'Cởi trói' 124 dự án bất động sản tại TP.HCM

Kinh tếThứ Ba, 02/04/2019 14:51:00 +07:00

UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở TN&MT cùng các cơ quan liên quan tháo gỡ 124/ 150 dự án bất động sản bị tạm ngưng.

UBND TP.HCM vừa giao Sở TN&MT phối hợp các sở ngành liên quan thông báo đến các doanh nghiệp là chủ đầu tư của 124 trong tổng số 150 dự án bất động sản trước đây bị tạm ngưng để rà soát thủ tục đầu tư, phục vụ công tác thanh kiểm tra của cơ quan chức năng, 124 dự án này đã được UBND TP.HCM cho phép tiếp tục triển khai.

Được biết, hiện các bước thủ tục của những dự án này đang nằm ở nhiều cơ quan khác nhau. Ngoài 124 dự án trên, thành phố còn hơn 30 dự án khác chưa thể cho triển khai tiếp vì vướng công tác thanh kiểm tra, điều tra. Khi có kết luận của cơ quan chức năng, thành phố sẽ tiếp tục xử lý.

Đối với thị trường bất động sản nói chung, các doanh nghiệp nói riêng, đây là tin vui sau nhiều tháng bất động sản gần như "bất động" về nguồn cung mới.

IMG_8990 3

UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở TN&MT cùng các cơ quan liên quan "cởi trói" cho 124 trong tổng số 150 dự án bất động sản trước đây bị tạm ngưng. (Ảnh: Thy Huệ).

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố, các sở ngành sẽ cùng nhau họp bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cuộc họp này sẽ do Sở TN&MT chủ trì. 

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM và Thanh tra Chính phủ khẩn trương xem xét, giải quyết hợp tình, hợp lý đối với hơn 100 dự án đang bị "đóng băng" chờ rà soát, thanh tra nói trên.

Theo HoREA, qua 3 tháng đầu năm 2019, hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản càng lo ngại hơn trước tình trạng hàng loạt dự án bất động sản bị ách tắc, hoặc không được cán bộ cơ quan nhà nước xem xét, giải quyết kịp thời.

“Điều này sẽ làm cho nguồn cung dự án và sản phẩm nhà ở sẽ bị sụt giảm mạnh, mà theo quan hệ cung-cầu sẽ kéo theo việc tăng giá bất động sản; nhà nước cũng thất thu ngân sách, doanh nghiệp bị tăng chi phí, mất cơ hội kinh doanh, khó khăn chồng chất, thậm chí có nguy cơ bị phá sản”, HoREA cho biết.

Theo HoREA, quá trình rà soát, thanh tra càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Số lượng dự án bị giảm dẫn đến số lượng nhà ở đưa ra thị trường cũng bị sụt giảm mạnh, bất lợi cả cho người mua nhà và thị trường bất động sản, làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Trước thông tin 124 dự án được "cởi trói", chủ đầu tư một dự án nằm trong "danh sách khoá sổ" tại quận 7 phấn khởi: "Đến thời điểm hiện tại thành phố chưa công bố cụ thể 124 dự án là gồm những dự án nào, điều đó đồng nghĩa là dự án cúa tôi có được "cởi trói" hay không cũng chưa biết.

Nhưng nói chung, dù dự án của tôi không được cho phép tiếp tục triển khai thì tôi vẫn rất vui, bởi thị trường bất động sản sẽ sôi động trở lại, không còn "bất động" như vài tháng trở lại đây nữa".

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn