Việt Nam nói gì với thế giới về kinh nghiệm cấp cứu tai nạn giao thông?

Sức khỏeThứ Năm, 12/10/2017 16:41:00 +07:00

Tai nạn giao thông (TNGT) đang là một vấn nạn cho nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho gần 1.000 người mỗi ngày tại khu vực. Độ tuổi chủ yếu của nạn nhân TNGT là từ 10 - 49 tuổi.

Sự nguy hiểm và cấp thiết của vấn nạn này là điều không thể làm ngơ, việc phòng chống và cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ; đồng thời cũng là một chủ đề đầy thách thức đối với Bộ Y tế của tất cả các nước.

anh 1

 Việt Nam cùng với Australia, Trung Quốc và Fiji chia sẻ kinh nghiệm về Y tế trong cấp cứu tai nạn giao thông 

Tại kỳ họp 68 của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam cùng với Australia, Trung Quốc và Fiji được chọn là những quốc gia nhiều kinh nghiệm trong tổ chức cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ. Vì thế, Việt Nam cùng đại diện 3 nước nói trên cũng được chọn làm chủ trì Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ kỳ này.

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình trong cấp cứu, cứu người tai nạn giao thông, đại diện Việt Nam cho biết: Một trong những kinh nghiệm quan trọng của Việt Nam trong vấn đề này đó là sự quan tâm, chỉ đạo đồng bộ từ Chính phủ, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành liên quan.

Việt Nam đã thành lập Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia mà trong đó Bộ Y tế là một thành viên, do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ làm Chủ tịch.  

Trong ủy ban này, trách nhiệm của Bộ Y tế là cấp cứu và xử trí sau tai nạn giao thông. Bộ Y tế Việt Nam đã đề xuất với Chính phủ xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia về An toàn giao thông; củng cố hệ thống cấp cứu và  xây dựng Đề án cấp cứu an toàn giao thông trên đường cao tốc của Việt Nam đem lại hiệu quả cao trong việc cấp cứu, cứu người khi tai nạn xảy ra.

IMG-f088301c14afefa23355f1a7d743a97f-V 3

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục Trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đại diện cho Việt Nam phát biểu tại hội thảo 

Không chỉ vậy, Việt Nam còn tích cực triển khai tổ chức các khóa tập huấn cấp cứu ban đầu cho các đối tượng tham gia giao thông như cảnh sát giao thông, lái xe, người đang học lái xe; phối hợp với các tổ chức, Hội Chữ thập đỏ triển khai hệ thống cấp cứu ban đầu tại các trạm y tế và các cơ sở Chữ thập đỏ…

Việt Nam cũng sử dụng các số liệu hệ thống từ các bệnh viện về thương tích tai nạn giao thông làm căn cứ đánh giá và đề xuất các can thiệp trong cộng đồng cũng như các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức tập huấn, giúp người tham gia giao thông để có kiến thức sơ cấp cứu ban đầu và đặc biệt củng cố hệ thống cấp cứu ban đầu trên toàn quốc.

Video: Vượt ẩu lấn làn, ô tô tông người đi xe máy lên nóc capo

             

Nguyên Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn