Ám ảnh nỗi sợ của con nợ, chồng đòi ly hôn vì đa cấp

Kinh tếThứ Ba, 23/07/2013 07:10:00 +07:00

(VTC News) – Từng tham gia vào mô hình kinh doanh đa cấp, chị Hòa (Quảng Ninh) không chỉ trở thành một con nợ, mà ngay cả hạnh phúc gia đình chị cũng tan vỡ…

(VTC News) – Từng tham gia vào mô hình kinh doanh đa cấp, vì tin những lời “ngon ngọt” về việc làm giàu không khó, chị Hòa (Quảng Ninh) không chỉ trở thành một con nợ, mà ngay cả hạnh phúc gia đình chị cũng tan vỡ…

Chê chồng vì lời đường mật của những chàng đa cấp

Cách đây khoảng 1 năm, chị Hòa được một người bạn thân giới thiệu về một công ty đa cấp chuyên bán các loại thực phẩm chức năng của Mỹ. Lúc đó, khái niệm công ty đa cấp với chị Hòa vẫn còn mới tinh, chị không hề biết rằng cách thức làm giàu của các công ty này là dụ dỗ người ta ăn những chiếc “bánh vẽ” về thu nhập khủng nhân bánh là những lời đường mật.

Theo lời người bạn thân của chị, đây là công ty có hệ thống mạng lưới chi nhánh trên toàn thế giới, các sản phẩm của công ty này đã được chứng nhận đảm bảo về chất lượng của các tổ chức uy tín. Đặc biệt, nhân viên của công ty thì thu nhập rất “khủng”, từ vài chục triệu đồng lên tới vài trăm triệu đồng/tháng tùy theo cấp bậc. Vì vậy được vào làm việc tại công ty sẽ là một cơ hội lớn, có thể đổi đời mỗi con người.

Nghe theo lời đường mật của những nhân viên đa cấp K-link, nhiều chị em đánh mất hạnh phúc gia đình hiện có
Nghe theo lời đường mật của những nhân viên đa cấp K-link, nhiều chị em đánh mất hạnh phúc gia đình hiện có 
Gia đình chị Hòa cũng thuộc loại khá giả ở trong xã. Chồng chị làm nghề kinh doanh hải sản, xuất đi các tỉnh, nên thu nhập cũng khá. Căn nhà 3 tầng ngay mặt đường cùng chiếc xe Kia Morning vốn là niềm mơ ước của nhiều gia đình ở vùng quê nghèo này.

Tuy nhiên, do mới tốt nghiệp Phổ thông trung học, chị Hòa đã chồng, rồi sinh liền lúc 2 đứa con, công việc của chồng thì lại có nhiều anh em họ hàng giúp đỡ, nên chị rất nhàn rỗi, chỉ ở nhà chăm con.

Vì vậy, khi nghe người bạn thân nói về công việc bán hàng với thu nhập cao như vậy, thì đó là một cơ hội quá tốt với những người chưa từng có kinh nghiệm như chị. Không ngần ngại, chị Hòa liền cùng cô bạn thân tới trụ sở của công ty để được giới thiệu với các lãnh đạo.

“Tôi cứ  tưởng một công ty tầm cỡ Quốc tế thì trụ sở phải hoành tráng lắm. Ai ngờ, đó chỉ là một căn nhà 2 tầng, được thuê lại từ một người dân. Trang thiết bị cũng không có gì, mấy cái bàn, ghế, 1 cái tủ hồ sơ. Nhưng nhân viên thì ăn mặc rất chỉn chu, lịch sự. Đặc biệt, họ ăn nói rất “hút hồn”. Vì vậy ngay từ lúc đầu tôi cũng bị mê hoặc và tin là làm giàu không hề khó như họ nói”, chị Hòa tâm sự.

Cả buổi thuyết trình, tôi đặc biệt bị thu hút bởi mô hình kinh doanh mà họ nói. Cách kiếm tiền họ vẽ ra là thu hút được càng nhiều người vào công ty thì thu nhập càng cao. Còn điều kiện để vào công ty thì vô cùng đơn giản, chỉ cần mua một bộ hồ sơ 250.000 đồng và một bộ sản phẩm của công ty với giá 10 triệu đồng là được ký hợp đồng thành viên.

Còn các sản phẩm của họ thì đều được chứng nhận về chất lượng và có giấy tờ đàng hoàng. Một anh quản lý mặc áo trắng đóng thùng quần âu, thắt cà vạt giới thiệu về chức năng của sản phẩm như một bác sỹ chuyên nghiệp vậy.

“Không chỉ giới thiệu đơn thuần về tính năng, tác dụng thần kỳ của các sản phẩm. Anh này còn dẫn chứng ra rất nhiều trường hợp các bệnh nhân mắc các chứng bệnh nan y khó chữa, nhưng sử dụng sản phẩm thì có thể chữa khỏi ngay. Ví dụ, một ông X bị tai biến mạch máu não, đang hấp hối, sử dụng sản phẩm xong là khỏi luôn”, chị Hòa nói.

Thấy họ ăn nói lưu loát, là người lịch sự, thành đạt, nên chị Hòa lúc đầu cũng tin rằng đó là một cơ hội việc làm tốt với mình. Vì vậy, chị không ngần ngại bỏ ra 10 triệu đồng và mua 1 bộ hồ sơ để ký hợp đồng làm thành viên chính thức.

 
>> Vào hang ổ 'bầy đàn' bán hàng đa cấp
Số tiền này, chị Hòa phải vay mượn từ gia đình và họ hàng bên nhà ngoại vì các nhân viên đa cấp dặn chị là “Khi chưa hiểu về công ty và sản phẩm mà đã nói ngay với gia đình sẽ rất dễ bị phản đối, nên đợi đến khi nào kiếm được tiền rồi sẽ tự hào nói với chồng. Mình đi làm, chứ có đi lăng nhăng đâu, nên nói trước hay nói sau cũng quan trọng gì”.


Thấy anh này nói rất có lý, nên chị Hòa cũng quyết tâm giữ im lặng. Hàng ngày, chồng chị hỏi đi đâu thì chị chỉ nói sang nhà ngoại để giúp đỡ ông bà. Để việc nói dối này được trơn tru, chị cũng dặn bố mẹ đẻ là cứ nói là ốm và đang chữa bệnh, nên nhờ con gái sang giúp việc nhà.

Cũng vì thế, chuyện chị đi bán hàng đa cấp diễn ra cả tháng trời, nhưng chồng chị không hề nghi ngờ, thi thoảng thấy con khóc đòi bú và 2 đứa vất hết cho ông bà nội chăm sóc, thì chồng chị có nổi cáu và sinh nghi về việc chị đi biền biệt cả ngày.

Do là người nhanh nhẹn, lại được nhiều bà con làng xóm yêu mến, nên trong vòng hơn 1 tháng, chị Hòa đã rủ rê được không ít người thân, họ hàng tham gia vào công ty đa cấp.

Sau hơn 2 tháng thì hệ thống chân rết của chị đã có tới 10 người và chị bắt đầu có thu nhập. Có tiền và những tưởng mình đã thành công, chị Hòa bắt đầu tỏ ra khinh chồng chỉ là một “con buôn” hải sản, không có trình độ học vấn, sống không có ước mơ, chỉ biết cắm mặt vào mấy con hải sản vừa tanh, vừa hôi thối.

Từ ngày chị Hòa bắt đầu đi làm đa cấp, gia đình chị lục đục vì chồng chị thấy ăn mặc diện lại phấn son, tưởng vợ mình đi bồ bịch, nhưng không có bằng chứng nên anh chỉ bán tín bán nghi. Đến khi chị nói đi bán hàng đa cấp thì anh rất nổi cáu vì nhiều lần chở hải sản ra Hà Nội anh đã được nghe nói đây là các công ty chỉ chuyên đi lừa người khác.

Anh ra sức can ngăn vợ, nhưng vì chị bắt đầu có tiền nên coi những lời chồng nói là thiếu hiểu biết. Từ đó, ngày nào hai vợ chồng cũng cãi nhau, thậm chí chị Hòa còn quyết định sẽ ly thân với anh một thời gian.

Nợ nần, chồng đòi ly hôn

Những tưởng công việc sẽ thuận lợi, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, các chân rết của chị bắt đầu rút lui và thu nhập nhỏ bé mà chị vừa có được cũng không còn. Nhiều bà con được chị rủ rê do mua sản phẩm cao quá, không bán được cho ai, nên họ đành chấp nhận mất 10 triệu đồng đã đóng để mua sản phẩm của công ty, để về với nghề cũ.

Không còn chân rết, nhưng vẫn sợ mất khoản thu nhập, nên chị Hòa đành phải tiếp tục vay mượn tiền từ gia đình chị để mua sản phẩm nhằm duy trì cấp bậc của mình trong công ty.

Số tiền vay nợ càng ngày càng lớn so với số tiền chị được hưởng từ thu nhập hàng tháng, đã khiến chị dần nhận ra “làm giàu không dễ” như những lời ngon ngọt của những thành viên trong công ty.

Một lần, chị Hòa bị chốc mép, theo lời quảng cáo của anh quản lý thì dùng diệp lục bôi vào là vết thương sẽ lành ngay. Nhưng chị bôi đến 3 – 4 hôm, vết thương vẫn không đỡ, thậm chí còn bị chảy nước rất khó chịu. Chị dùng thuốc Tây thì 2 hôm là khỏi ngay.

