Có thách tiền tấn, Facebook, Google cũng không bao giờ rời Việt Nam

Kinh tếThứ Hai, 06/11/2017 11:51:00 +07:00

"Dù yêu cầu Google hay Facebook phải đặt máy chủ ở Việt Nam có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp này, nhưng tôi tin rằng, có thách tiền tấn, Facebook, Google cũng không bao giờ rời Việt Nam", Thạc sỹ Luật Kinh tế, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh quốc tế, Nguyễn Phan Anh chia sẻ.

Những ngày qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh dự thảo Luật An ninh mạng, trong đó có điều khoản yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet như Google, facebook phải đặt máy chủ ở Việt Nam. Nhiều người lo ngại các doanh nghiệp này sẽ "bỏ" Việt Nam.

Tuy nhiên, khi trao đổi với PV VTC News, Thạc sỹ Luật Kinh tế, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh quốc tế, Nguyễn Phan Anh lại nhận định ngược lại. Xin đăng bài viết của Thạc sỹ Nguyễn Phan Anh gửi riêng cho VTC News để bạn đọc tham khảo:

Dự luật An ninh mạng do Bộ Công An chủ trì soạn thảo và đệ trình Quốc Hội thông qua đang rất được dư luận quan tâm vì nội dung của dự luật này có điều chỉnh căn bản đến các chủ thể là doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ Internet, mạng xã hội trong nước và nước ngoài, đặc biệt là các chủ thể là doanh nghiệp nước ngoài, cung cấp các dịch vụ dựa trên nền tảng Internet từ xa (như website mạng xã hội, website thương mại điện tử bán hàng trực tuyến…).

Trước hết, phải nói rằng, đây là một dự luận quan trọng và đúng đắn đã được Chính phủ lên kế hoạch soạn thảo và trình Quốc hội thảo luận, sửa đổi (nếu có) và thông qua. Vì hiện tại, trước sự phát triển nhanh và rất mạnh mẽ của Internet và các ứng dụng của Internet trong đời sống xã hội, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp và cá nhân, phương thức kết nối và giao tiếp xã hội trực tuyến đòi hỏi Chính phủ phải có Luật chuyên ngành để điều chỉnh và quản lý.

1_19724

Dự luật này giúp bao quát rộng nhất các vấn đề liên quan đến An ninh mạng quốc gia và quốc phòng, cũng như điều chỉnh các vấn đề và hành vi dân sự trên mạng trực tuyến đang phát triển nở rộ và theo chiều hướng tự nhiên. Điều này là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn. 

Dự luật này giúp bao quát rộng nhất các vấn đề liên quan đến An ninh mạng quốc gia và quốc phòng, cũng như điều chỉnh các vấn đề và hành vi dân sự trên mạng trực tuyến đang phát triển nở rộ và theo chiều hướng tự nhiên. Điều này là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn.

Thứ hai, vì đây mới là dự thảo Luật An ninh mạng nên có một số đều, khoản nào đó được đánh giá hoặc cho rằng chưa hợp lý thì các cơ quan, ban ngành, chuyên gia đưa ra các ý kiến phân tích, đóng góp để cho cơ quan soạn thảo luật pháp (Bộ Công an) và cơ quan lập pháp (Quốc hội) để chỉnh sửa cho phù hợp (nếu có) với tình hình thực tế hơn và luật pháp hội nhập với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, trong dự thảo có một điều khoản mà rất nhiều người đang quan tâm đó khoản 4, điều 34 Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam với quy định: "Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam...".

Với điều khoản này, nếu được thông qua, sẽ buộc các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ Internet vào Việt Nam (vì dịch vụ Internet là dịch vụ không biên giới) buộc phải mở văn phòng đại diện (chủ thể điều chỉnh của pháp lý) và phải thực hiện các tác nghiệp kỹ thuật (như đặt máy chủ) để đảm bảo các quy định về an ninh thông tin quốc gia, quốc phòng.

Thứ tư, điều khoản này khá giống với điều khoản pháp lý về pháp luật quản lý an ninh mạng của Trung Quốc. Một quốc gia được cả thế giới biết đến với việc quản lý chặt chẽ các dịch vụ Internet của thế giới bằng pháp lý và công nghệ.

Trung Quốc cũng được biết đến là một thị trường Internet vô cùng tiềm năng và giá trị hàng trăm tỷ đô la Mỹ nên dù trên thực tế các hãng công nghệ như Google, Facebook, Microsoft v.v… bị từ chối hoặc bị hạn chế tại thị trường này thì vẫn đang cố gắng đàm phán để có thể được đặt chân vào thị trường này vì cơ hội thị trường quá lớn với dân số hơn 1,4 tỷ dân và các dịch vụ, ứng dụng Internet cực kỳ phát triển.

linkedinbanrussia1

 Với điều khoản này, nếu được thông qua, sẽ buộc các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ Internet vào Việt Nam (vì dịch vụ Internet là dịch vụ không biên giới) buộc phải mở văn phòng đại diện (chủ thể điều chỉnh của pháp lý).

Với điều khoản và cách thức quản lý này đã giúp cho Chính phủ Trung Quốc quản lý tốt hơn các thông tin trên mạng Internet, kiểm soát tốt hơn các thông tin từ các trang tin tức, mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt là gián tiếp giúp thúc đẩy nền công nghệ thông tin và thương mại điện tử trong nước vì các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc không phải đấu với những công ty công nghệ khổng lồ về tài chính và công nghệ vô cùng phát triển.

Hiện nay, Trung Quốc có đầy đủ các công cụ tìm kiếm, mạng xã hội, dịch vụ chia sẻ xe hơi, chia sẻ xe máy, xe đạp, các sàn thương mại điện tử B2B, trang thương mại điện tử B2C vô cùng phát triển và đều là hàng nội địa.

Video: Trốn thuế bán hàng qua mạng sẽ bị chặn tài khoản Facebook

Thứ năm, với giả định cho rằng Dự luật này sẽ được thông qua và các điều khoản không thay đổi thì các doanh nghiệp nước ngoài đang cung cấp các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Youtube, Google và nhiều dịch vụ, ứng dụng Internet khác nữa sẽ có hai lựa chọn: Hoặc là đáp ứng các yêu cầu pháp lý của Chính phủ Việt Nam để tiếp tục kinh doanh hoặc là sẽ rời bỏ thị trường Việt Nam (trong ngắn hạn hoặc là cả trong dài hạn).

Có một số nhận định trên mạng Internet mấy hôm nay cho rằng “thị trường Việt Nam quá nhỏ nên Facebook, Google, Youtube… sẽ bỏ đi”, song, nhận định này… cần được thảo luận thêm.

 
Tôi tin rằng, có thách tiền tấn, Facebook, Google cũng không bao giờ rời Việt Nam.

Thạc sỹ Nguyễn Phan Anh

Việt Nam với số người sử dụng Internet là khoảng 55 triệu người dùng, trong đó có 53 triệu tài khoản Facebook được tạo lập tại Việt Nam (Facebook, tháng 11/2017).

Việt Nam được đánh giá là top 20 quốc gia ứng dụng Internet nhiều nhất trên thế giới, khá là tiềm năng. Vì vậy, các doanh nghiệp nước ngoài như Facebook và Google không dễ dàng từ bỏ thị trường Việt Nam như vậy.

Nói thẳng ra, dù yêu cầu Google hay Facebook phải đặt máy chủ ở Việt Nam có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp này, nhưng tôi tin rằng, có thách tiền tấn, Facebook, Google cũng không bao giờ rời Việt Nam.

Việc doanh nghiệp nước ngoài từ bỏ hay không từ bỏ một thị trường là phụ thuộc và doanh thu thực tế của doanh nghiệp đó và sự dự đoán chiến lược mang tính dài hạn trong tương lai tại một thị trường nào đó.

