Bộ GTVT: 'Nghị định 116 không phải rào cản để gây khó cho doanh nghiệp nhập khẩu ô tô'

Kinh tếThứ Ba, 27/02/2018 08:10:00 +07:00

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết: "Chúng tôi không hề mang ý nghĩ rằng Bộ GTVT hay Bộ Công Thương, với tư cách tham mưu cho Chính phủ, lại gây ra rào cản, gây khó cho doanh nghiệp".

Theo thống kê của Bộ GTVT, dân số của Việt Nam là 92 triệu người, nhưng chỉ có khoảng 2,8 triệu ô tô. Tuy nhiên, trong vận tải, đường bộ vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn: Đối với hành khách 93-94%, đối với hàng hóa khoảng 70%. 

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, tỷ lệ sở hữu ô tô tại Việt Nam còn thấp. Vì thế, nhu cầu phát triển công nghiệp ô tô là lớn, đây là môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp ô tô đang kinh doanh tại Việt Nam.

094127-thu-truong-le-dinh-tho

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: "Chúng tôi không hề mang ý nghĩ rằng Bộ GTVT hay Bộ Công Thương, với tư cách tham mưu cho Chính phủ, lại gây ra rào cản, gây khó cho doanh nghiệp". 

Sự ra đời của Nghị định 116 biến ngành kinh doanh ô tô trở thành ngành kinh doanh có điều kiện: “Đây là kinh doanh một phương tiện liên quan đến an toàn, liên quan đến người tiêu dùng. Ô tô là 1 loại tài sản có giá trị rất lớn”, Thứ trưởng Thọ nói.

Ông Thọ cho rằng, trong hàng không, khi 1 máy bay cất/hạ cánh, bao nhiêu con người phải lo về vấn đề an toàn. Trong khi đó, ô tô phục vụ cho đi lại, một nhu cầu rất thiết yếu, hàng ngày, chúng ta không thể không bảo đảm cho tính mạng con người trên đấy.

“Do vậy, vấn đề kiểm soát các phương tiện là một vấn đề thiết yếu, nước nào muốn phát triển đều phải làm. Đó là quan điểm của chúng tôi”, ông Thọ khẳng định.

Một vấn đề khác được Bộ GTVT lý giải đó là tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành ô tô tại Việt Nam nhưng phải đủ các điều kiện cho DN hoạt động theo pháp luật Việt Nam, với những yêu cầu tối thiểu để đảm bảo chất lượng cũng như môi trường.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Định Thọ tiết lộ, sau khi Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ đạo, Bộ GTVT làm việc với DN, đặc biệt là với Ford (Mỹ). Tinh thần, trách nhiệm làm việc là thẳng thắn bàn bạc tìm giải pháp tháo gỡ có lộ trình.

Về các quy định trong Nghị định 116 đang gây tranh cãi như giấy chứng nhận kiểu loại. Bộ GTVT nhận định, có thể đây là giấy chứng nhận riêng của Việt Nam, nhưng ở các nước cũng phải có những chứng nhận khác để đảm bảo tiêu chuẩn.

viet-nam-muon-phat-trien-o-to-noi-khong-phai-co-keo-loi-ich-2

Trước mắt, Bộ GTVT sẽ tiếp thu các ý kiến về các bất đồng trong nghị định. Sau đó, Bộ sẽ tập hợp ngay các ý kiến để giải quyết các khúc mắc đang tồn tai. (Ảnh: Vietnamnet)

“Tôi biết là thời gian tới, nếu sử dụng cụm từ "Giấy chứng nhận kiểu loại" thì sẽ bị vướng. Nhưng cần phải có những nội dung trong giấy thì mới bảo đảm. Tôi nghĩ đó là phù hợp. Đây là cách tháo gỡ”, Thứ trưởng Thọ phát biểu tại cuộc họp về Nghị định 116.

Ngoài giấy chứng nhận kiểu loại, các doanh nghiệp còn “mâu thuẫn” về kiểm xa theo lô xe.

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, quan điểm của Bộ GTVT là xe nhập vào Việt Nam phải có đủ hồ sơ. Vấn đề ở đây là nhập theo lô. Các ngài đưa ra tình huống thực tế có liên quan đến cảng biển, đến hạ tầng, đến thủ tục hải quan…

Ông Lê Đình Thọ khẳng định: “Nghị định và thông tư không tháo gỡ vấn đề được,  nhưng, tôi khẳng định sẽ có những hướng dẫn để giảm bớt thủ tục và sẽ có những hướng dẫn cụ thể để chúng ta thực hiện”.

Cuối cùng là vấn đề đường thử, ông Thọ cho biết: "Trước đây, khi các DN đưa ra các đề án liên doanh liên kết để lắp ráp, trong đề án có nói đường thử, nhưng rất nhiều DN không thực hiện, chưa thực hiện".

Bộ GTVT nhấn mạnh, với chỉ đạo của Thủ tướng, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ luôn đồng hành cùng DN, tập trung tháo gỡ với tinh thần cầu thị, lắng nghe.

“Chúng tôi không hề mang ý nghĩ rằng Bộ GTVT hay Bộ Công Thương với tư cách tham mưu cho Chính phủ, lại gây ra rào cản, gây khó cho DN”, ông Thọ nói.

Video: Xe ô tô sẽ bùng nổ tại Việt Nam vào năm 2018?

Trước những mâu thuẫn của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ GTVT nhận định, đây là một quá trình chuyển đổi, không thể một sớm một chiều mà hoàn thiện. “Muốn hoàn thiện, muốn đạt đồng thuận, chúng ta phải ngồi lại với nhau, phải chịu khó một tý trong giai đoạn trước mắt, có thể là 2, 3, 4, hay 5 tháng để chúng ta cùng hoàn thiện một hành lang pháp lý chung”, ông Thọ nói.

Trước mắt, Bộ GTVT sẽ tiếp thu các ý kiến về các bất đồng trong Nghị định. Sau đó, Bộ sẽ tập hợp ngay các ý kiến để giải quyết những khúc mắc đang tồn tại.

Về phía DN, Bộ GTVT đề nghị tập hợp lại các ý kiến. “Chúng tôi sẽ cử ra một cơ quan để tập hợp lại các ý kiến đấy và coi như đây là hướng dẫn để xử lý những vấn đề trong giai đoạn chuyển tiếp của Nghị định 116”, ông Thọ chia sẻ.

Việt Vũ
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn