Bộ GTVT muốn mua lại ACV: Nhà đầu tư ngoại nào đang sở hữu cổ phần?

Kinh tếThứ Bảy, 07/09/2019 06:39:00 +07:00

Một số quỹ đầu tư lớn như VEIL (thuộc Dragon Capital) và VOF (thuộc VinaCapital) đang nắm giữ lượng lớn cổ phiếu ACV.

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có đề nghị phê duyệt Đề án giao quản lý, sử dụng và khai thác tài sản và kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý gửi Chính phủ.

Theo đề án này, Bộ GTVT đề nghị nghiên cứu xem xét lộ trình mua lại phần vốn do các cổ đông ngoài Nhà nước nắm giữ tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã chứng khoán ACV - UpCOM) để ACV lại là doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo an ninh quốc phòng cho hoạt động hàng không.

Tại thời điểm 1/4/2019, cổ đông Nhà nước với đại diện là Ủy ban quản lý vốn đang nắm giữ hơn 2 tỷ cổ phần, tương đương 95,4% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại, chiếm 4,6% vốn điều lệ, do các cổ đông tổ chức và cá nhân sở hữu.

Thực tế, phần lớn lượng cổ phần ACV bên ngoài đều nằm trong tay các quỹ ngoại  như VEIL và VOF.

acv

Lượng cổ phần ACV bên ngoài đều nằm trong tay các quỹ ngoại. (Ảnh: Tintucvietnam)

VEIL - quỹ lớn nhất thuộc Dragon Capital

Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) - quỹ lớn nhất thuộc Dragon Capital chính là một trong những tổ chức tham gia đợt IPO của ACV hồi tháng 12/2015.

VEIL ra đời năm 1995, trước khi UBCKNN được thành lập. Năm 2018, giá trị tài sản ròng của VEIL giảm 7,08% so với năm 2017. Tổng tài sản của quỹ đạt 1,44 tỷ USD - giảm 110 triệu USD so với cuối năm 2017.

Về cơ cấu danh mục, quỹ tăng mạnh tỷ trọng cổ phiếu niêm yết trong danh mục do các cổ phiếu OTC nắm giữ năm 2017 hầu hết đều niêm yết năm 2018 như Hải Phát Invest, HDBank, FPT Retail, Becamex...

Báo cáo thường niên cũng công khai toàn bộ khoản đầu tư của VEIL. Theo đó, trong năm 2018, quỹ này đã rót gần 192 triệu USD vào các thương vụ IPO như TCB (35,1 triệu USD), BCM (24,7 triệu USD), POW (24,5 triệu USD), BSR (10,55 triệu USD), CRE (8,5 triệu USD)...

Trong danh mục gần 50 cổ phiếu, ACV là 1 trong 4 cổ phiếu hiếm hoi trên UPCoM được VEIL đưa vào danh mục, không những thế ACV còn thường xuyên nằm trong top 10 của quỹ tỷ đô này.

Tính đến cuối năm 2018, khoản đầu tư ACV có giá vốn 7,23 triệu USD (giá trị thị trường 43,8 triệu USD), chiếm 3,05% tổng tài sản ròng (NAV) và đứng thứ 9 trong danh mục VEIL.

Trong khi đó, giá vốn đầu tư cuối năm 2017 là 9,5 triệu USD (giá thị trường 76,5 triệu USD), cho thấy VEIL đã bán cổ phần ACV trong năm 2018.

VOF – quỹ lớn nhất thuộc VinaCapital

Tương tự, VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF – quỹ lớn nhất thuộc VinaCapital) cũng tham gia IPO ACV và thường xuyên giữ cổ phiếu này ở vị trí thứ 3 trong danh mục.

Tính đến cuối tháng 7, ACV chiếm khoảng 8,5% NAV của quỹ đầu tư có tổng tài sản 930 triệu USD này (tương ứng hơn 79 triệu USD).

Quỹ VOF thành lập năm 2003, chuyển niêm yết lên sàn giao dịch chính của TTCK London vào tháng 3/2016.

VOF chủ yếu đầu tư vào các doanh nghiệp cổ phần hóa, cổ phần tư nhân và các cơ hội đầu tư thương lượng. Trong đó, hai lĩnh vực quỹ tham gia nhiều nhất là hàng tiêu dùng chiếm 33% tổng các khoản đầu tư, và các ngành công nghiệp, vật liệu chiếm tỷ trọng 28%.

Theo thống kê của Người Đồng Hành, VOF gảm 1,1% NAV (giá trị tài sản ròng) sau 5 tháng đầu năm 2019, dừng ở mức 938,7 triệu USD. Các khoản đầu tư lớn trong top 10 của VOF có nhiều điểm tương đồng so với Dragon Capital như HPG, KDH, VNM, ACV…tăng ít hoặc giảm mạnh.

Tại thời điểm cuối tháng 4, tài sản ròng của quỹ VOF tăng 0,5%, tuy nhiên mức giảm 1,6% trong tháng 5 đã xóa hết thành quả từ đầu năm.

Một quỹ khác cũng từng nắm giữ cổ phần ACV là Asset Plus Vietnam Growth Fund (ASP-Viet Fund). Theo dữ liệu Bloomberg tại ngày 18/1/2018, ASP-Viet sở hữu 292.800 cổ phiếu ACV, tương đương với 1,54% NAV của quỹ này.

ASP-Viet Fund ra mắt thị trường vào 18/1/2018. Theo số liệu ngày 30/7/2019, tổng danh mục ASP-Viet Fund lên tới 2,62 tỷ Bath, tương đương gần 2.000 tỷ đồng (85 triệu USD) và là quỹ Thái Lan lớn nhất trên thị trường Việt Nam.

Bằng Lăng
Bình luận
vtcnews.vn