Âm thầm tăng, lãi suất có ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế?

Kinh tếThứ Sáu, 12/06/2015 06:41:00 +07:00

Sau vài tháng giảm nhẹ, lãi suất huy động đang được các ngân hàng âm thầm điều chỉnh tăng trở lại.

(VTC News) – Sau vài tháng giảm nhẹ, lãi suất huy động đang được các ngân hàng âm thầm điều chỉnh tăng trở lại.

Âm thầm tăng

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn cuối tháng 5, lãi suất huy động tương đối ổn định.Lãi suất phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Nhưng từ đầu tháng 6, lãi suất âm thầm được các ngân hàng nâng lên đôi chút. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) là đơn vị mới nhất tham gia “cuộc đua” này. Ngày 11/6, ACB điều chỉnh lãi suất với mức độ tăng khá nhẹ.

Lãi suất huy động cao nhất tại ACB đang là 6,7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.

lãi suất
Lãi suất đang tăng trở lại 


Sớm hơn một chút, kể từ 8/6, VPBank công bố biểu lãi suất mới. Theo đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 7,3% cho kỳ hạn 36 tháng và cho khoản vay trên 10 tỷ. Có thể thấy, lãi tại VPBank cao hơn tại ACB khá nhiều.

Có mức lãi suất tương tự tại ACB, ngân hàng Đông Á (DongABank) áp dụng mức lãi cao nhất 6,6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Mức mới này được áp dụng từ ngày 5/6.

Trước đó, ngày 2/6, Agribank (ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) ngày đã điều chỉnh tăng 0,3% lãi suất huy động kỳ hạn 18 tháng lên mức 6,5%/năm, kỳ hạn 24 tháng tăng thêm 0,5% lên 6,8%/năm. Biểu lãi suất tại Agribank không có nhiều chênh lệch với ACB và DongABank.

Lãi suất của hai “ông lớn” BIDV (ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam) và Vietcombank (ngân hàng Ngoại thương) khá thấp. Mức lãi cao nhất tại BIDV là 6,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng, tại Vietcombank là 6,2% cho 4 kỳ hạn 18, 24, 36 và 60 tháng/năm.

Từ đầu năm đến nay, Techcombank (ngân hàng Kỹ thương) đã có 7 lần điều chỉnh lãi suất, Lần điều chỉnh mới nhất bắt đầu từ ngày 25/4. Lãi tại ngân hàng này kha thấp, mức cao nhất chỉ là 6,85%/năm áp dụng cho 36 tháng.

Các ngân hàng lớn công bố mức lãi suất thấp hơn tại các ngân hàng nhỏ. Hiện nay, 7,4%/năm là mức lãi cao nhất nhiều ngân hàng nhỏ như Vietcapitalbank (ngân hàng Bản Việt), Oceanbank (ngân hàng Đại Dương) và CBBank (ngân hàng Xây dựng) áp dụng.

Tác động tới nền kinh tế

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho biết, có nhiều lý do khiến các ngân hàng đẩy lãi suất huy động tăng trở lại.

Thứ nhất, mặc dù nguồn vốn huy động tốt của hệ thống ngân hàng vẫn tốt nhưng nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi nên ngân hàng mạnh tay cho vay.

 
Lãi suất tăng tác động đến người đi vay, đặc biệt những doanh nghiệp nhỏ và vừa – những đơn vị có khả năng chiụ đựng kém. Vì thế, nhiều doanh nghiệp có thể gặp khó.
TS Nguyễn Trí Hiếu
 
Cụ thể, theo Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 28/5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 4,8%. Cùng thời gian này năm ngoái, tín dụng mới đạt 1,31% và phải đến hết tháng 7/2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới đạt 3,6%.

Như vậy, có thể thấy đây là một tín hiệu khả quan cho thấy tăng trưởng tín dụng không còn bị dồn áp lực vào những tháng cuối năm. Nhưng với ngân hàng khi cho vay ra  càng nhiều, ngân hàng càng cần thêm vốn bổ trợ hoạt  động cho vay. Để hấp dẫn được người dân gửi tiết kiệm, các ngân hàng tăng lãi suất.

Lý do thứ hai, theo ông Hiếu, hiện tại thị trường bất động sản và chứng khoán đang phục hồi. Có một lượng tiền không nhỏ được khách hàng dịch chuyển từ ngân hàng sang những kênh này để đầu tư. Vì vậy, để giữ chân khách, ngân hàng phải tăng lãi suất.

Bên cạnh đó, lạm phát đang tăng dần khiến kỳ vọng vào lãi suất của người dân cũng tăng theo. Kết quả là lãi suất đi lên.

Ngoài ra, tỷ giá cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến lãi suất. Ông Hiếu phân tích trong tháng 5, tiền đồng đã phá giá lần thứ 2. Do đó có thể có sự dịch chuyển tiền đồng tại ngân hàng sang USD.

Khi lãi suất huy động tăng, ông Hiếu dự báo, lãi suất cho vay sẽ sớm tăng theo. Độ trễ để điều chỉnh lãi suất đầu ra cũng không kéo dài từ 3-6 tháng như trước đây nữa mà có thể chỉ là thời hạn 1 tháng do nhu cầu vốn đang ở mức cao hiện nay.

Nhận định về tác động của tăng lãi suất tới nền kinh tế, ông Hiếu cho hay lãi suất có thể ảnh hưởng đến lạm phát vì khi đi vay với lãi suất cao hơn, chi phí vốn của doanh nghiệp tăng lên. Từ đó kéo theo chi phí sản xuất và giá thành.

Lãi suất tăng  tác động đến người đi vay, đặc biệt những doanh nghiệp nhỏ và vừa – những đơn vị có khả năng  chiụ đựng kém. Vì thế, nhiều doanh nghiệp có thể gặp khó.

Tuy nhiên, tại thời điểm này, mức tăng lãi suất chỉ 0,2% tới 0,3% chưa có nhiều tác động xấu. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Hiếu, từ bây giờ đến cuối năm, lãi suất có thể tăng từ 0,5% tới 0,75%. Kết quả là lãi suất cho vay sẽ tăng từ 1% tới 1,3%/năm. Khi đó, tác động của lãi suất tới nền kinh tế mới rõ nét hơn.

Bảo Linh

 

Bình luận
vtcnews.vn