Chuyển giá, trốn thuế, Formosa Hà Tĩnh vẫn thua nhiều đại gia FDI

Kinh tếThứ Sáu, 01/07/2016 07:34:00 +07:00

Gian lận được ngàn tỷ đồng nhưng “trình độ” lách luật trốn thuế của Formosa Hà Tĩnh vẫn thua nhiều đại gia FDI.

Nghi án các đại gia FDI chuyển giá, trốn thuế đã và đang được nhắc tới rất nhiều. “Gương mặt” mới nhất gia nhập danh sách này là Formosa Hà Tĩnh. Sau khi kiểm tra hoàn thuế Formosa Hà Tĩnh cuối tháng 2/2016, cơ quan thuế đã phát hiện 19.497 hóa đơn của Formosa Hà Tĩnh đưa vào khấu trừ và hoàn thuế không đúng quy định. Kết quả là đại gia FDI này đã bị truy thu thuế lên tới 1.554,4 tỷ đồng.

Từ đó, có người cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Formosa Hà Tĩnh có hành vi chuyển giá, trốn thuế. Và cách thức chuyển giá, trốn thuế mà Formosa Hà Tĩnh sử dụng chưa tinh vi bằng một số đại gia FDI khác như Metro Việt Nam, Coca Cola,....

Bòn rút nhờ “quyền” của công ty mẹ

Cách thức bòn rút mà nhiều đại gia sử dụng chính là lợi dụng “quyền” từ công ty mẹ. Quyền ở đây là quyền sử dụng thương hiệu cũng như bí quyết kinh doanh của công ty mẹ.

Formosa ha tinh

Formosa Hà Tĩnh có hành vi chuyển giá 

Nhờ chi phí nhượng quyền, Metro Việt Nam đã “tiết kiệm” được hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Theo báo cáo tài chính của Metro Việt Nam, công ty này đã cắt 1,5% tới 2,1% lượng tiêu thụ ròng để chi cho lương, chi phí hỗ trợ công nghệ thông tin và nhượng quyền.

Trong đó, chi phí mà Metro Việt Nam phải bỏ ra để dùng tên tuổi của đại gia bán lẻ Đức chiếm tỷ trọng lớn nhất. Trong các năm 2011, 2012 và 2013, Metro Việt Nam nộp phí nhượng quyền cho công ty mẹ lần lượt là 153 tỷ đồng, 132,65 tỷ đồng và 110,39 tỷ đồng. Phí nhượng quyền các năm lần lượt tương đương 1,15%, 0,95% và 0,78% tổng lượng tiêu thụ ròng.

Nhượng quyền chưa phải loại phí duy nhất mà Metro Việt Nam phải nộp cho “mẹ”, bên cạnh nhượng quyền, công ty này còn phải nộp thêm nhiều phí dịch vụ khác khiến tổng phí dịch vụ mà Metro Việt Nam phải chuyển về cho “mẹ” trong các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt là 282,13 tỷ đồng, 263,50 tỷ đồng và 218,13 tỷ đồng. Số tiền này gần đủ bù đắp thua lỗ cho Metro Việt Nam trong khoảng thời gian này.

Trong khi đó, Coca Cola lại sử dụng “quyền” độc quyền của công ty mẹ. Mặc dù trên thế giới có rất nhiều nguồn cung cấp nguyên, phụ liệu, trong đó chủ yếu là hương liệu nhưng Coca Cola chỉ nhập từ công ty mẹ với giá đắt đỏ.

Chỉ trong năm 2010 chi phí do nhập nguyên vật liệu từ công ty mẹ của Coca Cola lên đến 1.671 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng doanh thu của công ty chỉ 2.329 tỷ đồng. Như vậy, chi phí này chiếm tới 72% tổng doanh thu.

Không chỉ Coca Cola dùng cách này, nhiều doanh nghiệp FDI khác, trong đó có cả Pepsico cũng thích nhập khẩu hàng giá cao. Thực tế, các số liệu thống kê cho thấy, lượng nhập khẩu nguyên liệu của các doanh nghiệp sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng hơn 30%, tỷ lệ này tại các doanh nghiệp FDI lên đến 70 – 80%.

“Bòn rút” nhờ mạng lưới công ty

Không trực tiếp nhờ đến công ty mẹ để chuyển số tiền khổng lồ về nước, nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng mạng lưới khổng lồ gồm nhiều công ty con trong Tập đoàn để chuyển giá. Nghĩa là, doanh nghiệp FDI sẽ thuê dịch vụ của các công ty con trong Tập đoàn với mức giá cắt cổ.

keangnam-hanoi-tower

Keangnam Vina đã bị truy thu thuế

Keangnam Vina là ví dụ điển hình nhất cho phương pháp này. Tháng 10/2007, không lâu sau khi được cấp phép, Keangnam Vina đã ký hợp đồng với công ty Keangnam Enterprise - một thành viên cùng công ty mẹ để làm tổng thầu EPC. Tổng giá trị hợp đồng lên tới 871 triệu USD.

Keangnam Enterprise không chỉ đảm nhiệm việc khảo sát, thiết kế dự án, cung cấp thiết bị máy móc, thi công xây dựng mà còn cung cấp cả dịch vụ tư vấn tài chính, dàn xếp vốn vay cho Keangnam Vina.

Năm 2008, riêng khoản phí tư vấn tài chính này đã được chủ đầu tư Keangnam Vina chi trả cho người anh em ruột lên tới 30 triệu USD, tương đương hơn 485 tỷ đồng. Phí dịch vụ sắp xếp nguồn vay lên tới 20 triệu USD, chi phí tư vấn quảng cáo, tư vấn cấp quyền sử dụng đất, cấp giấy phép đầu tư cũng lên tới vài triệu USD.

Nestlé Việt Nam cũng sử dụng “anh em” để tăng chi phí nhằm làm giảm lợi nhuận của mình. Nestlé Việt Nam đã chi hộ khoản quảng cáo marketing cho Công ty Tetra Park South East Asia Pte, chi hộ 23,34 tỷ đồng cho Nestle S.A (chương trình phát triển bền vững cây cà phê).

Bên cạnh đó, Nestlé Việt Nam cũng đã trả 273,55 tỷ đồng cho Societe Des Produits Nestle S.A - là công ty chủ sở hữu bản quyền và các khoản tương tự của nhãn hàng sản phẩm của Tập đoàn Nestlé.

Thanh Hà
Bình luận
vtcnews.vn