Cảnh giác với những kẻ đánh giày bất lương

Kinh tếThứ Tư, 11/09/2013 02:49:00 +07:00

(VTC News) - Những kẻ đánh giày bất lương khiến tôi cảnh giác mà mất thiện cảm với những người tôi vốn dành sự cảm thông, sẻ chia.

(VTC News) - Những kẻ đánh giày bất lương khiến tôi cảnh giác mà mất thiện cảm với những người tôi vốn dành sự cảm thông, sẻ chia.

Những kẻ đánh giày bất lương khiến những người đánh giày lương thiện bị ảnh hưởng 
Tôi luôn dành cho những người kém may mắn hơn mình sự cảm thông, sẻ chia, sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần.

Bất cứ khi nào gặp người đánh giày, tôi luôn tháo đôi giày còn sạch bóng của mình đưa cho họ đánh để được trả 10.000 đồng, coi như sự giúp đỡ tạo thêm việc làm cho họ.

Nhưng gần đây, khi liên tục gặp những kẻ đánh giày bất lương, tôi bắt đầu cảnh giác cao độ trước những con người này và chỉ đánh giày chỗ người quen, bên cạnh cơ quan mình.

Tôi xin kể 2 câu chuyện điển hình để những người có thói quen đánh giày cảnh giác trước những thủ đoạn bất lương này.

Tôi được người bạn mời đến trao đổi công việc tại Highland Coffee ở tầng 1 tòa nhà Vincom Bà Triệu (Hà Nội). Chúng tôi ngồi trò chuyện ở sảnh ngoài phía đường Thái Phiên.

Một thanh niên đi ngoài vỉa hè hỏi tôi có đánh giày không. Tôi tháo đôi giày đưa cho anh ta và tiếp tục cuộc trò chuyện.

Khoảng 5 phút, anh ta giơ một chiếc giày lên và nói: “Giày của anh bị bong ở đế. Em gắn lại nhé.” Lúc đó tôi đang bận trò chuyện nên gật đầu luôn.

Khi nhận lại đôi giày, theo thói quen, tôi đưa tờ 10.000 đồng (đây là mức giá chung ở Hà Nội), gã yêu cầu tôi trả 100.000 đồng với lý do keo dán rất đắt.

Lúc đó tôi mới định thần và hiểu rằng đây là một kẻ đánh giày bất lương. Đôi giày tốt vừa mua được vài hôm với thời gian bảo hành 2 năm không thể bị rách ở đế được.

Hóa ra, chiếc giày mà gã giơ lên cho tôi xem nói là bị rách là chiếc giày khác đang treo lủng lẳng bên hộp đồ nghề. Dù rất uất hận, nhưng do đang làm việc với đối tác, tôi lẳng lặng móc ví lấy 100.000 đồng đưa cho gã.

Sáng nay, tôi cũng có công việc với một người bạn tại quán cafe góc đường Tô Hiến Thành giao với phố Bùi Thị Xuân.

Một phụ nữ đến hỏi tôi đánh giày bằng giọng Thanh Hóa. Lần này là một phụ nữ nên tôi có phần yên tâm hơn khi đưa đôi giày của mình cho chị ta. Nhận lại đôi giày, tôi đưa cho người đành giày 50.000 đồng.

Khi thấy người phụ nữ này quay đi mà không trả lại tiền thừa, tôi lấy làm ngạc nhiên và gọi quay lại. Chị ta đưa lại 20.000 đồng. Thấy lạ, tôi hỏi giá đánh giày bao nhiêu, chị ta gọn lỏn: “Ba chục”.

Tôi hỏi giá đánh giày tăng từ khi nào, chị ta quay mặt lại, gương mặt lạnh tanh: “Lần sau đánh giày phải mặc cả, nhá!”

Vì đang ngồi làm việc nên tôi cũng im lặng cho qua. Nhưng tấm lòng của tôi, sự cảm thông, chia sẻ với những người này đã hoàn toàn mất hết, thay vào đó là sự cảnh giác cao độ và hết sức thiếu thiện cảm.

Bạn đọc đã từng bị lừa trong những trường hợp tương tự? Hãy chia sẻ với chúng tôi để độc giả tránh bị ăn cắp tiền trắng trợn như trên.

Quang Vinh

Bình luận
vtcnews.vn