Bộ trưởng Công thương: 'Tìm sự đồng thuận của 21 nền kinh tế không hề dễ dàng'

Kinh tếThứ Năm, 09/11/2017 20:37:00 +07:00

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết dù các nền kinh tế đã nỗ lực nghiên cứu kế hoạch hành động để đưa FTAAP vào thực tế nhưng không hề đơn giản.

Chiều 9/11, họp báo Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) lần 29, trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí.

binh-minh-02

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (phải) và Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh ở buổi họp báo chiều 9/11. (Ảnh: Phạm Thành)

Phát biểu tại họp báo, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực còn nhiều bất định, khó khăn, các bộ trưởng đã khẳng định quyết tâm duy trì đà hợp tác và liên kết của APEC.

Các bộ trưởng tại AMM đã bàn thảo nhiều biện pháp cụ thể thúc đẩy thương mại tự do, thuận lợi hóa đầu tư của khu vực, hoàn tất hoàn thiện các mục tiêu Bogor, tăng cường kết nối đầu tư cơ sở hạ tầng, cải cách cơ cấu, giảm rủi ro, chú trọng nâng cao năng lực của các thành viên, hoan ngênh nỗ lực của các thành viên triển khai tuyên bố Lima – hướng tới thành lập Khuôn khổ hợp tác thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).

Trong khi đó, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết trong các chương trình làm việc của APEC, FTAAP cũng được nhắc tới khá nhiều.

Tuy nhiên thỏa thuận kinh tế này đã trì trệ, bất kể những ý tưởng quan trọng nhằm hiện thực hoá FTAAP được nêu ra tại APEC Lima năm 2016 (Peru).

Video: Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nói về tương lai của FTAAP (Phạm Thịnh)

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết dù các nền kinh tế đã nỗ lực nghiên cứu kế hoạch hành động để đưa FTAAP vào thực tế, nhưng đối với 21 nền kinh tế khác nhau và giữ vai trò, ý nghĩa riêng ở châu Á, việc tìm sự đồng thuận không thể nhanh chóng và dễ dàng.

Người đứng đầu Bộ Công thương cho biết trên thực tế còn có khoảng cách rất lớn ở các lĩnh vực, nội dung cụ thể đửa đưa vào chương trình, kế hoạch hành động. 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói: "Mỗi nước có trình độ, mức độ, sự phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, có những mối ưu tiên đa dạng, nhiều lĩnh vực. Vì vậy việc xây dựng một chương trình hành động cụ thể là không hề đơn giản".

Chính vì thế, các bộ trưởng quyết định sẽ cần thêm thời gian để tiếp tục thảo luận, làm rõ nội dung, dựa trên các ưu tiên của thành viên để từ đó đưa vào FTAAP. Điều này sẽ được thực hiện vào năm 2018.

"Việc này sẽ giúp cho chúng ta có cơ sở bền vững, đạt đồng thuận cao khi đưa vào chương trình", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn