GDP cao nhất trong 10 năm, đạt 7,08%

Kinh tếThứ Năm, 27/12/2018 14:57:00 +07:00

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết GDP năm nay đạt 7,08%, mức tăng cao nhất kể từ 2008, trong khi lạm phát cũng đạt mục tiêu Quốc hội đề ra là dưới 4%.

Chiều 27/12, Tổng cục Thống kê đã họp báo công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2018. Theo ông Nguyễn Bích Lâm, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2018 tăng 7,08%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ năm 2008.

Riêng quý IV/2018 tăng 7,31% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, khu vực dịch vụ tăng 7,03%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012 - 2018. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, cao nhất giai đoạn 2012-2018.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 2018 duy trì mức tăng trưởng khá với 8,79%. Tuy nhiên, ngành công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 3,11%). Ngành xây dựng duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 9,16%.

Khu vực dịch vụ năm 2018 tăng 7,03%, tuy thấp hơn mức tăng 7,44% của năm trước nhưng cao hơn so với các năm 2012-2016.

gdp

Ảnh: VNE 

Vẫn theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 5,54 triệu tỷ đồng. GDP bình quân đầu người ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017. 

Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,6% GDP, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,3%, khu vực dịch vụ chiếm 41,2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,98% (cơ cấu tương ứng của năm 2017 là: 15,34%; 33,40%; 41,26%; 10,0%).

Đáng chú ý, theo Tổng cục Thống kê, chất lượng tăng trưởng kinh tế được cải thiện. Năm 2018, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,5%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 43,3%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,6% của giai đoạn 2011-2015.

Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động, tăng 346 USD so với năm 2017).

Năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%.

Bên cạnh đó, còn có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165.000 doanh nghiệp.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 là 1,12 triệu người, giảm 4,7% so với năm trước.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 là 90.700 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với năm trước. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2018 là 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7% so với năm trước.

CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 244,72 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu là 237,51 tỷ USD. Như vậy, cả nước xuất siêu khoảng 7,2 tỷ USD.

Về lạm phát, theo ông Lâm, CPI tháng 12/2018 giảm 0,25% so với tháng trước. CPI bình quân năm 2018 tăng 3,54%, đạt mục tiêu dưới 4% Quốc hội giao.

Giá một số mặt hàng chủ yếu trong rổ hàng hoá (xăng dầu, giá gas, giá thịt lợn) đồng loạt giảm trong tháng 12 đã giúp CPI tháng này tăng trưởng âm. Giá xăng trong nước giảm 1.830 đồng với RON 95; xăng E5RON92 giảm 1.840 đồng một lít; dầu diesel cũng giảm 1.630 đồng một lít...

2 năm thu nhập bình quân đầu người tăng gần 700.000 đồng

Cũng tại buổi họp báo chiều nay, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, ngoài mức tăng trưởng GDP đạt 7,08%, là mức cao nhất trong 10 năm qua thì, đời sống dân cư năm nay nhìn chung được cải thiện, khi thu nhập bình quân một người/tháng năm 2018 ước đạt 3,76 triệu đồng, tăng 660 nghìn đồng so với năm 2016. Như vậy, bình quân giai đoạn 2016 – 2018 tăng 10,2%.

Tình trạng thiếu đói trong nông dân cũng giảm mạnh so với năm ngoái. Cụ thể, năm 2018 cả nước có 105.000 lượt hộ thiếu đói, giảm 42,1%, tương ứng với 420 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 43,7%.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn