thì không phải đánh, còn cao hơn mức đó thì phải đánh thuế. Hoặc ngoài ra, Bộ Tài chính cũng có thể có ưu tiên hoặc đề xuất là phải gửi trên 1 tỷ đồng/năm thì mới bị đánh thuế…. Chứ còn bây giờ một năm gửi 245 tỷ đồng thì lãi mấy chục tỷ tiền tiết kiệm, trên thực tế còn có những người gửi cả nghìn tỷ, thì những thứ ấy hoàn toàn không phải thuế chồng thuế", luật sư Đức đề xuất về những tài sản nên bị đánh thuế và mức đánh thuế phù hợp.

Luật sư Đức cũng dẫn chứng trên thế giới, có những nước đánh thuế thừa kế 30%, còn ở Việt Nam dù thừa kế 1.000 tỷ cũng không mất đồng thuế nào. Điều đó chứng tỏ là việc xác định thuế tài sản ở nước ta vẫn còn chưa chặt chẽ.

"Bên cạnh đó, những tài sản như vàng, kim cương thì có bị đánh thuế không? Ô tô, phi thuyền không có lý do gì mà không đánh thuế, vì chỉ những người giàu có mới sở hữu các tài sản này. Những người đấy phải được theo dõi, quản lý và bị đánh thuế đầu tiên", luật sư Đức nhấn mạnh.

Chỉ áp thuế tài sản với người có thu nhập, đánh thuế cao gấp 10 lần

Theo luật sư Trương Thanh Đức, nếu đã áp dụng đánh thuế tài sản thì cần phải xác định mức thuế như thế nào thì hợp lý, tránh phản ứng mạnh mẽ từ phía người dân. Bên cạnh đó, cũng cần phải xem lại mức thuế hiện hành đối với những tài sản đang bị đánh thuế để có sự điều chỉnh phù hợp.

Để dẫn chứng cho điều này, luật sư Đức đưa ra ví dụ: "Tôi có nhiều nhà, có resort, bị đánh thuế ở mức cao thì tôi sẵn sàng đồng ý. Theo quan điểm tôi đề xuất, mức cao nhất và thấp nhất chênh nhau ít nhất 10 lần. Ví dụ mức thấp nhất là 0,1 thì cao nhất là 1%, vì thực ra lúc đấy là ta đang đánh thuế vào những người giàu".

Mức đánh thuế được luật sư Đức đề xuất đó là đánh thuế lũy tiến, có nghĩa là ban đầu chỉ đánh thuế ở mức thấp, để người dân sẵn sàng nộp thuế, sau đó tăng lên theo từng năm. Nếu cần thiết, Bộ Tài chính cũng nên đưa ra lộ trình đánh thuế hàng năm để người dân có sự chuẩn bị và biết đường xử lý.

Về đối tượng đánh thuế tài sản, luật sư Đức cho rằng chỉ nên áp dụng đối với những người có khả năng nộp thuế. Ví dụ theo quy định ở nước ngoài, cứ có nhà thì bắt buộc phải nộp thuế, bởi những người sở hữu nhà ở nước ngoài đều thuộc vào hàng giàu có, đại gia. Tuy nhiên, không thể áp dụng tiêu chuẩn này ở Việt Nam bởi ở nước ta, người nghèo nhất cũng có nhà.

"Không phải cứ có nhà to, có chỗ ở duy nhất thôi mà giờ về hưu, không có nguồn thu nhập nhưng vẫn cứ bắt họ nộp thuế. Khi đánh thuế, chúng ta không thể không tính đến chuyện miễn giảm cho người nghèo. Bên cạnh đó, nguyên tắc chung là không thể đánh thuế tất cả các loại tài sản, đánh thuế vào tất cả mọi người mà chỉ đánh thuế vào những tài sản có giá trị lớn, rõ ràng và với những người có thu nhập cao", luật sư Đức kết luận.

Video: Áp dụng luật thuế tài sản nhà, ô tô: Thủ tướng nói gì?

Bên cạnh đó, việc đánh thuế tài sản cũng cần phải loại trừ các trường hợp thuế chồng thuế. Một ví dụ điển hình cho việc áp thuế chồng thuế đó là những nhà đưa vào sản xuất kinh doanh.

Một căn nhà cho người khác thuê trung bình phải nộp 3 thứ thuế: thuế buôn bán, thuế GTGT và thuế thu nhập. Đã mất tiền thuế thu nhập mà giờ còn bị đánh thuế tài sản nữa thì không hợp lý.

Khi đánh thuế tài sản, cần phải loại trừ trường hợp phát sinh giao dịch, ví dụ như phí trước bạ. Phí trước bạ được hiểu là mức phí chi trả cho hoạt động giao dịch lúc đó thôi, nhưng thậm chí có nơi lấy phí trước bạ là 20%, cao ngang bằng thuế rồi. Vậy nên đánh thuế trong những trường hợp này là không hợp lý, cần phải loại trừ.

Một số trường hợp khác cần phải loại trừ như tiền lương, cổ tức... mặc dù cũng là tài sản nhưng đã phải chịu thuế thu nhập rồi, do vậy không thể bị đánh thuế tài sản nữa.

Mai Tâm
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn