Có nên mua trái phiếu doanh nghiệp trong mùa dịch Covid - 19?

Kinh tếThứ Bảy, 04/04/2020 07:05:16 +07:00
(VTC News) -

Trái phiếu doanh nghiệp vẫn là 1 kênh đầu tư hấp dẫn khi lãi suất ở mức khá cao và tính thanh khoản cao.

Trong khi mức lãi suất tiết kiệm được duy trì ở mức khá thấp, chỉ 6,5 - 6,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, thì lãi suất trái phiếu doanh nghiệp lại khá cao, phổ biến ở mức 8,4 - 9%, có những mã trên 10%/năm.

Anh Huy Tuấn, một nhà đầu tư trái phiếu ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ, trong tình hình dịch bệnh Covid - 19, các hoạt động gần như bị ngưng trệ, vì vậy, dù có tiền nhàn rỗi, nhưng anh Tuấn cũng rất khó quyết định đổ tiền đầu tư vào đâu.

“Lãi suất tiết kiệm thì thấp, trong khi kinh doanh gì thời điểm này cũng mạo hiểm. Vì vậy, tôi chọn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, lãi suất khá cao lại an toàn”, anh Tuấn chia sẻ.

Có nên mua trái phiếu doanh nghiệp trong mùa dịch Covid - 19? - 1

Có nên mua trái phiếu doanh nghiệp trong mùa dịch Covid - 19?

Anh Tuấn chọn đầu tư trái phiếu của Vinhomes với mức lãi suất 12 tháng tới 9%/năm, kỳ hạn 6 tháng 8%/năm.

Theo anh Tuấn, Vinhomes là 1 doanh nghiệp lớn, có tài sản đảm bảo, vì vậy mua trái phiếu của doanh nghiệp này sẽ rất an tâm. Tuy mức lãi suất có thể thấp hơn nhiều doanh nghiệp khác một chút, nhưng sẽ ít rủi ro.

Cũng như anh Tuấn, chị Ngà (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chọn cách đầu tư tiền vào trái phiếu doanh nghiệp. Chị Ngà cho biết, chị đầu tư vào cổ phiếu của Masan với mức lãi suất hơn 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.

“Đầu tư vào trái phiếu khá an toàn, lãi suất lại cao. Nhưng quan trọng nhất là thanh khoản cao. Tôi có thể rút tiền ra bất cứ lúc nào mà lãi suất luôn cao hơn cùng kỳ hạn”, chị Ngà cho hay.

Chị lấy dẫn chứng, chị mua trái phiếu với số tiền 1 tỷ đồng cho kỳ hạn 12 tháng, nhưng nắm giữ được 6 tháng thì chị cần rút ra 500 triệu đồng, chị vẫn có thể bán 500 triệu đồng này luôn với mức lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm 6 tháng, còn 500 triệu đồng còn lại vẫn được hưởng lãi suất 12 tháng như ban đầu.

Theo số liệu từ Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), trong tháng 2/2020 có 15 doanh nghiệp phát hành trái phiếu với tổng lượng phát hành là 5.574 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bất động sản phát hành 4.025 tỷ đồng, chiếm 72% lượng phát hành trong tháng.

Tổng lượng TPDN phát hành 2 tháng đầu năm 2020 là 19.398 tỷ đồng, lãi suất bình quân là 10,07%/năm. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 11.639 tỷ đồng (chiếm 60%).

Nhóm doanh nghiệp khác phát hành 6.001 tỷ đồng (chiếm 31%) bao gồm: Tập đoàn Sovico phát hành 2.000 tỷ đồng; Công ty CP Ô tô Trường Hải phát hành 2.000 tỷ đồng; VinFast phát hành 950 tỷ đồng… Trong giai đoạn này chỉ có 2 ngân hàng thương mại phát hành trái phiếu là ACB (230 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm) và TPB (552 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm) đều là các trái phiếu đủ tiêu chuẩn tính vào vốn cấp 2.

Theo các chuyên gia, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, lượng trái phiếu phát hành đầu năm 2020 có thu hẹp so với cuối năm 2019, nhưng trái phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn.

So với những kênh đầu tư truyền thống, trái phiếu doanh nghiệp có mức lãi suất khá hấp dẫn, phổ biến trên mức 10%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài tại các ngân hàng.

Đối với loại trái phiếu chuyển đổi, nhà đầu tư có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu, tận dụng xu hướng đi lên của thị trường cổ phiếu cơ sở để đem lại lợi nhuận cao hơn so với mức thu nhập cố định.

Tuy nhiên, việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà nhà đầu tư cần chú ý khi “chọn mặt gửi vàng”.

Trả lời báo chí, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu từng đưa ra cảnh báo, câu chuyện các doanh nghiệp chủ động đứng ra phát hành trái phiếu cũng là một hình thức vay nợ nhưng thay vì đến ngân hàng thì doanh nghiệp phát hành trái phiếu cho công chúng và giới đầu tư.

Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp song hành với những rủi ro như một số doanh nghiệp phát hành sử dụng vốn sai mục đích hoặc nợ quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng vỡ nợ. Việc vỡ nợ của các doanh nghiệp có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Có một thực tế là việc nhiều nhà đầu tư không có khả năng để phân tích tài chính hoặc đầu tư vì nhìn thấy lợi nhuận cao đã mang lại những rủi ro lớn. Những rủi ro này không chỉ có ở Việt Nam mà những rủi ro này có ở tất cả các nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu.

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bộ phận Tư vấn của Savills Hà Nội nhận định, lãi suất trái phiếu cao mà một số doanh nghiệp đưa ra sẽ gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng chung cho cả thị trường.

Tuy nhiên, phải nhìn kỹ lại xem những doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao như vậy thì ai là người mua, việc mua bán có thực chất hay không?

SSI Rearch cũng chỉ ra 3 vấn đề cần lưu tâm, thứ nhất là các nhà đầu tư cá nhân ngày càng tham gia tích cực, tuy nhiên cơ chế bảo vệ nhóm nhà đầu tư này vẫn chưa hoàn chỉnh.

Vấn đề thứ hai là thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng được định hướng phát triển thành kênh huy động vốn trung dài hạn, dần thay thế kênh tín dụng nhưng các ngân hàng thương mại lại là tổ chức phát hành lớn nhất với khoảng 70% trái phiếu kỳ hạn ngắn lãi suất thấp.

Vấn đề thứ ba là một số doanh nghiệp chào bán riêng lẻ khi chia nhỏ các đợt phát hành nên không phải thực hiện các nghĩa vụ về công bố thông tin.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn