Chán nhà đất, đại gia BĐS đi bán lẻ

Kinh tếThứ Tư, 19/02/2014 07:36:00 +07:00

(VTC News) - Những khó khăn của thị trường địa ốc đã khiến nhiều đại gia trong lĩnh vực này chuyển hướng kinh doanh sang đầu tư vào thị trường bán lẻ.

Tuy là lĩnh vực không thể đem lại lợi nhuận khổng lồ như bất động sản, nhưng trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay, kinh doanh bán lẻ vẫn được đánh giá là mảng có lợi nhuận. Vì thế, không ít các công ty địa ốc có tiếng đã bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên của mình vào lĩnh vực này.
siêu thịĐi tiên phong cho xu hướng này phải kể đến Tập đoàn Sơn Hà. Dù lĩnh vực chính của Sơn Hà là chuyên kim khí, xây dựng nhưng hồi năm 2012, doanh nghiệp này đã quyết định đã mở siêu thị đầu tiên trong chuỗi bán lẻ của mình ở Hà Đông, Hà Nội là Hiway Supercenter.
Lý giải về sự chuyển hướng này, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sơn Hà cho rằng, Tập đoàn sẽ thoái vốn, rút khỏi lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Định hướng tập đoàn chỉ giữ lại các phần mặt bằng thương mại bán lẻ trong các dự án hoặc sẽ mua thêm bất động sản chỉ để tạo nền tảng, phục vụ phát triển bán lẻ mà thôi.
Theo ông Sơn, việc chuyển sang lĩnh vực bán lẻ, không phải là một phương án đối phó với tình thế, chống đỡ khi bất động sản lâm vào khó khăn.
“Đó là chiến lược đã được ban lãnh đạo tập đoàn dự kiến, chuẩn bị từ 5 năm nay. Doanh nghiệp hiện đã hội tụ đủ những yếu tố từ hạ tầng, công nghệ, nhân lực và tài lực cho phát triển lĩnh vực bán lẻ; lại đón bắt được nhu cầu, đơn đặt hàng phát triển hạ tầng thương mại tiện ích, gần gũi và hiện đại tại các khu đô thị”, ông Sơn khẳng định.
Đại diện Sơn Hà cũng cho biết, trong vòng 5 năm tới, tham vọng sẽ có 20 siêu thị nữa trên địa bàn toàn quốc.
Tiếp đó, Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) vốn trung thành với chiến lược phát triển đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính và truyền thông, nhưng việc tham gia mảng bán lẻ của Tập đoàn này cũng khiến nhiều người sửng sốt.   
Ý định tấn công thị trường bán lẻ của Ocean Group nhen nhóm từ năm 2010, với việc HĐQT thông qua việc đầu tư góp vốn 127,5 tỷ đồng vào Sở Giao dịch hàng hóa INFO (INFO COMEX), chiếm 85% tổng vốn điều lệ của sở giao dịch này.
Đến ngày 3/5/2013, Bộ Công thương chính thức trao giấy phép thành lập INFO COMEX cho Ocean Group, hướng đến chuỗi trung tâm tài chính - thương mại và nhà ở trên cơ sở chương trình phát triển nông thôn mới của Chính phủ ở các tỉnh miền Bắc, cùng với việc phát triển kinh doanh các ngành nông sản, thực phẩm.
Tuy nhiên, để chiến đấu thật sự bài bản trên thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt, năm 2011, tập đoàn này đã thành lập Công ty cổ phần Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) và triển khai hệ thống OceanMart.
Cuối năm 2012, Ocean Retail chính thức ghi tên vào bản đồ thị trường bán lẻ Việt Nam khi khai trương trung tâm thương mại, siêu thị OceanMart Hà Đông và OceanMall Thăng Long. Gần đây nhất là Ocean Mart Trung Hòa (quận Cầu Giấy), Ocean Mart Starbowl (quận Đống Đa), Ocean Mart Times City tại Trung tâm thương mại Times City.
Mới đây, một tân binh khác là Công ty cổ phần Xây dựng và Xuất nhập khẩu tổng hợp (Conexim) cũng chính thức gia nhập thị trường bán lẻ, với việc khai trương hai trung tâm bán lẻ tại Hà Nội với tên gọi Eximart.
Dù mới tham gia, nhưng dựa trên nghiên cứu kỹ về thị trường này và tận dụng những địa điểm mặt bằng sẵn có, khiến ông Trần Cương Thiết, Tổng giám đốc Conexim không ngần ngại tuyên bố về kế hoạch mở rộng quy mô. Đến cuối năm 2013, Công ty mở cửa 3 siêu thị tại Hà Nội.
Trong năm 2014, sẽ tiếp tục khai trương 2 điểm nữa, cũng tại Hà Nội và 1 siêu thị tại một tỉnh phía Bắc. Trong kế hoạch dài hơi hơn, hệ thống Eximart sẽ theo chiến lược vết dầu loang, ban đầu được phủ dần các quận của Hà Nội, các thành phố, tỉnh phía Bắc và sau đó là trên cả nước.
Nhận định về xu hướng ngày càng có thêm nhiều đại gia chen chân vào thị trường bán lẻ, ông Vũ Vĩnh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị cho hay, điều này xuất phát từ chính sức hút của ngành. Hiện siêu thị dần trở thành kênh mua sắm không thể thiếu với người dân.
Trong khi đó, Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE nhận xét, chính việc Bộ Công Thương phê duyệt Quy hoạch phát triển cho mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại đã tạo "cú hích" cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên,  việc phát triển thị trường bán lẻ Việt Nam theo các chuyên gia cũng không hẳn là một “miếng mồi ngon”.
Bằng chứng là dù phát triển khá tốt siêu thị Hiway Hà Đông, nhưng tại buổi khai trương đại siêu thị thứ hai là Hiway Ngọc Khánh mới đây, ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó tổng giám đốc điều hành và nội vụ Hiway Supercenter đã giải thích về sự chậm trễ này: “So với kế hoạch dự kiến ban đầu, sự chậm trễ đó có nhiều nguyên nhân, trong đó, có sự khó khăn chọn địa điểm nội và ngoại thành Hà Nội. Kế hoạch mở 5 siêu thị vẫn đang rốt ráo thực hiện, song chúng tôi cần đi từng bước chắc chắn”.
Bình luận
vtcnews.vn