Kim cương trong kho chứa bí mật của Nga biến mất bí ẩn

Thế giớiChủ Nhật, 30/08/2015 12:11:00 +07:00

Kim cương trong kho chứa bí mật của Nga biến mất bí ẩn, riêng một số viên đá kích thước lớn được bảo hiểm ít nhất nửa triệu USD bốc hơi không tung tích.

Truyền thông Nga đưa tin một lượng lớn kim cương thô trị giá hàng triệu USD mới đây bỗng biến mất khỏi một kho chứa tuyệt mật. Ai có khả năng làm điều này?

Báo Kommersant của Nga cho biết số kim cương bị mất thuộc về Công ty cổ phần khai thác kim cương Severalmaz.
Tổng thống Vladimir Putin (thứ hai từ phải) trong một lần ghé thăm kho chứa vàng ở Matxcơva - Ảnh: AFP
Tổng thống Vladimir Putin (thứ hai từ phải) trong một lần ghé thăm kho chứa vàng ở Matxcơva - Ảnh: AFP 
Đại diện công ty này khẳng định đã ký gửi khoảng 150.000 cara kim cương thô vào Quỹ kim loại và đá quý quốc gia (Gokhran) trực thuộc Bộ Tài chính Nga để thực hiện quy trình phân loại bắt buộc.
Đến khi nhận lại, Severalmaz phát hiện một phần số kim cương này đã bị đánh tráo bằng hàng kém phẩm chất, riêng một số viên đá kích thước lớn được bảo hiểm ít nhất nửa triệu USD bốc hơi không tung tích.
Có thể khởi tố
Công ty Severalmaz phát hiện khối lượng số kim cương nhận lại từ Gokhran hồi tháng 6 không thay đổi so với trước khi kiểm tra kỹ thuật, nhưng những viên to và quý nhất đã bị đánh tráo bằng những viên kém giá trị hơn.
Có bốn viên kim cương “mất tích” được bảo hiểm tới nửa triệu USD, tức giá thị trường có thể lên đến vài triệu.
Chuyên gia Sergei Goryainov của Công ty Rough & Polished - chuyên phân tích và tư vấn về thị trường kim cương và nữ trang tại Nga - nhận định nếu khả năng đánh tráo kim cương ở Gokhran được xác định, vụ án sẽ được khởi tố.
“Đây sẽ là đòn giáng chưa từng có vào uy tín của Gokhran. Trước nay hệ thống kiểm sát nhà nước của Nga trong giao thương kim cương nguyên liệu được xem là chuẩn mực của thế giới. Nó có thể theo dõi bất kỳ viên đá nào kể từ lúc mới khai thác cho đến công đoạn hoàn thiện” - ông Goryainov bình luận.
Ở Nga, kim cương từ lâu được xem như một loại hàng hóa có giá trị dự trữ tương đương vàng, dù trên thế giới người ta thường dùng nó như nguyên liệu trang sức.
Chức năng phân loại và xử lý kim cương nguyên liệu được giao cho Gokhran từ thập niên 1950, khi đó Liên Xô bắt đầu tăng cường khai thác các mỏ kim cương ở vùng Yakuts. Hiện tại, đây là một dịch vụ Gokhran cung cấp cho các đối tác trên thị trường.
Một ủy ban của Gokhran và Bộ Tài chính Nga hiện đang điều tra vụ việc. Nếu là sự thật, đây sẽ là đòn giáng mạnh vào uy tín của một cơ quan lâu đời và bí mật nhất nước Nga.
Kho tàng bí mật
Gokhran được thành lập vào năm 1920 theo quyết định của Hội đồng dân ủy Liên bang Xô viết (tên gọi Chính phủ Liên Xô giai đoạn 1917-1946). 
Trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng 10, Gokhran là nơi cất giữ của cải, châu báu của dòng họ Romanov - hoàng tộc cuối cùng của Nga, cùng nhiều tài sản giá trị từ khắp nơi trên cả nước.
Mọi thông tin về hoạt động của Gokhran từ đó đến nay luôn được xếp vào dạng tuyệt mật. Thậm chí đến lãnh đạo Ngân hàng Trung ương Xô viết cũng không biết được có bao nhiêu vàng bạc, đá quý bên trong Gokhran. Vào thời đó chỉ có hai nhà lãnh đạo là Lenin và Stalin nắm được thông tin này.
Hiếm hoi lắm mới có người được tận mắt chứng kiến kho báu Gokhran. Chính trị gia Georgyi Aleksandrovich Solomon là một trong những người may mắn đó, ông làm việc cho Chính phủ Liên Xô đến năm 1923.
Solomon hồi tưởng: “Chúng tôi dừng ở một tòa nhà lớn có năm tầng. Tôi bước vào và ngay lập tức thực tại biến mất, thay vào đó là một thế giới như trong cổ tích... Tôi lang thang qua các căn phòng rộng lớn chất đầy những rương, hòm, giỏ, hộp...
Chúng chỉ được che phủ bằng các tấm vải cũ, khăn trải bàn... nhưng lại chứa đầy kim cương, châu báu. Có cả hàng đống nằm vương vãi trên sàn nhà và bệ cửa sổ.
Đồ dùng bằng bạc nằm lẫn lộn với tác phẩm nghệ thuật, dây chuyền, hộp thuốc lá bằng vàng, khuyên tai... Có những món đồ thuộc về gia đình Sa hoàng, những món khác từ viện bảo tàng...”.

Nguồn: Tuổi Trẻ
Bình luận
vtcnews.vn