Kinh doanh gì ngày Tết để 'hốt bạc' nhanh nhất?

Kinh tếThứ Hai, 01/02/2016 06:45:00 +07:00

Những ngày áp Tết, nhiều người tận dụng để bán các sản phẩm như trái cây sạch, bánh chưng tự gói, giò tự làm, thực phẩm quê...kiếm thêm tiền tiêu Tết

(VTC News) - Những ngày áp Tết, nhiều người bán các sản phẩm như trái cây sạch, bánh chưng tự gói, giò tự làm, thực phẩm quê...rất đắt khách.

Với sức mua tăng hơn ngày thường, dân văn phòng tranh thủ ngày sát Tết để bán các thực phẩm, trái cây, mứt...tự làm hoặc hàng quê chính gốc. Nếu chuẩn bị nguồn hàng tốt, chất lượng đảm bảo, có cách quảng bá rộng rãi trên mạng xã hội...bạn hoàn toàn có thể kiếm "bộn tiền".

1. Trái cây
Hiện nay, tâm lý các bà nội trợ thích mua hoa quả tươi, ngon, sạch, giá phù hợp túi tiền. Cho nên dịp cận Tết như hiện nay, không ít chị em tận dụng nguồn hàng trái cây như cam, bưởi, nho, na, chuối...tại quê nhà để bán cho khách hàng. Với việc mua tận vườn hoặc của nhà trồng sẽ giúp giảm bớt giá cả trung gian nên mức giá đến tay khách hàng có thể rẻ hơn từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg. 
 
Chỉ cần đăng tải lên Facebook kèm mức giá, bạn hoàn toàn có thể bán rất nhanh chóng. Tuy nhiên, để giữ uy tín với khách, phải chọn được trái cây đảm bảo chất lượng, không sâu thối, không chất bảo quản, không phải hàng trôi nổi.
2. Bán hoa Tết
Bán hoa Tết không phải mới nhưng đây là mặt hàng luôn được các gia đình ưa chuộng dịp Tết. Thông thường, hoa ly và hoa cúc được rao bán nhiều nhất dịp Tết. Để đảm bảo uy tín với khách, bạn phải chuẩn bị nguồn hàng sớm để đảm bảo theo yêu cầu, giao hàng không chậm trễ.

Thời điểm bắt đầu bán hợp lý nhất từ 22 Âm Lịch vì đây là lúc các gia đình bắt đầu chuẩn bị cho ngày ông Công, ông Táo và tranh thủ sắm Tết sớm.

Mặt khác, khi kinh doanh hoa Tết cũng phải bổ sung kiến thức giữ hoa tươi để các cành hoa không bị tàn, nở sớm.

3. Trâu khô, bò khô, lạp xưởng
Đây đều là những món ăn được các gia đình chuẩn bị để đãi khách dịp đầu năm. Ngoài ra, những món ăn này còn phù hợp với các bữa tiệc nhỏ, uống chén rượu nhạt đầu xuân của cánh đàn ông.

Nếu quê của bạn ở các vùng núi có truyền thống làm trâu khô, bò khô gác bếp hay lạp xưởng sạch...đừng ngại rao bán để kiếm thêm thu nhập.

Chỉ cần nhờ đến các diễn đàn, các nhóm trên Facebook, nhờ bạn bè chia sẻ thêm...chắc chắn sẽ có nhiều người đặt mua. 
 
4. Gà Tết, thịt lợn sạch

Sau hàng loạt vụ thực phẩm bị cơ quan chức năng phát hiện, bà nội trợ kỹ tính hơn trong việc chọn đồ ăn thức uống hàng ngày. Đặc biệt, dịp Tết khi lượng tiêu thụ thịt gà, lợn nhiều nên có thể nhập gà quê, thịt lợn sạch để cung ứng cho các bà nội trợ cần mua.
Mặc dù, hiện nay, hàng hóa phong phú, các gia đình có nhiều lựa chọn nhưng thịt gà và thịt lợn vẫn không thể thiếu được trong các căn bếp của mỗi gia đình. Người bán phải chọn lựa gà thật kỹ càng, mua lợn đảm bảo chất lượng, nuôi bằng các loại rau, cám an toàn.

5. Bánh kẹo, các loại hạt nhập ngoại
Với đời sống ngày càng nâng cao, các gia đình khá giả thường chịu chi một khoản tiên không nhỏ mua những loại bánh, hạt ngoại nhập như socola, bánh quy, hạt mắc ca, hạt óc chó...Cho nên, chị em thích kinh doanh có thể nhập các sản phẩm này hoặc nhờ người xách tay về để bán. Sau khi nhận các đơn hàng, bạn order theo số lượng nhập về để tránh bị tồn lại đến sau Tết.
6. Bánh chưng tự gói, giò tự làm
Bánh chưng, giò không thể thiếu trong bất cứ mâm cỗ nào ngày Tết. Nhiều người rất bận rộn không có thời gian gói bánh, chế biến giò...nên thường lặn lội tìm mua ở những nơi bán đảm bảo chất lượng.

Nếu có thể tự gói hoặc liên hệ được nơi bán đảm bảo, ban có thể nhập để bán theo số lượng khách hàng đặt trước. Tuy nhiên, để giữ uy tín phải lưu ý chọn nơi gói bánh đảm bảo, không bị ôi thiu, giò phải không có hàn the vượt ngưỡng quy định.
 
7. Bán đào
Nếu như đào Nhật Tân được trồng thành vườn thì hiện nay có nhiều gia đình vẫn trồng 1-2 cây đào phai riêng lẻ. Ngoài cành để trang trí nhà cửa, phần còn lại có thể bán cho ai có nhu cầu mua. Nếu gia đình trồng đào phai, bạn có thể chia thành 4-5 cành/cây để bán. Tiền lãi từ mỗi cành đủ để mua một số loại hạt ăn trong dịp Tết hoặc mua một cành bích đào nho nhỏ cho gia đình.

8. Bán gạo
Gạo có khắp nơi, phổ biến nhưng nhiều bà nội trợ hiện nay khá kỹ tính lựa chọn loại gạo cho bữa cơm hàng ngày cũng như 3 ngày Tết.

Nếu quê của bạn có nguồn cung cấp gạo thơm, ngon, dẻo hạt, dễ ăn có thể quảng cáo qua Facebook, các diễn đàn...để rao bán.

Ban đầu bán thử nghiệm 2-3kg, sau đó số lượng khách tăng lên sẽ bán nhiều hơn. Bán gạo thoải mái ở chỗ, bạn không phải lo tình trạng ôi thiu như các loại thực phẩm khác. 
9. Mứt Tết
Nỗi lo về mứt bẩn, mứt trôi nổi vẫn luôn thường trực trong suy nghĩ của các gia đình. Cho nên, trong những năm gần đây, không ít chi em tự tay làm mứt Tết từ dừa, bí đao, vỏ cam, cà rốt...cho gia đình.

Ngoài ra, một số người còn tự làm để bán cho những khách hàng có nhu cầu. Đây là những loại mứt đảm bảo, nếu có màu sắc xanh, hồng...cũng đều làm từ nước ép của các loại lá, không dùng phẩm màu nên rất yên tâm. Cho nên, bạn có thể tự sên mứt để bán dịp Tết, với mức giá cao hơn một chút so với thị trường do công phu, nhưng chắc chắn vẫn có người tìm mua.
10. Trà, cà phê
Đây là hai loại đồ uống rất được ưa chuộng dịp Tết. Cũng như bán các mặt hàng khác, khi bán trà hay cà phê, bạn phải tìm được nguồn hàng đảm bảo, trà thơm, ngon, cà phê chất lượng tốt và an toàn. Bạn cần từ 1-1,5 tháng trước Tết để tìm nguồn hàng, sau đó chia sẻ trên mạng xã hội để nhiều người cùng biết. Trước khi bán cho khách, bạn nên tự pha một tách trà, ly cà phê uống thử để tự đánh giá chất lượng.


Nghi Dung (tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn