Kinh doanh lao dốc, Vinasun chi 47 tỷ đồng cổ tức

Kinh tếThứ Hai, 20/11/2017 12:45:00 +07:00

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã CK: VNS) vừa thông qua nghị quyết về việc thanh toán cổ tức đợt 1 năm nay bằng tiền mặt, dự kiến thực hiện vào cuối tháng 12.

Tỷ lệ thực hiện đợt này là 7% trên mệnh giá, tức mỗi cổ phiếu được nhận 700 đồng. Ước tính Vinasun phải chi 47,5 tỷ đồng để trả cổ tức cho hơn gần 68 triệu cổ phiếu đang lưu hành.

Theo đó, Vinasun đặt kế hoạch chia cổ tức năm nay là 15% vốn điều lệ - mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Lý do là bởi, kết quả kinh doanh của công ty này bị ảnh hưởng nghiêm trọng thời gian qua do việc cạnh tranh thị phần khốc liệt với Uber và Grab tại thị trường T.PHCM cùng các yếu tố bất lợi khác như sức mua trong nước chưa phục hồi, giá xăng dầu tăng mạnh, chi phí nhân viên tăng theo lương tối thiểu cùng hàng loạt khoản phát sinh khấu hao, lãi vay…

vinasun-banner3-1493435423010-crop-1493435430638-1493437210438

Lãnh đạo Vinasun cho biết, việc cắt giảm cổ tức nhằm mục đích chuẩn bị nguồn tiền dự phòng ổn định trong giai đoạn công ty tái cấu trúc toàn diện và đầu tư mạnh tay cho phát triển công nghệ.

Theo kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2017, hầu hết chỉ tiêu kinh doanh của doanh nghiệp này đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần của VNS đạt 547 tỷ đồng, giảm gần 54% so cùng kỳ năm trước (1.184 tỷ đồng). Lũy kế, doanh thu thuần đạt gần 2.451 tỷ đồng, giảm 29% so cùng kỳ (3.441 tỷ đồng); Lợi nhuận sau thuế quý 3 giảm 50% so với cùng kỳ đạt gần 47 tỷ và lũy kế 9 tháng giảm 39% xuống còn mức 148 tỷ đồng.

Dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi vẫn là mảng kinh doanh đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu, nhưng có dấu hiệu “lao dốc không phanh” khi giảm xấp xỉ 1.500 tỷ đồng về giá trị và 21% về tỷ trọng.

Nhằm bù đắp tổn thất của nguồn thu chủ lực, công ty đang tích cực đẩy mạnh dịch vụ vận tải theo hợp đồng và nhượng quyền thương mại nên ghi nhận doanh thu từ đây tăng gấp 8 lần cùng kỳ, lên trên 550 tỷ đồng.

Trước đó, công ty này đã nêu ra những khó khăn hiện tại của các công ty taxi truyền thống nói chung và doanh nghiệp của mình nói riêng là vừa phải đầu tư phát triển khoa học công nghệ, vừa chịu sự ràng buộc chặt chẽ theo quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải. Taxi truyền thống hoạt động phải đáp ứng tối thiểu 13 điều kiện như kiểm định đồng hồ tính tiền, đầu tư máy in, thiết bị định vị….

Trong khi đó, theo quan điểm của Vinasun, Uber và Grab liên tục thực hiện các chương trình khuyến mãi tuỳ tiện, không đăng ký và được sự cho phép của cơ quan quản lý, núp dưới danh nghĩa hợp đồng điện tử để né tránh các nghĩa vụ về thuế và không chịu bất kỳ chi phí phát sinh nào. 

Sự cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp mới như Uber, Grab khiến cho kết quả kinh doanh của Vinasun lao dốc dữ dội. Từ đầu năm đến nay, tổng số nhân viên nghỉ việc hoặc chuyển sang hoạt động theo mô hình nhượng quyền thương mại (không được xem là người lao động trực tiếp của Vinasun) xấp xỉ 10.000 người.

"Việc cho phép Uber và Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam với nhiều chính sách ưu đãi, không chịu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng khiến sự cạnh tranh thị phần ngày càng khốc liệt, nhiều doanh nghiệp vận tải đứng trước bờ vực phá sản", Vinasun tuyên bố.

Video: Lo đấu đá với Uber, Grab, Vinasun trượt dài thị phần từ vận tải đến chứng khoán

Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên, ban lãnh đạo Vinasun cho biết, việc cắt giảm cổ tức nhằm mục đích chuẩn bị nguồn tiền dự phòng ổn định trong giai đoạn công ty tái cấu trúc toàn diện và đầu tư mạnh tay cho phát triển công nghệ.

Hiện tại, Vinasun đang dự định phát triển thêm dịch vụ gọi xe ôm trực tuyến để thu hút khách hàng, đồng thời ra mắt loạt tính năng đặt xe qua Facebook, tính sẵn cước giá tương tự như hình thức kinh doanh của Uber và Grab, mở rộng thị trường tỉnh. Mới đây nhất, doanh nghiệp này đã chi gần 27 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng tài sản và quyền khai thác kinh doanh thương hiệu taxi Vinasa tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ và An Giang.

Quỳnh Chi
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn