8 cuộc thí nghiệm 'vô nhân tính' nhất trong lịch sử nhân loại

Kinh tếThứ Năm, 11/06/2015 11:39:00 +07:00

Những cuộc thí nghiệm 'vô nhân tính' nhất trong lịch sử nhân loại

(VTC News) - Những cuộc thí nghiệm này đã được thực hiện mà bất chấp trước mọi chuẩn mực của đạo đức, gây ra hậu quả thảm khốc và để lại tiếng xấu muôn đời cho ngành nghiên cứu khoa học của nhân loại.

1. Thí nghiệm khỉ Britches


Britches là một con khỉ con bị tách khỏi mẹ ngay sau khi nó chào đời, sau đó bị đem đến Đại học California để làm sinh vật thí nghiệm.

Dù Britches có một đôi mắt hoàn toàn bình thường nhưng nó lại bị đưa tới thử nghiệm một loại thiết bị sóng âm hỗ trợ việc đi lại dành cho người mù. Để giải quyết sự "bất hợp lý" này, các nhà nghiên cứu đã khâu cả hai mắt của Britches lại.
Mãi lâu sau, Britches mới được giải thoát khỏi cuộc thí nghiệm kinh khủng này nhờ Mặt trận giải phóng động vật trong một cuộc đột kích vào năm 1985.
 
2. Dự án MKUltra

Trong những năm 1950, các nhà khoa học thường trú của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã bắt đầu một cuộc thử nghiệm bất hợp pháp trên đối tượng con người.

Cuộc thử nghiệm này có mục đích phát triển các loại thuốc được sử dụng trong các cuộc thẩm vấn và tra tấn cá nhân, cốt làm suy yếu cá nhân đó và buộc họ phải nhận tội thông qua sự kiểm soát tâm trí - một liệu pháp sử dụng phương pháp sốc điện và sự lặp lại của âm thanh.
Dù nghiên cứu này đã bị phá hủy trong một vụ bê bối ở Watergate, tuy nhiên vẫn có những bằng chứng cho thấy Chính phủ đã hủy hoại rất nhiều người dân vô tội bằng các loại thuốc này.

3. Cấy ghép tinh hoàn động vật cho người

Leo Stanley, bác sĩ đứng đầu nhà tù San Quentin vào năm 1913 luôn tin rằng những người nam giới phạm tội sẽ có ít testosterone (loại hormon tình dục được bài tiết chủ yếu trong tinh hoàn của nam giới) hơn những người bình thường khác.

Để kiểm tra "thuyết bệnh hoạn" này của mình, ông quyết định thực hiện cấy ghép tinh hoàn mới cho các nam tù nhân.

Tuy nhiên vì không bao giờ đủ lượng tinh hoàn của người bình thường để làm chuyện đó nên ông đã thay thế bằng tinh hoàn của động vật để cấy ghép vào bộ phận sinh dục của các tù nhân.

4. Thí nghiệm làm cứng da

Trong một nỗ lực để phát minh ra cách làm cho da của những người lính trở nên cứng rắn hơn, bác sĩ da liễu Albert Kligman đã thực hiện nhiều cuộc thí nghiệm vô nhân tính trên đối tượng là các tù nhân tại nhà tù Holmesburg, Philadelphia.

Ông đã bôi lên người họ một loại hóa chất nguy hiểm khiến da của họ đau đớn như đang bị đốt cháy, mọc mụn nước như vết bỏng và để lại sẹo vĩnh viễn.

5. Thí nghiệm nhà tù Stanford

Thí nghiệm này được tiến hành tại đại học Stanford năm 1971 nhằm điều tra về nguyên nhân của các cuộc xung đột giữa quân đội và các tù nhân.

24 nam sinh viên được chọn và được sắp xếp một cách ngẫu nhiên vào hai nhóm là "tù nhân" và "quản giáo", sau đó được đưa vào một nhà tù giả với thời gian dự kiến là 7 - 14 ngày.
Dù ai cũng biết rằng đây chỉ là một cuộc thử nghiệm, nhập vai nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, những nam sinh trong nhóm "quản giáo" đã hành hạ, đánh đập một cách dã man các nam sinh trong nhóm "tù nhân".

Những "tù nhân" còn không được mặc quần và bị bắt nằm ngủ trên những tấm bê tông cứng. Hai trong số sinh viên thuộc nhóm "tù nhân" đã không thể chịu đựng được và buộc phải rời khỏi "nhà tù" này, cuộc thí nghiệm sau đó cũng bị dừng lại dù mới chỉ bắt đầu được 6 ngày.

6. Thí nghiệm bên "thật" - bên "giả"

Những người tham gia thí nghiệm này được các nhà thí nghiệm giao cho "nhiệm vụ" là nhấn một chiếc nút để gây sốc điện cho một người ở trong phòng khác.

"Người bị sốc điện" thực chất chỉ là một diễn viên, được giao nhiệm vụ là giả vờ đau đớn trong suốt quá trình sốc điện, và tất nhiên người "nhấn nút" gây sốc điện sẽ không biết điều này.
Kết quả thí nghiệm cho thấy 65% người "nhấn nút" sẽ tiếp tục thực hiện việc gây sốc điện cho người diễn viên ngay cả khi họ đã cố la hét đến mức độ thảm thiết nhất. Thậm chí không ít người còn nâng tỉ số điện áp cho đến khi diễn viên này giả vờ lăn ra bất động.

7. Thí nghiệm "hố tuyệt vọng"

Rhesus cũng là một chú khỉ đã bị tách khỏi mẹ từ khi vừa mới chào đời, sau đó bị bỏ vào "hố tuyệt vọng" là chiếc lồng Harlow cùng với chỉ một chai nước uống.

Mục đích của thí nghiệm này là nghiên cứu những ảnh hưởng từ sự cô lập trong suốt quá trình phát triển của trẻ em và căn bệnh trầm cảm sau này.
Không ngạc nhiên khi chú khỉ con này trở nên chán nản, tuyệt vọng. Chưa kể nó còn gặp các vấn đề về thể chất khác như hệ tiêu hóa kém.

8. Nghiên cứu bệnh giang mai - nghiên cứu nhục nhã nhất trong lịch sử nước Mỹ

Vào năm 1932, nghiên cứu về bệnh giang mai trên 600 nam giới người Mỹ gốc Phi ở vùng nông thôn Alabama bắt đầu được triển khai.

Trong số đó, 399 người mắc bệnh giang mai từ trước đã bị các bác sĩ vô nhân đạo chẩn đoán là bệnh "máu xấu", tuy nhiên họ sẽ được điều trị miễn phí tại các buồng bệnh, được ăn và được chôn cất trong trường hợp tử vong nếu đồng ý tham gia vào nghiên cứu này.
Tuy nhiên thực chất các bác sĩ không hề chữa trị hoặc chữa trị sai phương pháp cho các bệnh nhân nhằm mục đích quan sát sự tiến triển của bệnh giang mai gây tử vong cho con người như thế nào.

Cuộc thí nghiệm này kéo dài trong suốt 40 năm, tới tận năm 1972. Đến cuối cuộc thí nghiệm trên, chỉ có 74 người trong số những người đã nhiễm giang mai còn sống sót, còn lại đều đã bị nhiễm bệnh rồi tử vong do bệnh hoặc các biến chứng của bệnh giang mai, một số trẻ em sinh ra sau đó còn bị mắc bệnh giang mai bẩm sinh.

Huyền Trân
Bình luận
vtcnews.vn