Bảo mật thông tin giá điện: Ai đầu cơ được điện mà sợ hỗn loạn thị trường?

Kinh tếThứ Hai, 29/04/2019 11:08:00 +07:00

Thông tin Bộ Công thương đưa giá điện chưa công bố vào danh mục mật khiến dư luận bức xúc, bởi cơ cấu giá điện lâu nay được cho thiếu minh bạch.

Đẩy khó khăn về phía doanh nghiệp, người dân

Lý do được Bộ Công thương đưa ra là, "sau 10 năm áp dụng và thực hiện, một số danh mục bí mật nhà nước ngành Công thương đã có sự thay đổi, cần được cập nhật thay thế cho phù hợp quy định pháp luật".

tang-gia-dien

Quyết định bất ngờ tăng giá điện ngày 20/3 không có lộ trình khiến nhiều doanh nghiệp bị lỗ (Ảnh minh họa) 

Trước đây thông tin điều chỉnh giá điện vẫn được đưa vào danh mục thông tin mật của ngành Công thương. Nhưng ở thời điểm đó, khi góp ý cho Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề nghị không nên đóng dấu mật vào phương án về giá điện.

Bởi việc tăng giá điện chỉ được thông báo vào đúng thời điểm quyết định sẽ khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc lên kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính.

Theo Dự thảo của Bộ Công thương, báo cáo điều hành kinh doanh, phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá xăng dầu và giá điện chưa công bố sẽ là những thông tin được đóng dấu mật.

Ngoài ra, danh mục mật này còn gồm kế hoạch và biện pháp điều hành xuất nhập khẩu, bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường xã hội; số liệu cung cầu một số mặt hàng thiết yếu chưa công bố; phương án tổ chức bộ máy, điều động, luân chuyển, quy hoạch cán bộ; hồ sơ cán bộ lãnh đạo từ cấp Vụ và tương đương trở lên; tài liệu quy hoạch cán bộ, quy trình bổ nhiệm cán bộ trong ngành; kết luận thẩm định về tiêu chuẩn chính trị của cán bộ công chức; Hồ sơ, tài liệu, thông tin cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang trong quá trình thu thập, thẩm tra, kiểm tra, xử lý.

Thực tế, trong đợt tăng giá điện ngày 20/3 vừa qua, có rất nhiều ý kiến cho rằng Bộ Công thương tăng giá điện là bất khả kháng để bù đắp chi phí sản xuất điện. Tuy nhiên, việc tăng giá điện phải có lộ trình để doanh nghiệp biết và đưa chi phí giá điện vào phương án kinh doanh.

Ngành điện không nên “đánh úp” các ngành sản xuất khác như thế. Một số doanh nghiệp phản ánh rằng sau khi có quyết định tăng giá điện họ đã tính ra được lỗ hàng chục, hàng trăm triệu đồng vì các hợp đồng, đơn hàng đã ký từ cuối năm 2018 và trong quý 1/2019 nhưng không thể tính tới chi phí giá điện sẽ tăng mạnh như vậy.

Các doanh nghiệp này cũng không thể yêu cầu các đối tác ký lại hợp đồng hay đưa thêm phụ lục tăng giá vì giá điện bất ngờ tăng vào ngày 20/3. Những rủi ro chính sách như vậy, hàng ngàn doanh nghiệp phải “chịu trận”.

VCCI cho rằng, các phương án giá điện phải được công khai ít nhất 10 ngày trước khi được ban hành và các quyết định tăng giá điện chỉ có hiệu lực sau ít nhất 15 ngày kể từ ngày ban hành.

Hạn chế sự giám sát về giá điện

Đồng tình với việc những mặt hàng nhà nước điều chỉnh giá nên được giữ bí mật trước khi thay đổi nhằm tránh tình trạng gây hỗn loạn, đầu cơ song chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả cho rằng, điện là mặt hàng khó có thể xảy ra tình trạng đầu cơ như xăng dầu nên cũng khó có tình trạng lợi dụng tăng giá điện làm hỗn loạn thị trường.

Hiện điện đang là mặt hàng đang dần theo cơ chế thị trường khi Bộ Công thương đang nỗ lực nhiều năm nay để thực hiện thị trường phát điện và đang nỗ lực thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh từ 2012.

Nhưng để cạnh tranh, để có cơ chế thị trường thì minh bạch, công khai là tiêu chí rất quan trọng. Có công khai, minh bạch thì mới có thể giám sát và cạnh tranh.

Mặt hàng điện hiện nay giá thành sản xuất còn chưa thực sự rõ ràng bởi hệ thống điện hiện được phát từ nhiều nguồn. Hay việc tính toán giá thành vẫn còn đang gây tranh cãi.

Nên nếu tiếp tục đóng dấu “mật” vào phương án giá điện thì càng khiến mục tiêu công khai minh bạch, giám sát khó có thể thực hiện được. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, vì điện là độc quyền nên càng độc quyền thì càng phải công khai để người dân có thể giám sát.

Bạn đọc Dương Văn Tuấn (trú tại Khánh Hoà) cũng nêu: Với phương châm "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra" thì không thể đóng dấu “mật” phương án giá điện và xăng dầu. “Trong khi Đảng và Nhà nước đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Bộ Công thương nghĩ gì khi đề xuất như thế?”, bạn đọc Tuấn nêu.

Bạn đọc Tran Thanh An (trú tại Hà Nội) nêu: Tỷ giá có phải yếu tố nhạy cảm, ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ quốc gia không? Vậy tại sao NHNN đưa ra được phương án điều hành tỷ giá hàng năm để doanh nghiệp và người dân nắm được từ đó hoạch định chiến lược kinh doanh mà ngành điện vốn đã có những yếu tố đầu vào được kiểm toán rồi mà không thể đưa ra được lộ trình tăng giá? Nếu làm được thì tốt cho người dân, tốt cho doanh nghiệp, tốt cho nền kinh tế chứ sao lại phải len lén điều hành như vậy?”

(Nguồn: baogiaothong.vn)
Bình luận
vtcnews.vn