Chị Hòa phản ánh lại với anh quản lý thì anh này chỉ nói, thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng phòng bệnh, chứ không phải chữa bệnh, nên có thể em bị nặng quá, nên không khỏi được.

“Lúc đó, tôi bắt đầu cảm thấy sản phẩm của công ty bán có vấn đề và việc anh quản lý nói kiểu lật lọng như vậy là không trung thực”, chị Hòa kể lại.

 
Tôi rất hối hận vì đã không nghe lời khuyên của chồng. Giờ tuy chúng tôi vẫn sống chung một nhà, nhưng anh ấy thậm chí còn không thèm nhìn mặt tôi. Để có tiền trả số nợ hơn 200 triệu đồng của tôi (chưa tính số tiền 50 triệu đồng vay bố mẹ đẻ), anh ấy đã phải bán cả xe đi. Tôi rất ăn năn, ngày nào tôi cũng cố làm việc nhà và chăm con tốt, nhưng anh ấy vẫn chỉ cười với con, mà gần như không để ý đến sự có mặt của tôi.
Chị Hòa
 
Không chỉ chị Hòa, một bà cô của chị khi dùng loại sản phẩm nói có thể chữa được bệnh xương khớp cũng phải ngao ngán, vì uống cả tháng trời, tiền mất cũng nhiều, nhưng bệnh không giảm.


“Tôi cứ tưởng sản phẩm họ nói là tốt thật, nên tôi cũng đem giới thiệu lại với những người nhà tôi để mua. Ai ngờ, bà cô tôi bị bệnh xương khớp, uống mãi không khỏi, tiêu tốn cả chục triệu đồng vẫn không đỡ”, chị Hòa nói.

Làm được khoảng 4 tháng thì chị bắt đầu nhận ra, hình thức làm việc của công ty chỉ là rót những lời đường mật vào tai những người thiếu hiểu biết, nhằm kiếm tiền từ sự nhẹ dạ cả tin của họ.

Không chỉ vậy, nhiều bà con làng xóm bị chị rủ rê, lôi kéo vào công ty và mời chào sản phẩm cũng thường xuyên kéo đến nhà chị để trách móc và yêu cầu chị phải đứng ra nói chuyện với công ty để họ trả sản phẩm, lấy lại tiền.

Nhiều người còn nói chị lừa đảo, vì nông dân nghèo không có tiền, nhưng vẫn cố bỏ hàng triệu đồng ra mua những mong sẽ khỏi bệnh, vậy mà bệnh không giảm, còn tiền thì không cánh mà bay.

Còn gia đình, do khuyên ngăn không được, vợ chồng thường xuyên cãi nhau, thậm chí có lần thấy nhiều bà con kéo đến nhà như đòi nợ, anh đã rất giận, lôi chị vào phòng và đánh. Anh cũng viết đòi ly dị với vợ.

“Chồng tôi là người chỉ biết làm lụng, tính tình nhiều khi cũng nóng nảy nhưng lại rất chiều vợ. Đó là lần đầu tiên anh ấy đánh tôi. Nhưng điều khiến tôi sợ hơn hết là lá đơn xin ly hôn”, chị Hòa tâm sự.

Nhìn đăm chiêu vào một khoảng không vô định, chị Hòa đờ đẫn nói: “Tôi rất hối hận vì đã không nghe lời khuyên của chồng. Giờ tuy chúng tôi vẫn sống chung một nhà, nhưng anh ấy thậm chí còn không thèm nhìn mặt tôi. Để có tiền trả số nợ hơn 200 triệu đồng của tôi (chưa tính số tiền 50 triệu đồng vay bố mẹ đẻ), anh ấy đã phải bán cả xe đi. Tôi rất ăn năn, ngày nào tôi cũng cố làm việc nhà và chăm con tốt, nhưng anh ấy vẫn chỉ cười với con, mà gần như không để ý đến sự có mặt của tôi”, chị Hòa nói.

Trước lúc chia tay tôi, chị Hòa nói: “Thực chất kinh doanh đa cấp là người này lừa người kia là sản phẩm tốt lắm, chữa được bách bệnh, rồi thu nhập cao. Nhưng thực tế, tiền không phải dễ kiếm như vậy đâu”.

Độc giả có thể gửi phản hồi, chia sẻ về kinh doanh đa cấp vào ô thảo luận phía cuối bài viết hoặc gửi về địa chỉ [email protected]. Trân trọng cám ơn!

Nhóm phóng viên điều tra

Bình luận
vtcnews.vn