Kinh hoàng chuyện tự chặt tay ở làng nuôi rắn chúa

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 08/07/2011 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Trong khoảnh khắc sinh tử, anh vớ con dao… Ngón tay trỏ đứt lìa. Ngón tay ấy, anh cho vào bình rượu ngâm, thi thoảng lôi ra ngắm chơi!

(VTC News) - Trong khoảnh khắc sinh tử, anh vớ con dao… Ngón tay trỏ đứt lìa, máu tuôn xối xả. Ngón tay ấy, anh cho vào bình rượu ngâm, thi thoảng lôi ra ngắm chơi!

Góa bụa, mồ côi vì “chăn nuôi con đặc sản”

Nếu nói về nghề nuôi rắn, thì chắc chắn không chỉ có Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội). Làng Lệ Mật bên Gia Lâm, hay Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc cũng nổi tiếng với nghề này từ hàng chục năm nay. Thế nhưng, có lẽ Phụng Thượng là nơi duy nhất chỉ nuôi rắn hổ chúa – loại rắn cực độc, chỉ một cú mổ cũng đủ làm chết một người lớn trong vòng vài phút. Những loại rắn khác như hổ phì đen, phì trắng – loại ít độc hơn, chỉ là nuôi phụ.

Chuồng nuôi rắn chúa ở Phụng Thượng. 

Gần chục năm trước, khắp mấy thôn Đông, Tây, Nam, Bắc của Phụng Thượng rộ lên phong trào nuôi rắn chúa. Nhà nhà nuôi rắn. Có nhà xây đến hàng trăm chuồng. Mỗi con rắn chúa khi xuất chuồng có giá 2-3 triệu đồng/kg. Có con nặng đến 17kg, bán đi mua được cái xe máy đắt tiền. Chính nhờ “chăn nuôi con đặc sản” (người Phụng Thượng “kiêng” nói toạc ra là nuôi rắn chúa) mà đời sống người dân khá lên rất nhiều, nhà 2-3 tầng bề thế mọc lên như nấm, xe máy xịn đi đầy đường.

Thế nhưng, đúng như người ta nói, cái gì cũng có giá của nó. Và cái giá của nghề nuôi rắn “siêu lợi nhuận” này, nhiều khi là quá đắt. Từ khi Phụng Thượng bắt đầu nuôi rắn, chẳng ai thống kê được đã có bao nhiêu người chết vì bị rắn cắn, chỉ biết bây giờ, số phụ nữ góa bụa vì lý do này cũng đến ba bốn chục người. Khắp làng xã lưu truyền những câu chuyện rùng rợn và đau lòng về những tai nạn của nghề nuôi rắn.

Rắn hổ phì đen, loại kém độc hơn rắn chúa, là con “đặc sản phụ” bên cạnh rắn chúa ở Phụng Thượng. 

Anh Kh., một người đầy kinh nghiệm với hơn 10 năm nuôi rắn trong một lần cho rắn ăn, đã sơ ý không chốt chặt cửa chuồng. Con rắn gần chục ký phi thân đớp thẳng vào mặt gia chủ rồi… chui vào gầm giường trốn. 15 phút sau, anh lìa đời.

Nghe nói con rắn chúa nhà ông bác sắp đến thời kỳ xuất chuồng lăn ra ốm, anh T. (thôn Nam) xông xáo đến xem giúp. Chẳng ngờ nó dữ quá, mổ vào cánh tay anh. Vết cắn sâu, anh biết mình khó qua khỏi, liền lên xe chạy về nhà. Vừa về đến sân thì anh ngã lăn ra đất, ngất lịm. Chất độc đã ngấm lên não và không cứu được nữa.

Ông Lượng ở thôn Đông đã nuôi rắn 8 năm cho hay, những người nuôi rắn chúa luôn ý thức được sự nguy hiểm của nghề và luôn nhắc mình phải cẩn thận. Chỉ một sơ ý nhỏ cũng phải trả giá bằng tính mạng. Theo ông, thời điểm dễ gặp tai nạn nhất là khi chọn rắn giống, phải dùng tay chọn như chọn gà chọn vịt, nên dễ bị các chú rắn con mổ. Nói là rắn con nhưng cũng đã to hơn ngón chân cái, vẫn cắn chết người như thường!

 

Thời điểm rắn ốm, hoặc chuẩn bị xuất chuồng chúng cũng rất hung dữ, nhưng lại không chịu ăn. Thế là người nuôi phải thò tay vào bắt chúng ra, rồi nhét thức ăn vào miệng chúng. Quá trình cho ăn kiểu này, cũng rất dễ gặp nạn.

Nhưng kinh hoàng hơn lại là những người bị rắn cắn mà không chết. Khắp xã Phụng Thượng vẫn còn bàng hoàng với trường hợp của anh Trần Văn Minh, SN 1967, ở cụm 4, ngõ Dài, thuộc thôn Đông.

Gần 10 năm trước, trong một lần đi chọn rắn giống, anh bị rắn cắn vào đầu ngón tay. Người ta đưa cho anh 2 lạng thuốc lào bảo… ăn hết. Về nhà, mẹ anh là bà Quý tra hỏi mãi anh mới chịu nói. Độc rắn ngấm dần, anh được đưa đi chữa. Ông thầy lang rạch nát cánh tay anh cho máu độc chảy ra, nhưng người anh cứ tím tái dần. Cả làng xúm lại, đưa anh đi bệnh viện Bạch Mai.

Anh Minh bận đi bán bóng bay, bà Nguyễn Thị Quý, mẹ anh Minh kể lại câu chuyện kinh hoàng 10 năm về trước. 

Bà Quý nhớ lại, hôm đó, máu từ cánh tay anh Minh chảy ra ướt đẫm cả tấm chăn bông, hơn chục người làng chạy theo sẵn sàng cho máu. Tại bệnh viện, các bác sĩ phải gỡ da đùi của anh đắp lên cánh tay. Thận hỏng, gan hỏng, tim yếu. Bà Quý khi ấy đã xin bác sĩ hiến cho con trai 1 quả thận. Phải 3 tháng sau anh mới tỉnh. Người làng đùa bảo, anh vừa đi du lịch dưới âm phủ về. Từ đó, anh bỏ nghề nuôi rắn, chuyển sang buôn… bóng bay.

Cũng mới đây, anh Th. ở thôn Tây bị con rắn chúa khổng lồ 15kg đớp vào tay. Rắn chuẩn bị xuất chuồng rất dữ và lượng độc nhiều hơn bình thường. Trong khoảnh khắc sinh tử, sống chết cận kề, anh vớ lấy con dao… Ngón tay trỏ đứt lìa, máu tuôn xối xả. Tất nhiên là sau đó, anh cũng bán xới, không rắn rết gì nữa. Còn ngón tay ấy, ban đầu anh ngâm cồn để giữ làm kỷ niệm, sau nghe người ta xui khiến thế nào, anh cho vào… bình rượu ngâm, thi thoảng đem ra ngắm chơi!

Những trường hợp rắn to đội nắp chuồng, bò vào nhà không phải là hiếm. Nghe kể, nhà anh Đỗ Thế Thọ có con rắn chúa 7kg đang đêm bò vào nhà. Hai vợ chồng nhìn thấy nó trườn qua người đứa con trai 3 tuổi mà đứng tim. Lúc đó, chỉ cần thằng bé khẽ cựa mình là lãnh trọn cú đớp của nó rồi. Cũng may, đứa bé ngủ say, không hay biết gì, và con rắn điềm nhiên chui xuống gầm giường nằm… cho mát.

Người đàn ông bỗng chốc hóa tâm thần!

Trong bóng chiều nhập nhoạng, ông Tĩnh, người thôn Đông ngồi ví von bằng một giọng xa xăm buồn khổ: “Làm cái nghề nuôi rắn chúa, giống như đánh bạc. Được ăn cả ngã về không, mà cái để mang ra đánh đổi là chính cái mạng mình”.

Người Phụng Thượng thuộc làu làu: “Rắn hổ chúa là động vật quý hiếm, thuộc nhóm IB Sách đỏ, cấm nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán…”. Bây giờ, nhiều nhà không còn nuôi rắn nữa.

 

Ông Dương Văn Lâm cười bảo: “Giờ có của ăn của để nên người ta sợ chết!”. Cũng có lần người làng bị công an bắt khi đang vận chuyển rắn giống, rắn thịt, phạt rất nặng. Nhìn ngôi làng giàu có sung túc, trong khi ruộng ít, nghề phụ không có, chúng tôi dễ dàng đoán biết, họ vẫn đang sống nhờ vào con rắn chúa – dù không ai dám thừa nhận mình vẫn đang nuôi.

Đi cả ngày trời, mãi đến tối mịt, tôi mới năn nỉ được ông Dương Quang cho xem chuồng nuôi rắn. Ông dũng cảm thừa nhận với tôi là nhà ông vẫn đang có mấy chuồng rắn hổ chúa. Tôi vừa lôi máy ảnh ra thì bỗng đâu có mấy người đàn bà sồn sồn chạy đến quát ầm ĩ: “Cái ông điên này, rắn rết ở đâu, ông im đi, muốn chết à…” Mấy người to béo còn lại lôi ông xềnh xệch ra ngoài. Ông cứ nhìn tôi một cách… tuyệt vọng đến là tội nghiệp.

Trong lúc tôi đang không biết làm gì thì một người đàn bà quay sang “xử lý” tôi: “Cái nhà cô này, không có quay phim chụp ảnh gì hết, ông nhà tôi bị tâm thần đấy, bị điên đấy, bị chập mạch đấy. Nhà tôi làm ăn lương thiện, buôn bán bình thường chứ không có rắn rết gì cả!”. Nói rồi bà ta cướp bút và sổ của tôi ném xuống nền nhà.

 

Thì ra là bà vợ ông Quang. Bà ta quát tôi mà mặt tái xanh tái xám, nước mắt trực trào ra. Bà nghĩ tôi là công an đang hoạt động bí mật để bắt vợ chồng bà! Nếu thế thì nhà bà sẽ trắng tay, nợ nần chồng chất. Bao nhiêu vốn liếng dồn hết vào mấy chuồng nuôi rắn này. Và thế là, người đàn ông hoạt bát, nhanh nhẹn vừa nói chuyện với tôi bỗng chốc hóa… tâm thần!

Tôi cứ băn khoăn với câu hỏi, tại sao nuôi rắn chúa nguy hiểm như thế, đổi cả mạng người mà họ vẫn phải kiên quyết bám nghề? Ông Hoàng Văn Lan, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng cho hay: “Bây giờ, không phải nhà nào cũng nuôi rắn như ngày trước nữa, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều. Biết là nguy hiểm đến tính mạng, biết là sai nhưng không cấm được. Cấm rồi, bắt rồi thì họ lấy gì mà sống?”.

Và thế là, nông dân Phụng Thượng vẫn phải đặt mạng mình vào canh bạc cuộc đời. Tôi nhớ câu nói của một bạn đồng nghiệp: “Từ xưa đến giờ đi xe chưa đâm vào ai, nhưng không có nghĩa là tý nữa sẽ không đâm vào ai”. Phải rồi, chưa thua bạc bao giờ, nhưng không có nghĩa là ngày mai anh không thua bạc!

 Rắn hổ chúa, tên khoa học là Ophiophagus hannah, là loài rắn cực độc. Nọc độc của nó phá hủy hệ thần kinh, khiến một người cao lớn sẽ chết sau chục phút bị cắn. Tuy vậy, rắn hổ chúa lại có tác dụng làm thuốc, và là thức ăn bổ dưỡng, nên được ráo riết săn lùng. Giá bán hiện nay trên thị trường lên đến 2-3 triệu đồng/kg.

Mai Hoa


Bình luận
vtcnews.vn