Bất động sản bước vào giai đoạn suy thoái theo đúng chu kỳ?

Kinh tếThứ Sáu, 12/07/2019 07:12:00 +07:00

Theo đúng chu kỳ phát triển thì năm 2019 thị trường bất động sản sẽ vào giai đoạn suy thoái, nhưng thực tế có phải như vậy không?

Báo cáo quý II/2019 của công ty TNHH CBRE mới đây cho thấy, thị trường chung cư Hà Nội ghi nhận 17.700 căn mở bán mới, bán hàng tương đối khả quan với trên 40% được tiêu thụ. Cả quý có tổng cộng 6.900 căn hộ chung cư bán được, tăng 17% theo năm. 

Nhà ở gắn liền với đất đón nhận 3.241 căn mở bán, số lượng mở bán cao gấp 2 lần cùng kỳ năm trước.

1_otVgwWQUXrU4OEH_Q5UuWw

 Thị trường chưa có dấu hiệu suy giảm.

Giá trung bình tiếp tục ghi nhận ở mức 1.337 USD/m2, tăng 4% theo năm; giá phân khúc cao cấp trung bình 2.345 USD/m2.

Với việc tăng về cả số lượng căn hộ mở bán cũng như giá bán, các chuyên gia cho rằng thị trường chưa phát hiện dấu hiệu nào cho thấy chu kỳ tăng trưởng kết thúc.

Theo ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn MIK, đây là chu trình mới nhưng lại tiếp diễn của thị trường trước đây, điều này cho thấy chưa có dấu hiệu nào kết thúc chu trình.

Hiện nay, nhiều người lo ngại phân khúc bất động sản cao cấp sẽ dư thừa. Nhưng chính sách của Chính phủ cho người nước ngoài mua nhà sẽ tạo điều kiện cho họ mua bất động sản hạng sang và điều này khẳng định thêm rằng phân khúc này vẫn còn tiềm năng phát triển.

Bình luận về vấn đề này, ông Dennis Ng Teck Yow, Phó Tổng giám đốc Gamuda Land, cho rằng so sánh xu hướng phát triển của Hà Nội từ năm 2018 trở lại đây, thị trường có sự phát triển hơn chu trình trước.

Ở Hà Nội, có nhiều khu đại đô thị mới đang được xây dựng, sự phát triển giữa các phân khúc đều cân đối, tiến độ, nguồn cung, tỷ lệ hấp thụ đang tiến triển tốt. Thời gian tới, sự phát triển của các tuyến hạ tầng giao thông, các tuyến đường mới được hình thành sẽ là tiềm năng phát triển cho thị trường bất động sản.

“Khái niệm bong bóng bất động sản không phải là vấn đề nhìn thấy hiện tại, mà tôi thấy sự phát triển của thị trường đang mạnh mẽ”, ông Dennis nói.

Ở lĩnh vực bất động sản văn phòng, ông Đỗ Hoài Nam, CEO Up Development, chia sẻ, ông không nhìn thấy một chu trình nào kết thúc mà tốc độ đang gia tăng đáng kể cả TP.HCM và Hà Nội, trong khi tỷ lệ thuê văn phòng linh hoạt ngày càng cao.

Bất động sản thương mại phải mất nhiều tiền đầu tư và đợi lâu để đưa vào khai thác nên có thể ở lúc này giá có chiều hướng tăng, nhưng khi nguồn cung dồi dào, giá sẽ được điều chỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Nam, nhìn chung thị trường bất động sản thương mại đủ để đáp ứng tốc độ tăng trưởng nhu cầu ngay cả khi dịch chuyển văn phòng và các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang.

Minh Sơn
Bình luận
vtcnews.vn