Cho vay tiêu dùng: Rủi ro lớn nên buộc phải áp lãi suất cao

Kinh tếThứ Ba, 04/10/2016 09:48:00 +07:00

“Rủi ro cho vay tiêu dùng quá lớn, điều này buộc các tổ chức tín dụng phải đẩy lãi suất lên cao để bù đắp rủi ro. Tuy nhiên, trong tương lai, đây sẽ là thị trường tiềm năng và có thể phát triển mạnh”,TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định.

Vay tiêu dùng ở Việt Nam còn khiêm tốn

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2016 đạt 8,16%. Trong khi đó, tín dụng tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 6% tổng dư nợ mua sắm cá nhân, một con số quá khiêm tốn so với tiềm năng của thị trường.

TS. Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, ở các nước phát triển, tín dụng tiêu dùng có thể chiếm tới hơn 60% trên tổng tăng trưởng của cả hệ thống tín dụng. Một khi thị trường này phát triển sẽ giúp kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ lưu thông hàng hóa cho thị trường sản xuất trong nước.

1

 

TS. Nguyễn Tiến Đông - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận định rằng, quy mô thị trường đạt 6% trong tổng dư nợ là còn quá khiêm tốn so với tiềm năng.

Dự kiến trong 5 năm tới, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, dư nợ cho vay tiêu dùng có thể đạt tới 10% GDP, tức là tăng bình quân trên 20%/năm.

Điều này không chỉ hứa hẹn sự bùng nổ về các sản phẩm, dịch vụ cho vay tiêu dùng mà còn tạo ra sức ép đối với các tổ chức tín dụng muốn tham gia khai phá và chiếm lĩnh thị trường.

 “Rào cản” lãi suất cao

Lý giải nguyên nhân khiến tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn chưa thể “cất cánh”, ông Kiên cho rằng vì người dân đa phần vẫn giữ tư duy “ăn chắc mặc bền”, nghĩa là làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu,ngại vay mượn.

Trong khi đó, về phía các tổ chức tín dụng, việc còn thiếu một hành lang pháp lý quy định dành riêng cho lĩnh vực tài chính tiêu dùng đã làm hạn chế khả năng tham gia vào “sân chơi” của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến chuyên gia, trở ngại lớn nhất đối với dịch vụ cho vay tiêu dùng hiện nay chính là vấn đề lãi suất. Tâm lý cho rằng, lãi suất vay tiêu dùng cao ngất ngưởng đang là một biến tướng của “tín dụng đen” đã khiến nhiều người còn ngần ngại đến với hình thức vay vốn này.

Chia sẻ điều này, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa khẳng định: Tín dụng tiêu dùng hay hoạt động cho vay của các công ty tài chính (CTTC) không những không phải là tín dụng đen, mà còn là một “cứu cánh” cho những “khách hàng” của nạn “tín dụng đen”. Nhờ có sự tham gia thị trường của loại hình dịch vụ này mà mọi người dân, đặc biệt là tầng lớp thu nhập thấp, hoàn toàn có thể dễ dàng tiếp cận với kênh vay vốn chính thức mà không phải tìm đến tín dụng đen khi không thỏa mãi được các điều kiện vay ngân hàng.

2

 

“Sự xuất hiện của tín dụng tiêu dùng đã góp phần đẩy lùi tín dụng đen, hướng người dân tới những quan hệ vay mượn lành mạnh, được pháp luật cho phép”, TS. Lê Xuân Nghĩa nêu ý kiến.

Bình luận lãi suất cho vay tiêu dùng liệu có thực sự cao, ông Lê Xuân Nghĩa phân tích: “Chúng ta nên hiểu rằng, đi liền với rủi ro cao bao giờ cũng là lãi suất cao. Cao ở đây là cao so với các khoản vay giá trị lớn, thời gian dài và có tài sản đảm bảo. Nếu so với những rủi ro tiềm ẩn của loại hình vay tiêu dùng tín chấp, thì lãi suất này mới chỉ đủ bù cho các chi phí vận hành”.

Cùng chung quan điểm, TS.Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, cho vay cao là do rủi ro cho vay tiêu dùng lớn, nên các tổ chức tín dụng buộc phải đẩy lãi suất lên cao để bù đắp rủi ro. Tuy nhiên trong tương lai, đây sẽ là thị trường tiềm năng và có thể phát triển mạnh.

Do đó, các tổ chức tín dụng cũng cần phải có sự thay đổi tư duy thực sự về cách tiếp cận, nếu không, bản thân các tổ chức tín dụng sẽ gặp khó khăn, đồng nghĩa với việc thị trường khó có thể phát triển mạnh mẽ.

Cuối cùng, các ý kiến chuyên gia đều cho rằng, sẽ rất khó mở rộng loại hình cho vay tiêu dùng nếu như ấn định trần lãi suất như đối với các loại hình thức tín dụng khác. Sự can thiệp bằng các biện pháp tài chính rất dễ dẫn đến việc lãi suất cho vay không đủ bù đắp chi phí và do vậy, tổ chức tín dụng có thể thu hẹp phạm vi cung cấp dịch vụ.

Từ đó vô hình chung sẽ hạn chế kênh cho vay chính thức, khuyến khích hoạt động cho vay tự phát, trong đó có cả cho vay nặng lãi bùng nổ.

Tổ chức tín dụng là một những định chế cho vay chuyên nghiệp, do đó cho dù được phép thỏa thuận mức lãi suất thì họ vẫn sẽ giữ lãi suất ở mức cạnh tranh và hợp lý nhất. Mức này hoàn toàn có thể có tính chất quyết định mức lãi suất của thị trường. Vì vậy, các giới hạn đặt ra đối với cho vay của tổ chức tín dụng sẽ là phi thi trường, đi ngược với chủ trương tự do hóa lãi suất – một đại diện Ngân hàng Nhà nước nêu ý kiến.

Hoàng Quyên
Bình luận
vtcnews.vn