Đề xuất phát hành ‘vàng giấy’, người dân khi gửi vàng vào ngân hàng phải trả phí

Kinh tếThứ Tư, 12/07/2017 14:01:00 +07:00

Ý kiến đề xuất Chính phủ huy động vàng trong dân để đầu tư phát triển bằng cách phát hành ‘vàng giấy’ đã tạo ra những cuộc tranh luận "nảy lửa".

Phát hành ‘vàng giấy’ thay cho vàng thật

Trong cuộc họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho Ngân hàng Nhà nước báo cáo giải pháp huy động nguồn lực trong dân để tạo nguồn vốn phục vụ tăng trưởng kinh tế.

Một trong những ý kiến được đề xuất cho việc huy động vàng là Chính phủ nên phát hành “vàng giấy” thay cho vàng thật. Cụ thể, cách thức để người dân thay vì giữ vàng trong nhà thì Nhà nước phát hành chứng chỉ vàng.

Video: Đề xuất phát hành "vàng giấy" thay cho vàng thật

Theo đó, cơ quan chức năng cho ngân hàng thương mại lớn, có năng lực tài chính phát hành chứng chỉ vàng - vì thế cũng có người gọi là “vàng giấy”.

Người dân đưa vàng vào ngân hàng, đổi lại họ sẽ giữ một tờ giấy chứng nhận số vàng đó thay vì cất vàng ở trong nhà. Và chứng chỉ vàng đó được cầm cố, thế chấp, bán khi cần. Đây cũng là cách hỗ trợ việc đánh thức nguồn vốn trong dân.

Hiện tại, giao dịch vàng gần như miễn phí, nếu có cũng rất thấp. Phải coi vàng thuộc nhóm xa xỉ phẩm, cũng giống ôtô, điều hòa nhiệt độ... Nhiều nước đã làm điều này.

huydongvang

Theo dự kiến của Chính phủ, số lượng vàng mà người dân đang cất giữ không đem ra đầu tư hiện nay có khoảng 500 tấn.

Về ý kiến đề xuất này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, phân tích: “Nên phát hành chứng chỉ vàng. Chứng chỉ này sẽ thay cho vàng thật và người dân có thể cầm chứng chỉ này để đi vay vốn của ngân hàng, hoặc để cầm cố, thế chấp.

Điều này sẽ giúp vàng quay vòng nhanh hơn trong nền kinh tế chứ không bị “nằm chết” trong ngăn kéo hay tủ sắt của người dân. Đó cũng là hình thức nhà nước huy động vàng trong dân để đưa vào sản xuất, kinh doanh.

Tất nhiên, khi chúng ta làm như thế thì sẽ không sợ là tăng “vàng hóa” hay “đô la hóa”. Vì về cơ bản, chúng ta chỉ dùng chứng chỉ đó để đi cầm cố hay đi vay vốn đầu tư này khác...”

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, cùng với việc phát hành “vàng giấy” thì trong tương lai, ngân hàng nhà nước nên thu phí giữ vàng vì nhiều nước trên thế giới đã làm điều này.

“Ngành ngân hàng nên phát triển hơn nữa dịch vụ cất giữ vàng để hạn chế rủi ro cho người dân cất vàng trong nhà. Đương nhiên là không có chuyện ngân hàng trả lãi suất cho việc gửi vàng mà ngược lại, người gửi vàng sẽ phải trả phí cho ngân hàng. Tất nhiên, trong một vài năm tới, ngân hàng chưa thu phí gửi vàng, nhưng trong tương lai sẽ phải tính đến điều này”.

“Đi ngược” với nguyên lý kinh tế

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến đồng tình thì cũng có nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại trước đề xuất này vì “khó khả thi” và có thể tiềm ẩn rủi ro, gây bất ổn kinh tế ở tầm vĩ mô.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, vàng hiện được cất giữ trong dân, mang bản chất như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về việc cất giữ, bảo quản.

“Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên thay vì giảm xuống.

nguyenducthanh

 Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành (Viện trưởng VEPR): "Huy động vàng sẽ tạo ra nguy cơ "vàng hóa" và gây bất ổn trong điều hành kinh tế ở tầm vĩ mô".

Cộng với những kích hoạt khác từ phía cầu (những biến động của kinh tế thế giới), sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thương hơn. Đây sẽ là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng “vàng hóa” trở lại. Điều này cũng tương tự như “đô la hóa”, khi ngân hàng nhà nước đặt mức lãi suất huy động dương với đồng đô la Mỹ”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành phân tích.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, với những nỗ lực của Chính phủ tiền nhiệm trong chính sách điều hành đã dần loại vàng và ngoài tệ ra khỏi quan hệ tín dụng trong thời gian qua. Các nhà điều hành cần tiếp tục thực hiện việc này một cách nhất quán và liền mạch, tránh việc lặp lại những sai lầm không cần thiết.

Video: Tiến sĩ Lưu Bích Hồ: Huy động vàng trong dân là "đi ngược với nguyên lý kinh tế"

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển cũng cho rằng, nhà nước nên tránh lặp lại tình trạng “vàng hóa”.

“Tôi đồng ý là phải huy động nguồn lực trong dân nhưng không phải huy động để dân gửi vào ngân hàng lấy một cái giấy chứng nhận hay lập sàn vàng rồi buôn bán lại vàng. Như thế là tiêu mất thành quả chúng ta đạt được là vàng hóa, đô la hóa”, TS Lưu Bích Hồ nói.

Tiến sĩ Lưu Bích Hồ kiến nghị: “Nhà nước nên nghiên cứu tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, điều đó kích thích hơn để người dân tự dân bỏ vàng ra, đổi vàng thành tiền, rồi có thể đem tiền đó tự kinh doanh hoặc đầu tư sinh lợi. Chứ như hiện nay thì chẳng ai tin rằng góp vàng vào cho ngân hàng để ngân hàng cho vay đầu tư khi người ta chưa tin vào thị trường, chưa tin vào cách làm như thế này thì chúng ta làm sao huy động được”.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn