Đại gia sở hữu máy bay dễ như mua ô tô nhập khẩu

Kinh tếThứ Ba, 09/11/2010 02:05:00 +07:00

(VTC News) – Theo ông Võ Huy Cường, Trưởng ban vận tải hàng không, thủ tục mua máy bay đối với các cá nhân cũng không khác nhiều so với mua ô tô nhập khẩu...

(VTC News) – Ông Võ Huy Cường, Trưởng ban vận tải hàng không, Cục Hàng không khẳng định trong một cuộc trao đổi gần đây với VTC News: Thực tế thủ tục mua máy bay đối với các cá nhân cũng không khác nhiều so với thủ tục mua ô tô nhập khẩu.



Sau khi ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sở hữu chiếc Beechcraft King Air 350 trị giá khoảng 7,5 triệu USD (khoảng 157,5 tỷ đồng), ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát cũng “chi” khoảng 5 triệu USD cho chiếc trực thăng thuộc mẫu EC135P2i. Và mới đây đến lượt ông Đỗ Quang Hiển, chủ tịch HĐQT tập đoàn T&T (Bầu Hiển) “rậm rịch” lên kế hoạch sắm phi cơ riêng.

Ông Đoàn Nguyên Đức (bên trái) đứng cạnh chiếc phi cơ Beechcraft King Air 350 (nguồn Internet)

Hiện ông Đỗ Quang Hiển đã giao cho Tổng Giám đốc T&T Baoerchen (Công ty liên doanh với Tập đoàn T&T, chuyên sản xuất ống nhựa công nghiệp phục vụ các công trình giao thông, thủy lợi, cấp thoát nước…) xúc tiến đàm phán với một số nhà cung cấp để lựa chọn chiếc máy bay phù hợp. Mặc dù, hoạt động mua bán đang trong quá trình đàm phán nhưng trong một lần trả lời báo chí, ông Đỗ Quang Hiển khẳng định, đến cuối 2010, T&T sẽ có máy bay.

 
Số tiền thực chi để sở hữu chiếc máy bay phục vụ hoạt động sản xuất của công ty cũng chưa được ông Hiển tiết lộ, tuy nhiên theo phỏng đoán của giới chuyên môn, chắc chắn không dưới vài triệu USD.
 

Chiếc trực thăng  thuộc mẫu EC135P2i của Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát (nguồn Internet)


Như vậy, với khẳng định của ông chủ đội bóng T&T thì đến cuối năm 2010 Việt Nam sẽ có 3 đại gia sở hữu máy bay cá nhân. Dẫu mục đích sử dụng khác nhau, các loại máy bay cũng thuộc chủng loại khác nhau song về mặt quản lý những máy bay tư nhân này, theo ông Võ Huy Cường - Trưởng ban Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam - không có nhiều sự khác biệt.


“Mua máy bay cũng giống như ô tô nhập khẩu. Sau khi hoàn thiện các thủ tục hải quan, tàu bay về đến Việt Nam, các cá nhân sẽ phải tiến hành xin cấp phép để được bay. Quá trình cấp phép thông thường cũng chỉ mất 3 ngày. Tuy nhiên, do liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng nên việc cấp phép bay ngoài đơn vị quản lý là Cục Hàng không Việt Nam thì còn phải được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng”, ông Cường cho biết.


Cũng theo ông Cường, hiện nay Cục chưa nhận được báo cáo về việc sử dụng máy bay của Tập đoàn T&T: "Chỉ đến khi nào máy bay của ông Đỗ Quang Hiển về tới Việt Nam và tiến hành các thủ tục xin phép bay, Cục mới tiến hành kiểm tra và đánh giá".


Nói về quá trình sử dụng máy bay của hai đại gia trước đó là ông Đoàn Nguyên Đức và ông Trần Đình Long, ông Cường khẳng định, trong suốt quá trình hoạt động, chưa có bất kì sự cố nào xảy ra.


Theo Nghị định 94 về quản lý hoạt động bay của Chính phủ, máy bay của tư nhân là hoạt động bay không thường lệ. Vì vậy, mỗi chuyến bay trong nội địa hoặc ra nước ngoài đều phải xin phép, thời hạn làm thủ tục cấp phép 3 ngày dành cho những chuyến bay phục vụ nhu cầu riêng của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Với chuyến bay bằng trực thăng, Cục Hàng không VN có quyền cấp phép sau khi có ý kiến thống nhất của Cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng.


Những máy bay bay ngoài đường hàng không (mực bay thấp) và máy bay trực thăng trước khi cất cánh phải được Bộ Quốc phòng cho phép.


Cả hai chiếc máy bay riêng tại Việt Nam hiện nay (gồm chiếc Beechcraft King Air 350 của ông Đoàn Nguyên Đức và chiếc trực thăng thuộc mẫu EC135P2i của ông Trần Đình Long) đều được đăng ký kinh doanh thương mại.

Theo nhận định của giới chuyên môn,
chiếc phản lực Beech King Ari 350 của bầu Đức có thể dễ dàng hơn khi xin cấp phép bay vì bay tầm cao, trùng với đường bay của hàng không dân dụng nhưng trực thăng của chủ tịch tập đoàn Hòa Phát lại cơ động hơn.




Vi Bích


Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi về số 1405 của Cổng thông tin nhân đạo quốc gialà bạn đã đóng góp 10.000 đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung.


Bình luận
vtcnews.vn