15.000 tỷ mất trắng vì xâm nhập mặn và sự kiên quyết không thay đổi của Bộ Tài chính

Kinh tếThứ Tư, 01/06/2016 07:04:00 +07:00

Hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại ước tính lên tới 15.000 tỷ đồng; Bộ Tài chính nhất quyết không thay đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục cho giải ngân gói 30.000 tỷ từ ngày 1/6.

Bộ Tài chính nhất quyết không thay đổi chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt

Bộ Tài chính đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và cho biết sẽ tiếp tục thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 108 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.

kinh-te1

 

Theo đó, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng nhập khẩu là giá nhà nhập khẩu bán ra, đối với hàng sản xuất trong nước là giá nhà sản xuất bán ra.

Tuy nhiên, trong thông cáo vừa phát đi, Bộ Tài chính cho biết, trên thực tế, sau khi Nghị định số 108/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2016, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của một số hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ hoãn thi hành nội dung quy định về giá tính thuế tại Nghị định số 108.

Do vậy, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo về nội dung kiến nghị của hiệp hội, doanh nghiệp.

Trên cơ sở công văn của Bộ Tài chính và ý kiến của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến như sau “Bộ Tài chính chỉ đạo thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 108 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời thông tin, giải thích rõ để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp biết thực hiện”.

Tiếp tục giải ngân gói vay 30.000 tỷ

kinh-te5

 

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính và các số liệu báo cáo của các ngân hàng thương mại đến ngày 10/5/2016, ngày 30/5/2016, Ngân hàng Nhà nước đã có công văn trình Thủ tướng về phương án gia hạn chương trình cho vay gói 30.000 tỷ theo hướng như sau:

Một là, cho phép gia hạn giải ngân tái cấp vốn đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 đối với các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng mới, cải tạo sữa chữa lại nhà ở của mình tối đa đến ngày 31/12/2016.

Tổng số tiền tái cấp vốn khoảng 32.738 tỷ đồng (bao gồm dự kiến số tiền tái cấp vốn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đến thời điểm 1/6/2016 và số tiền cam kết nhưng chưa giải ngân hết của khách hàng cá nhân).

Hai là, dừng giải ngân tái cấp vốn theo đúng quy định tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN và Thông tư 32/2014/TT-NHNN đối với các khách hàng là hộ gia đình, cá nhân đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội.

Trong khi chờ đợi ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động đáp ứng nhu cầu vốn vay của khách hàng, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các ngân hàng thương mại kể từ ngày 1/6/2016 tiếp tục giải ngân đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước ngày 31/3/2016 từ nguồn vốn của ngân hàng theo lãi suất thỏa thuận tại hợp đồng đã ký.

Sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có văn bản hướng dẫn về việc gia hạn tái cấp vốn gửi các ngân hàng thương mại để thực hiện.

5 tháng đầu năm mua vào 7 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối

Trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 5/2016 mà Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục bơm VND ra thị trường qua kênh ngoại hối với lượng bơm đạt hơn 72.000 tỷ trong tháng 4 và tháng 5/2016 (tính đến ngày 20/05/2016).

Tính chung từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 7 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối. Mặt khác, theo cập nhật của trung tâm nghiên cứu này, lãi suất trên liên ngân hàng giảm sâu còn do tăng trưởng tín dụng VND chưa có nhiều đột biến trong khi huy động vốn VND (5,3%) tăng nhanh hơn tín dụng VND (4,3%).

Cũng theo báo cáo trên, tính đến 27/4/2016, tín dụng của toàn hệ thống đạt hơn 4,83 triệu tỷ đồng, tương đương với mức tăng 3,57% so với cuối năm 2015 (tăng trưởng tín dụng cùng kỳ đạt mức gần 4%). Trong khi đó, huy động vốn toàn hệ thống có mức tăng cao hơn tăng trưởng tín dụng và đạt 4,5% (huy động vốn tính đến ngày 30/3/2016 đạt hơn 5,39 triệu tỷ đồng).

Đáng chú ý, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế của BIDV dự báo, tín dụng trong quý 3/2016 dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan với mức tăng xấp xỉ 10-11%. Lãi suất huy động dự báo sẽ tăng nhẹ đảm bảo thanh khoản cho tín dụng, một phần “cạnh tranh” với thị trường trái phiếu Chính phủ và diễn biến của lạm phát.

Cùng đó là dự báo lãi suất VND liên ngân hàng tháng 6/2016 sẽ có xu hướng tăng trở lại do Ngân hàng Nhà nước đang tạm dừng hoạt động bơm tiền ra thị trường thông qua kênh ngoại hối.

SCIC chưa thoái vốn Vinamilk trong năm nay

Theo đề án tái cơ cấu SCIC do Thủ tướng Chính phủ ban hành vào tháng 10/2015, SCIC sẽ thoái hết vốn Nhà nước khỏi 10 doanh nghiệp, trong đó có Vinamilk, FPT, Tổng Công ty Bảo Minh...

Tuy nhiên, danh mục thoái vốn năm 2016 của SCIC chỉ có tên 2 trong số 10 doanh nghiệp trong đề án nói trên là FPT và Xuất nhập khẩu Sa Giang. Hiện SCIC đang nắm 6% FPT và 50% XNK Sa Giang.

kinh-te4

Danh sách thoái vốn của SCIC trong năm 2016 

Theo kế hoạch, trong năm 2016, SCIC sẽ thực hiện thoái vốn tại 120 doanh nghiệp. SCIC hiện nắm trên 45% cổ phần tại Vinamilk. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của Vinamilk, cổ đông doanh nghiệp sữa này đã đồng thuận chi cổ tức "kỷ lục" 60% cho năm 2015 - tương đương 82% lợi nhuận sau thuế của Vinamilk trong năm vừa qua. Dự kiến, Vinamilk sẽ chi tiếp mức cổ tức tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế cho năm 2016.

Tính đến cuối năm 2015, SCIC chỉ còn sở hữu vốn Nhà nước tại 197 doanh nghiệp với tổng giá trị các khoản đầu tư của SCIC theo mệnh giá xấp xỉ 19.740 tỷ đồng.

Hạn hán, xâm nhập mặn làm thiệt hại hơn 15.000 tỷ đồng

Vụ Kinh tế Nông nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) vừa có báo cáo tình hình hình hạn hán, xâm nhập mặn và hải sản chết bất thường. Theo đó, ngành nông nghiệp và thuỷ sản chịu ảnh hưởng nặng nề do hạn hán, nhiễm mặn và tình trạng hải sản chết bất thường ở các tỉnh miền Trung.

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng như Nam Trung Bộ đã có gần 23.000ha đất lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước và dự báo con số này có thể tiếp tục tăng lên 57.100 ha. Các tỉnh có diện tích thiệt hại lớn nhất là Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hoà.

Thiếu nước và hạn hán ảnh hưởng lớn đến diện tích cây công nghiệp ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ với tổng tổng diện tích lần lượt là 15.823ha và 28.000ha.

kinh-te

 

Thống kê thiệt hại của Vụ kinh tế Nông nghiệp cho thấy, tính đến hết tháng tháng 5, số hộ thiếu nước sinh hoạt là 288.259. Thiệt hại về lúa lên tới 249.944 ha, hoa màu 18.960 ha, cây ăn quả 30.522 ha, cây công nghiệp 149.704 ha, thủy sản là 6.857 ha… Ước tính hạn hán, xâm ngập mặn đã làm thiệt hại khoảng 15.183 tỷ đồng.

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long năm 2016 được đánh giá là nghiêm trọng nhất và chưa từng có trong lịch sử. Việc này đã gây thiệt hại lớn đến tài sản của người dân và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới theo đó đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2016 từ 6,5% xuống còn 6,2% trong lần công bố giữa tháng 4 vừa qua do hiện tượng này.

Tiệp Tiệp (tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn