Kiến nghị xây cầu vượt thép song song cầu vượt Thủ Đức

Thời sựThứ Bảy, 08/08/2015 12:02:00 +07:00

Khu Quản lý giao thông số 2 (chủ đầu tư) cho biết nguyên nhân khiến mặt cầu bị trồi nhựa là do vào thời điểm nắng nóng, lưu lượng xe quá lớn (hầu hết là xe đầu

Lượng xe quá lớn và tải trọng vượt mức cho phép khiến mặt cầu vượt thép ở ngã tư Thủ Đức bị trồi nhựa, tạo rãnh sâu gây mất an toàn giao thông, chủ đầu tư kiến nghị Sở GTVT TP HCM cho xây thêm cầu vượt song song.

Khu Quản lý giao thông số 2 (chủ đầu tư) cho biết nguyên nhân khiến mặt cầu bị trồi nhựa là do vào thời điểm nắng nóng, lưu lượng xe quá lớn (hầu hết là xe đầu kéo chở hàng hóa từ các cảng lưu thông qua cầu), lại chỉ lưu thông chủ yếu một làn đường bên phải dẫn đến tải trọng dồn hết lên làn đường này làm kết cấu mặt bêtông nhựa bị hỏng.
 Mặt cầu vượt thép ngã tư Thủ Đức nhiều lần bị lún, trồi nhựa tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Ảnh: Hữu Nguyên.

Cụ thể, phân luồng trên xa lộ Hà Nội có 4 làn ôtô, chỉ cho xe tải nặng đi 2 làn giữa và khi gần lên cầu (cách cầu khoảng 200 m) thì chỉ còn 3 làn, trong đó 2 làn xe lên cầu và một làn xe di chuyển dưới cầu. Tuy nhiên, các xe tải nặng rất ít di chuyển qua làn bên trái để lên cầu mà chỉ chọn làn bên phải nên dẫn đến tình trạng trồi nhựa ở làn đường này. Quá trình theo dõi cho thấy mặt bêtông bị trồi nhựa 1-3 cm.
"Trước mắt, để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia lưu thông trên cầu, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 tiếp tục cho cào bằng phần bêtông nhựa bị trồi. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu đưa ra phương án xử lý triệt để tình trạng này vào tháng 10 tới", đại diện chủ đầu tư cho hay.
Về lâu dài, để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu với lưu lượng xe quá lớn như hiện nay, Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 kiến nghị Sở GTVT TP cho phép đầu tư xây thêm công trình cầu vượt song song với cầu vượt thép Thủ Đức hiện hữu để tăng số làn xe từ 4 làn như hiện nay thành 8 làn xe nhằm đồng bộ với trục xa lộ Hà Nội.
Cầu vượt thép Thủ Đức dài 570 m, trong đó phần cầu là 278 m, còn lại là đường dẫn; mặt cầu rộng 16 m với 4 làn xe có tổng số vốn 277 tỷ đồng, được thông xe đầu năm 2013 sau khoảng 5 tháng thi công. Tất cả ôtô đều có thể chạy qua cầu. Sau khi đưa vào sử dụng, cầu đã góp phần giảm tải cho khu vực cửa ngõ phía đông của TP HCM.
Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, cầu vượt thép Thủ Đức thường xuyên xảy ra tình trạng mặt bê tông bị trồi nhựa, lún sâu nhất là hướng từ TP HCM đi Biên Hòa, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Khi vừa thông xe hai tháng, mặt cầu vượt thép Thủ Đức cũng bị lún thành rãnh, hai bên thành cầu nhựa đùn nhô cao. Đến giữa năm 2014, tình trạng này tái diễn.

Nguồn: VnExpress
Bình luận
vtcnews.vn