Nếu có doanh nghiệp nào sẵn sàng từ bỏ, thì tôi cho rằng, đó là doanh nghiệp đang không có thị phần tại thị trường Việt Nam. Còn Facebook và Google, Grab (và các doanh nghiệp khác) sẽ tìm các cách thức khác nhau để hoạt động tại thị trường này một cách hợp pháp theo yêu cầu của chính phủ.

Theo số liệu do Vinalink vừa đưa ra, tính đến hết năm 2015, tại Việt Nam, Facebook hiện đứng số 1 về doanh thu trực tuyến với doanh số khoảng hơn 3.000 tỷ đồng (tương đương 150 triệu USD); Google đứng ở vị trí thứ 2 với 2.200 tỷ đồng (khoảng 100 triệu USD).

Còn lại, các công ty quảng cáo của Việt Nam như Admicro, Adtima, Cốc Cốc… chỉ chiếm tỉ lệ doanh thu khá nhỏ trong “miếng bánh” này với tổng số khoảng 1.900 tỷ. Doanh số trên cho thấy, cán cân chênh lệch rất lớn giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Việc đưa ra các tiêu chí về sự hiện diện pháp nhân (văn phòng đại diện) và các yếu tố kỹ thuật (ví dụ như đặt máy chủ và duy trì đội ngũ nhân sự) theo dự luật (với giả định nếu được thông qua), theo lý thuyết, điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp nước ngoài phải đầu tư vào Việt Nam, làm gia tăng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp nước ngoài. Điều này khá có lợi cho nền kinh tế Việt Nam vì có thêm được các khoản đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam, gián tiếp tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam.

img-9682-6read-only-1509671354959-1043401 3

 Trụ sở Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore. (Ảnh: N.T.A.) 

Mặt khác, với các trở ngại như vậy, cũng khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ ở Việt Nam có chút lợi thế cạnh tranh hơn so với các tập đoàn nước ngoài (nếu so sánh với trước đây). Vì thế các doanh nghiệp trong nước nên tận dụng thời điểm này để phát triển thị trường nhanh hơn nếu có điều kiện hoặc tung ra các dịch vụ Internet thay thế cho các dịch vụ đã bị rút lui khỏi thị trường Việt Nam vì các yếu tố pháp lý và phân tích thị trường.

Giả sử có một số doanh nghiệp và dịch vụ phải rút lui khỏi thị trường Việt Nam, một số khác thì tạm ngừng cung cấp dịch vụ để hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo yêu cầu của Chính phủ thì thị trường Việt Nam cũng sẽ có những xáo trộn, thay đổi đối với hành vi người dùng.

Lúc này người dùng, những người bán hàng, những doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến sẽ tìm đến các giải pháp có sẵn lại hợp pháp hoặc các dịch vụ sẽ ra đời để đón đầu xu hướng. Sẽ không có chuyện “quay về thời kỳ đồ đá” như chúng ta vẫn đọc được ở một số bình luận “vui vui” của cộng đồng mạng ngày nay.

Bởi xu hướng online marketing, bán hàng trực tuyến, thương mại điện tử và công nghệ đã lên ngôi rõ rệt và hình thành nên một lối sống, một phương thức kinh doanh tại thị trường Việt Nam. Chưa kể đến người dùng Internet Việt Nam chúng ta rất nhanh nhạy và có tính ứng dụng cao. Tất nhiên, không thể phủ nhận trong thời gian đầu những người dùng chúng ta cũng sẽ có những khó khăn và hụt hẫng rất nhiều.

Thứ sáu, với giả định rằng Dự luật An ninh mạng sẽ được thông qua và đã bỏ đi Khoản 4 Điều 34 của Dự luật thì mọi việc vẫn sẽ bình thường như bây giờ, trừ một số điều khoản mà Luật đã đưa ra để điều chỉnh các chủ thể là doanh nghiệp, cá nhân đối với một số hành vi trực tuyến cụ thể.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của Thạc sỹ Luật Kinh tế, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh quốc tế, Nguyễn Phan Anh.

>>> Đọc thêm: facebook, Google có 'bỏ' Việt Nam vì quy định đặt máy chủ?

Việt Vũ
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn