Đề xuất lấp hồ Thành Công làm nhà và những kiến nghị lạ lùng chưa từng có

Kinh tếThứ Hai, 10/04/2017 10:19:00 +07:00

Đề xuất lấp hồ Thành Công (Hà Nội) để xây nhà tái định cư hiện đang khiến nhiều người dân phản đối bởi lẽ hồ Thành Công không chỉ là một không gian sinh hoạt chung, mà còn là một trong những hồ ít ỏi còn lại ở Hà Nội.

Mới đây, theo báo Giao thông, tại Hội thảo khoa học về cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng đã không ngại ngần đề xuất tạo quỹ đất để xây nhà tái định cư tại chỗ cho các hộ đang sinh sống ở chung cư Thành Công.

Hinh anh

Đề xuất lấp hồ Thành Công đang khiến nhiều người bức xúc. (Ảnh minh họa)

Cụ thể vị đại diện đề xuất Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội cho phép lấp hồ Thành Công với diện tích 1ha để lấy đất xây nhà tái định cư cho các hộ dân đang sống tại chung cư Thành Công cũ thuộc diện cải tạo.

Ngay khi đề xuất được đưa ra, cả hội trường cười ồ lên, song vị đại diện trấn an: “Các vị đừng vội cười, hãy nghe tôi nói”. Theo đó, đại diện chủ đầu tư Việt Hưng lý giải: Đây là phương án táo bạo song được nhiều các hộ dân chấp thuận, bởi họ không phải rời đi tạm cư nơi khác, lại tận mắt chứng kiến nhà tái định cư được xây dựng như thế nào. “Khi người dân đồng ý chuyển sang nhà tái định cư tại chỗ, chủ đầu tư mới tính phương án cải tạo chung cư cũ, mà không mất nhiều thời gian cho việc giải phóng mặt bằng, đền bù”, vị này cho hay.

Cũng theo vị đại diện trên, với phương án cải tạo chung cư cũ trên đất vàng mà chỉ cho xây nhà 24 tầng,chắc chắn chủ đầu tư không thể cân đối tài chính để thực hiện.

“Nếu chỉ cho xây nhà 24 tầng lại cộng thêm các tầng hầm thì đổi lại phải cho chủ đầu tư chúng tôi quỹ đất đối ứng, nhưng phương án này khá khó khăn”, đại diện Việt Hưng nói.

Giống như đề xuất lấp hồ Thành Công, trước đó, đề xuất in toàn tiền 20.000 đồng để chống tham nhũng cũng khiến nhiều người cho rằng thiết cơ sở khoa học và bất khả thị.

Cụ thể, một lãnh đạo Cục cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng, đề xuất: “Đề nghị nghiên cứu không in các loại tiền có mệnh giá lớn. Nếu chỉ in loại tiền có mệnh giá 20.000 đồng thôi, không cho phép giao dịch bằng ngoại tệ thì người ta rất khó đưa phong bì bởi khi đó phong bì rất dày".

Ý tưởng này ngay lập tức nhận được sự phản hồi từ các chuyên gia kinh tế, cơ quan chống tham nhũng.

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, việc in tiền mệnh giá 20.000 đồng không phải là giải pháp cốt lõi giải quyết vấn đề chống tham nhũng hiện nay ở nước ta.

“Hiện tại, tham nhũng phức tạp và biến tướng dưới nhiều hình thức. Đối tượng tham nhũng thường ít nhận tiền mặt hơn, thay vào đó, tham nhũng núp bóng dưới dạng tài sản lớn hơn nhiều (tặng nhà, ô tô, tài khoản ngân hàng, ngoại tệ, rửa tiền…).

Do vậy, chắc ít có chuyện người ta “tặng” nhau tiền tỷ mà chỉ dùng toàn tiền mệnh giá 20.000 đồng. Càng hiếm có chuyện người ta đem ô tô đi chở tiền tỷ, mệnh giá 20.000 đồng.

Trước đó, đề xuất ngực lép không được lái xe máy cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ người dân. Theo dự thảo Thông tư liên tịch quy định tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe, để đủ sức khỏe thi giấy phép lái xe hạng C, D, E, F, A2 thì phải có chiều cao trên 1,6-1,62 m; cân nặng trên 47 kg; vòng ngực trung bình trên 76-78 cm.

Năm 2008, Bộ Tư pháp từng “tuýt còi” quyết định này vì quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải do liên bộ ban hành nên việc Bộ Y tế tự ý ban hành là không đúng thẩm quyền.

Hơn nữa, việc đưa ra quá nhiều tiêu chuẩn (83 tiêu chuẩn), đặc biệt có những tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, vòng ngực và một số tiêu chuẩn khác không phù hợp với thực tế đã làm hạn chế quyền hiến định của công dân trong việc sử dụng tài sản, phương tiện tham gia giao thông; tạo sự phân biệt đối xử không cần thiết với một số công dân.

Video: Cách thoát hiểm khi xảy ra hỏa hoạn

Châu Anh
Chuyên đề: Tin tức Hà Nội
Bình luận
vtcnews.vn