Cận Tết ATM, Internet Banking đua 'xin lỗi' vì quá tải

Kinh tếThứ Sáu, 05/02/2016 07:39:00 +07:00

Đi 5-7 điểm ATM nhưng không thể rút tiền thanh toán công việc ngày giáp Tết, anh Linh (Hà Nội) quay về nhà chuyển khoản qua internet,

Đi 5-7 điểm ATM nhưng không thể rút tiền thanh toán công việc ngày giáp Tết, anh Linh (Hà Nội) quay về nhà chuyển khoản qua internet, song cũng bất thành vì nghẽn mạng.

Nhiều ATM ngừng hoạt động khiến khách hàng phải đứng chờ hàng chục phút mới rút được tiền. Nhiều ATM ngừng hoạt động khiến khách hàng phải đứng chờ hàng chục phút mới rút được tiền.

Trường hợp của anh Linh không phải cá biệt khi hàng loạt khách hàng khác cũng gặp tình cảnh tương tự trong mấy ngày cuối năm, khi hệ thống ATM lẫn Internet Banking của các nhà băng đều quá tải. Lúc 8h30 sáng 4/2, chị Ngọc (Đống Đa, Hà Nội) cho biết đã đi dọc tuyến phố Giảng Võ mà không rút được tiền trong khi có rất nhiều ATM của các ngân hàng ở đây.

Tương tự, trên phố Duy Tân (Cầu Giấy), dù có tới 3 ATM trong một buồng nhưng 6-7 người vẫn phải đứng xếp hàng chờ một máy do hai chiếc kia đều không thể hoạt động. "Đi đâu cũng thấy dòng chữ 'ATM tạm dừng hoạt động' với "Sorry" mà chán ngấy. Nhiều màn hình ATM còn chuyển sang chế độ cài đặt thay vì chào mừng khách hàng như mọi khi", chị Lan (Thanh Xuân) cho biết.

Việc quá tải ATM xảy ra ở nhiều nhà băng với các thời điểm khác nhau. Theo ông Huỳnh Song Hào - Giám đốc khối bán lẻ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thừa nhận tình trạng quá tải tại ATM đặt ở khu đông dân, gần khu công nghiệp, khu chế xuất. "Trung bình một máy trước đây tiếp quỹ một lần mỗi ngày nay phát sinh lên 2 thậm chí đến 4 lần, đồng nghĩa với việc một máy trước đây nạp 1-1,5 tỷ một ngày nay có máy phải nạp 2-4 tỷ đồng", ông Hào cho biết.

Trưởng phòng tiếp quỹ của một ngân hàng quốc doanh khác cũng cho biết thêm, việc tiếp tiền còn gặp khó khăn do giao thông tắc nghẽn. Bên cạnh đó, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các nhà băng không được tiếp quỹ sau 5 rưỡi chiều nên tình trạng hết tiền xảy ra nhiều vào giờ tan tầm và đầu giờ sáng.
Nhân viên tiếp quỹ tại các ngân hàng hoạt động hết công suất nhưng cũng không đáp ứng đủ nhu cầu.
Các năm trước, khi ATM quá tải, các nhà băng luôn khuyến cáo người dân sử dụng hình thức chuyển khoản online. Tuy nhiên, thời gian gần đây kênh này cũng quá tải. Chị Hà (Mỹ Đình, Hà Nội) tức tối kể lại: "Từ sáng tôi ngồi trước máy tính và dùng cả điện thoại để chuyển khoản liên ngân hàng cho một người bạn mà không được. Lúc thì trang web quay không vào được, khi thì không đăng nhập được vào tài khoản, lúc lại chờ mãi không thấy tin nhắn xác thực (OTP) trả về".

Trao đổi với Pv, đại diện phụ trách mảng ngân hàng điện tử của một nhà băng cổ phần cho biết lượng giao dịch online tăng gấp 6 lần so với ngày thường nên dù đã chuẩn bị các phương án tăng cường, hệ thống vẫn quá tải. "So với cùng thời điểm ngày hôm qua, lượng truy cập hôm nay đã gấp đôi và tăng gấp 6 lần bình thường", vị này nói.

Để giao dịch online thông suốt trong những ngày này, các nhà băng khuyến cáo khách hàng nên bình tĩnh, khi hệ thống quay hoặc chậm cũng không nên nóng vội thao tác "undo" hay "retry" nhiều lần. "Nếu liên tục thao tác lại có thể vô tình nhân bản các lệnh trả server và càng khiến hệ thống thêm quá tải", vị này nói.
Trái ngược với Hà Nội, ATM tại TP HCM không xảy ra tình trạng quá tải do lượng công nhân đã về quê. Ảnh: Lệ Chi. 
Tại TP HCM, do thời gian cao điểm trả lương cho công nhân đã qua nên tình trạng quá tải ATM không xảy ra. Sáng 4/2, dọc đường tỉnh lộ 10 quận Bình Tân, Đường 3/2 quận 10, đường Nguyễn Thị Minh Khai quận 1 xuống Nguyễn Tất Thành..., các ATM đều khá vắng vẻ. Riêng tại Khu công nghiệp Tân Bình, Khu chế xuất Tân thuận..., dù lượng người rút tiền nhiều nhưng không có tình trạng quá tải. Tại các trụ máy đều có bảng thông báo chỉ dẫn cách khắc phục các lỗi và có sẵn số điện thoại đường dây nóng của ngân hàng và số di động của cán bộ hỗ trợ.

Ngoài ra, nhiều ngân hàng như DongABank vẫn duy trì hình thức ATM lưu động tại các điểm dân cư đông, nhu cầu rút tiền mặt tăng. Tương tự, Vietcombank cũng phối hợp với doanh nghiệp triển khai thanh toán lương trực tiếp cho công nhân.

Nguồn: VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn