10 sự kiện khoa học - công nghệ 'hot' nhất năm 2013

Kinh tếThứ Sáu, 13/12/2013 11:00:00 +07:00

(VTC News) - Cùng nhìn lại những điểm nhấn trong lĩnh vực khoa học công nghệ tại Việt Nam trong năm 2013.

(VTC News) - Cùng nhìn lại những điểm nhấn trong lĩnh vực khoa học công nghệ tại Việt Nam trong năm 2013.

1. VNREDSat-1: Vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam vào quỹ đạo

Lúc 9 giờ 6 phút sáng 7/5/2013, vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 đã được phóng thành công vào vũ trụ.  Đây là sự kiện khoa học công nghệ có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ Việt Nam.

VNREDSat-1
 
Vệ tinh VNREDSat – 1 cho phép Việt Nam chủ động trong việc chụp ảnh độ phân giải cao. Có thể ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như: quản lý và quy hoạch lãnh thổ; quản lý tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và theo dõi thiên tai ...

Sau 3 tháng hoạt động trên quỹ đạo, ngày 4/9 vừa qua, phía Pháp đã chính thức bàn giao cho Việt Nam vận hành khai thác vệ tinh. Đến thời điểm này, VNREDSat-1 có khả năng chụp được ảnh phân giải cao bất kỳ vị trí nào trên bề mặt Trái đất.

Dự án vệ tinh VNREDSat-1 có tổng vốn đầu tư là 55,8 triệu Euro bằng nguồn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Pháp và khoảng 65 tỷ đồng từ nguồn vốn đối ứng của Việt Nam.

2. Luật KH&CN sửa đổi được Quốc hội thông qua

Ngày 18/06/2013, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật KH&CN sửa đổi. Bộ luật này được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng đưa KH&CN thực sự phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội.

Luật KH&CN sửa đổi tập trung mạnh vào chính sách đầu tư và cơ chế tài chính; cơ chế tổ chức và hoạt động KHCN; đào tạo và trọng dụng nguồn nhân lực KHCN. Theo đó, Luật quy định sẽ chi 2% ngân sách hằng năm cho KHCN, ngoài ra những dự án quan trọng đặc biệt của quốc gia sẽ áp dụng cơ chế đầu tư đặc biệt.

KH&CN
 
Bên cạnh đó những đề tài, chương trình KHCN phải có nơi ứng dụng. Nghĩa là các đề tài KHCN được phê duyệt thì phải kiểm định được tính khả thi và địa chỉ ứng dụng. Cách làm này sẽ giúp cho việc sử dụng nguồn lực Nhà nước có hiệu quả, khắc phục tình trạng nhiều đề tài nghiên cứu xong lại không triển khai ứng dụng trong thực tế.


Trong luật KH&CN sửa đổi đã bổ sung và hoàn thiện nhiều cơ chế, chính sách mới có tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.

Cùng với Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020 và Nghị quyết 20 về KH&CN, luật KH&CN sửa đổi đã tạo thành chính sách và cơ sở pháp lý thống nhất cho sự phát triển KH&CN của Việt Nam.

3. Nghị định 72 có hiệu lực

Ngày 15/7/2013, Chính phủ đã ký quyết định để ban hành Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Nghị định này thay thế Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử.

Nghidinh72
 
Nghị định 72 quy định chi tiết về dịch vụ Internet, tài nguyên Internet; nguyên tắc quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng; quản lý việc thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; việc cung cấp dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động; việc cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử và bảo đảm an toàn thông tin và an ninh thông tin trên mạng.


Ngoài ra Nghị định cũng có các quy định về quản lý an toàn thông tin và an ninh thông tin. Quy định cụ thể quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thông tin, an ninh thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và các bộ ngành khác có liên quan; quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin công cộng trên mạng.

Chính thức có hiệu lực từ 1/9/2013, Nghị định 72 sẽ tiếp tục thúc đẩy sự phát triển Internet tại Việt Nam.

4. Triển khai Đề án Số hóa truyền hình

Năm 2013 đã đánh dấu cột mốc quan trọng của ngành truyền hình Việt Nam khi Bộ TT&TT đã chính thức triển khai Quyết định 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án là đến năm 2015 đảm bảo 80% hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 60% dân cư.

so hoa
 
Đến năm 2020, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, phủ sóng truyền hình số mặt đất để truyền dẫn các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị tới 80% dân cư.


Trong giai đoạn 1 của Đề án, 5 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ dự kiến sẽ kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất và chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2015.

Giai đoạn 2,3 và 4 sẽ tiến hành triển khai ở các tỉnh và thành phố khác. Dự kiến tới trước ngày 31/12/2020 sẽ ngừng hoàn toàn phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trên toàn quốc.

5. Um xùm tăng cước 3G

Trong những tháng cuối năm 2013, tâm điểm của dư luận đã tập chung vào sự kiện 3 nhà mạng lớn Viettel, VinaPhone và MobiFone cùng đồng loạt tăng giá cước 3G. Và đây cũng là một trong những vụ việc nổi bật nhất của ngành viễn thông trong năm nay.

3g
 
Cụ thể, bắt đầu từ ngày 16/10/2013, các dịch vụ 3G của 3 nhà mạng Viettel, VinaPhone và MobiFone đã tăng mức cước trung bình lên 20%. Trong đó những gói cước không giới hạn dung lượng đều được tăng tới 40%. Trước đó, vào tháng 4/2013, 2 nhà mạng MobiFone và Vinaphone cũng đã tăng cước gói 3G trọn gói nêu trên từ 40.000 đồng lên 50.000 đồng.


Theo các nhà mạng và cơ quan quản lý, ở đây là Bộ TT&TT, việc tăng cước 3G này là nhằm giảm lỗ cho các doanh nghiệp viễn thông khi giá của dịch vụ này hiện đang được bán dưới giá thành tới hơn 50%. Đồng thời việc tăng giá cũng gúp doanh nghiệp có thêm kinh phí để đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng 3G.

Tuy nhiên về phía người dùng cũng có nhiều ý kiến trái chiều khi cho rằng trong khi chất lượng 3G chưa được đảm bảo, thường xuyên xảy ra mất sóng, tốc độ chậm ... thì việc tăng cước là không hợp lý. Đồng thời mức tăng cước với gói không giới hạn dung lượng là quá cao, từ 50.000 đồng/tháng lên 70.000 đồng trên tháng.

Cũng từ đây dư luận đã đặt ra câu hỏi: Liệu 3 nhà mạng trên có lợi dụng vị trí thống lĩnh thị trường (chiếm tới 97% thị phần viễn thông) để bắt tay tăng giá cước 3G tại cùng một thời điểm? Vấn đề này rùm beng tới mức Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu Bộ Công thương tiến hành kiểm tra làm rõ vụ việc.

6. "Nóng" thị trường truyền hình cáp 

Trong những năm trở lại đây, chưa khi nào câu chuyện truyền hình cáp lại "nóng" như 2013. Bên cạnh sự xuất hiện của 2 cái tên mới là Viettel và FPT Telecom thì các doanh nghiệp khác như VTC, VNPT cũng chuẩn bị được cấp giấy phép trong thời gian tới.

truyenhinhcap
 
Tính đến hết tháng 8/2013, đã có 2 đơn vị mới được cấp phép triển khai dịch vụ truyền hình cáp là Viettel và FPT Telecom. Đây đều là những doanh nghiệp có nền tảng kỹ thuật tốt, cũng như khả năng tài chính dồi dào cùng kinh nghiệm kinh doanh đa dạng. Sự xuất hiện của họ hứa hẹn thị trường này sẽ ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn nữa.


Tính đến hết năm 2012, truyền hình cáp tại Việt Nam đã có khoảng 6 triệu thuê bao đang hoạt động thường xuyên, với tổng doanh thu năm 2012 là 2.5 tỷ USD. Trong đó dẫn đầu thị trường là SCTV với 40% thị phần, kế đó là VTVCab với 30% và HTVC là 15%.

Mặc dù các doanh nghiệp trên đang chiếm tới 85% thị phần nhưng với sự xuất hiện của các tân binh, nhiều khả năng thị trường truyền hình cáp sẽ phải chia lại và lượng khách hàng của các tên tuổi lâu năm trong lĩnh vực này sẽ bị giảm sút đáng kể.

7. Nguy cơ an ninh mạng tăng mạnh

Trong năm 2013, tình hình an ninh mạng tại Việt Nam đã trở nên phức tạp hơn bao giờ hết, các vụ tấn công vào người dùng cũng như doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức tăng cao. Thậm chí chiến tranh mạng tại nước ta cũng đã được xác định là nguy cơ hiển hiện.

anninhmang
 
Tính đến tháng 9/2013, đã có 2.405 website của các cơ quan, doanh nghiệp bị hacker xâm nhập trong đó chủ yếu là các hacker nước ngoài. Số trường hợp bị mã độc tấn công lên tới con số 1.428, các máy tính ở Việt Nam phát tán trung bình 3,33 tỷ thư rác/ngày, tổng thiệt hại do virus gây ra ước tính gần 8 nghìn tỷ VNĐ. Các con số này đều cao hơn hẳn so với 2012.


Thậm chí, năm 2013 cũng đã ghi nhận những hình thức tội phạm mạng cấp cao khi lợi dụng kẽ hở của dịch vụ Internet Banking đánh cắp hàng trăm triệu đồng của người dùng.

Theo cảnh báo của các cơ quan bảo mật có uy tín, hiện guy cơ chiến tranh mạng đang hiện hữu với Việt Nam. Các cuộc chiến tranh mạng không không chỉ giới hạn trong lĩnh vực an ninh, quân sự mà còn hướng tới hạ tầng thông tin quốc gia, hệ thống giao thông, điện, nước ...

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề an ninh mạng, cơ quan chuyên trách là Bộ TT&TT cũng đã có những động thái rõ ràng. Hiện Dự thảo Luật An toàn thông tin đang được Bộ TT&TT xây dựng và xin ý kiến đóng góp để có một bộ Luật mang tính khả thi cao.

Đồng thời, bắt đầu từ đầu năm 2014, Cục An toàn thông tin, đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin sẽ đi vào hoạt động. Từ đó sẽ có sự thống nhất về các bộ phận chuyên trách an toàn thông tin từ trung ương đến địa phương.

8. Vệ tinh siêu nhỏ do Việt Nam chế tạo đi vào vũ trụ

Vào lúc 19h17 ngày 19/11/2013 (giờ Việt Nam), vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon do Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) đã được đẩy ra từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Chỉ 4 giờ sau, những tín hiệu đầu tiên đã được thu nhận thành công bởi các trạm mặt đất tại Nhật Bản.

Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu Việt Nam bước đầu làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh siêu nhỏ. Pico Dragon cũng là vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo hoạt động thành công trên không gian. 
Vệ tinh Pico Dragon có kích thước 10 x 10 x 11,35 cm, khối lượng 1 kg, là sản phẩm được phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ thuộc VNSC.

PicoDragon
 
Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam. Nhiệm vụ của vệ tinh này là chụp ảnh Trái Đất, đo đạc một số thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ bởi các cảm biến gắn trên vệ tinh và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất.


Dự kiến, sau Pico Dragon, VNSC sẽ tiếp tục thiết kế, sản xuất vệ tinh Nano, nặng khoảng 10kg, hoàn thành vào năm 2016.  Tiếp đó là vệ tinh Micro nặng 50kg sẽ xong vào năm 2018 và đến năm 2020 sẽ hoàn thiện vệ tinh nhỏ (small) có trọng lượng 500kg.

9. Tổ chức thành công ICT Summit 2013

Vào cuối tháng 6/2013 vừa qua, diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) đã diễn ra thành công với sự xuất hiện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama trong vai trò khách mời đặc biệt.

 ICT Summit 2013
 
ICT Summit 2013 có nội dung tập trung về tầm nhìn, xu thế, chiến lược và các giải pháp đưa CNTT trở thành một nền tảng của phương thức phát triển mới, góp phần nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, các ngành, các địa phương.


Trong phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định CNTT là trục kết nối chính và là một yếu tố có ảnh hưởng quyết định góp phần thực hiện thành công hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng đồng bộ gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Đồng thời Thủ tướng cũng yêu cầu các các Bộ, ngành, địa phương, và cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng triển khai 7 nội dung, nhiệm vụ giải pháp quan trọng để CNTT thực sự trở thành nền tảng của phương thức phát triển mới.

10. Báo điện tử "gồng mình" trước tấn công DDoS

Trong những năm gần đây, những vụ tấn công tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) nhằm vào các báo điện tử lớn của Việt Nam đang có chiều hướng ngày một gia tăng về số lượng cũng như cường độ tấn công. Có thể kể đến hàng loạt những cái tên đã là nạn nhân trong năm nay như: Dantri, Vietnamnet, Tuổi Trẻ, Tamnhin ...

Các vụ tấn công DDoS trên tập trung vào giai đoạn từ cuối tháng 6 đến gần hết tháng 7/2013. Với nhiều phương thức tấn công khác nhau, đặc biệt đối tượng cầm đầu đã huy động máy chủ các nước khác nhau để tạo các mạng lưới botnet tấn công từ nước khác vào Việt Nam.

DDos
 
Trong thời điểm bị tấn công, việc truy cập các báo điện tử là vô cùng khó khăn, có thời điểm không thể truy cập được. Thậm chí, báo điện tử Dantri còn thừa nhận đây là đợt tấn công lớn nhất từ trước tới nay vào tờ báo này, có những lúc số lượng truy cập tăng gấp 100 lần so với trước đó.


Theo các chuyên gia an ninh mạng, báo điện tử đang được hacker đem ra làm vật thử nghiệm các phương thức tấn công nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trên diện rộng nếu các tin tặc chuyển hướng tấn công vào các trang web hoặc hệ thống cung cấp dịch vụ trên mạng khác.

Hà Thanh

Bình luận
vtcnews.vn