Đề nghị xem xét kỷ luật ông Đinh La Thăng: Dàn lãnh đạo khiến PVN mất nghìn tỷ đồng ở PVC

Kinh tếThứ Sáu, 28/04/2017 08:36:00 +07:00

Sau "bộ sậu" Trịnh Xuân Thanh - Vũ Đức Thuận, loạt cựu lãnh đạo PVN bị xác định có trách nhiệm trong việc PVC mất nghìn tỷ đồng.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh ở Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) chưa khép lại vì nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC Trịnh Xuân Thanh vẫn chưa bị bắt. Trong khi đó, ông Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC vẫn chờ ngày xét xử.

Cùng với ông Vũ Đức Thuận, 3 thuộc cấp của ông Thuận trong dàn cựu lãnh đạo PVC cũng bị bắt. Điều này khiến nhiều người cho rằng, danh sách những người phải chịu trách nhiệm về sự xuống dốc của PVC đã "đầy đủ". Thế nhưng, mới đây, danh sách này lại kéo dài thêm.

Thêm người liên quan tới PVC

Ủy ban Kiểm tra Trung ương vừa ra Thông cáo báo chí kết quả Kỳ họp thứ 14 từ ngày 24 đến 26/4/2017, tại Hà Nội. Tại kỳ họp này, Uỷ ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận những nội dung liên quan đến sai phạm của nhiều lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009 - 2015.

Hinh anh Sau Trinh Xuan Thanh, loat cuu lanh dao PVN 'dinh tram' voi PVC

Cùng với ông Trinh Xuân  Thanh, thêm dàn lãnh đạo của của PVN được xác định có trách nhiệm trong việc PVC thua lỗ nghiêm trọng. 

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kết luận PVN chấp hành không nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc kiểm điểm trách nhiệm để PVC thua lỗ nghiêm trọng.

Cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm trong việc HĐTV ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.

Ông Thăng chấp thuận cho PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện.

Theo kết luận của UBKT Trung ương, nguyên Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực vi phạm công tác tổ chức, cán bộ, thiếu trách nhiệm trong việc nhận xét không đúng đối với Trịnh Xuân Thanh khi chuyển công tác về Bộ Công thương.

PVN mất bao nhiêu vốn ở PVC?

Uỷ ban Kiểm tra Trung ương không đưa ra con số chính xác "thua lỗ nghiêm trọng" của PVN tại PVC là bao nhiêu. Nhưng nếu lần theo tất cả các báo cáo tài chính kể từ khi PVC ra đời, có thể thấy, con số này có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - tiền thân là công ty cổ phần Xây lắp dầu khí, được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Công ty Thiết kế và Xây dựng Dầu khí, một thành viên của PVN.

Vốn điều lệ theo giấy chứng nhận kinh doanh của PVC là 150 tỷ đồng. Năm 2007, Hội đồng quản trị PVN thông qua đề án chuyển đổi công ty cổ phần Xây lắp dầu khí thành Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam.

Vốn điều lệ của PVC là 1.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước do PVN đại diện là 1.318 tỷ đồng, chiếm 87,87% vốn PVC. Tới cuối năm 2009, theo giấy chứng nhận kinh doanh, vốn góp của PVN vào PVC chỉ còn 1.243 tỷ đồng, tương đương 82,87%.

Sang năm 2010, vốn góp của PVN tại PVC giảm sâu xuống còn 1.030 tỷ đồng, tương đương 41,21% vốn PVC. PVN vẫn là cổ đông lớn nhất tại PVC.

Vốn của PVN tại PVC liên tục biến động mạnh. Tới ngày 31/12/2016, vốn của PVN tại PVC tăng lên 2.179 tỷ đồng, tương ứng 54,47%.

Nhưng tới nay, số vốn này không được bảo toàn vì PVC liên tục đối mặt với những khoản lỗ khổng lồ. PVC bắt đầu âm vốn từ năm 2012 với khoản thua lỗ lên tới hơn 1.800 tỷ đồng. Sang năm 2013, PVC khiến cổ đông một lần nữa sốc khi công bố khoản lỗ 2.228 tỷ đồng.

Sau đó, PVC phục hồi đôi chút. Tại thời điểm cuối năm 2016, khoản lỗ lũy kế của PVC là hơn 3.026 tỷ đồng. Trước đó, có thời điểm, con số này lên tới 3.500 tỷ đồng.

Với vốn góp chủ sở hữu là 4.000 tỷ đồng, tiền của cổ đông đã "bốc hơi" 75,7%. Như vậy, theo sổ sách, số tiền của PVN "bốc hơi" khi đầu tư vào PVC là khoảng 1.648 tỷ đồng.

Chưa dừng lại ở đó, nếu tính theo thị giá cổ phiếu PVX của PVC, thiệt hại của PVN sẽ lớn hơn nhiều. Chốt phiên giao dịch ngày 27/6, PVX đứng giá ở mức 2.000 đồng/CP. Như vậy, cổ phiếu PVX đã giảm 80% so với mệnh giá. 

Nếu mua cổ phiếu PVX ở mệnh giá, khoản đầu tư của PVN đã "bốc hơi" 1.743 tỷ đồng. Còn nếu mua theo giá thị trường, có thể, khoản lỗ của PVN sẽ nặng nề hơn nữa.

Ngoài khoản thua lỗ khổng lồ, mối quan hệ PVN - PVC còn được ràng buộc với nhau bởi nhiều chỉ tiêu tài chính khác. Không chỉ thua lỗ nặng, PVC còn khiến cổ đông choáng váng khi tạo ra khoản nợ xấu gần 2.100 tỷ đồng tại PVN thời điểm cuối năm 2015.

Tuy nhiên, tới cuối năm 2016, khoản nợ xấu này không còn ghi nhận trong danh sách nợ xấu của PVC. Không rõ PVC lấy tiền ở đâu và khi nào để trang trải nợ nần cho PVN.

Video: Bí thư Đinh La Thăng đi bầu cử

Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn