Kiến nghị tháo dải phân cách cầu Thanh Trì: Sở GTVT Hà Nội nói gì?

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 19/02/2021 15:30:58 +07:00
(VTC News) -

Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lên tiếng trước thông tin 6 doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất tháo dải phân cách trên cầu Thanh Trì.

Mới đây, 6 công ty Nhật Bản trong các khu công nghiệp tại Bắc Ninh kiến nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) các giải pháp tổ chức lại giao thông trên cầu Thanh Trì để kéo giảm ùn tắc giao thông.

Trong đó, đề xuất tháo dỡ toàn bộ dải phân cách cứng giữa làn ô tô và 1 làn hỗn hợp trên cầu Thanh Trì thu hút sự chú ý của dư luận.

Kiến nghị tháo dải phân cách cầu Thanh Trì: Sở GTVT Hà Nội nói gì? - 1

Cầu Thanh Trì (Hà Nội) đang quá tải lưu lượng thiết kế hơn 8 lần nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc.

Liên quan đến thông tin này, trả lời VTC News sáng 19/2, ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đã tiếp nhận đề xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Thừa nhận tình trạng giao thông ùn tắc kéo dài trên cầu Thanh Trì trong thời gian vừa qua,  ông Ngô Mạnh Tuấn cho rằng, nguyên nhân là do lưu lượng xe tăng đột biến, vượt quá quy định so với thiết kế ban đầu của cầu.

Về việc thay đổi phương án giao thông, theo quy định, Sở GTVT đã báo cáo thành phố Hà Nội xin triển khai công tác thẩm tra lại an toàn giao thông trên cầu Thanh Trì. Trên cơ sở đó thì Sở mới có các đánh giá và điều chỉnh phù hợp”, ông Ngô Mạnh Tuấn thông tin.

Cũng theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, tình trạng nhiều phương tiện giao thông đi sai làn là nguyên nhân chính dẫn đến cầu Thanh Trì hay bị ùn tắc cục bộ.

Dải phân cách được đặt từ lâu nhằm mục đích phân làn phương tiện phù hợp. Theo quy định, làn đường phía trong của cầu Thanh Trì cấm ô tô tải. Tuy nhiên, nhiều phương tiện xe tải vẫn cố tình đi vào khiến giao thông trên cầu thường xảy ra tai nạn”, ông Tuấn cho biết.

Dự kiến, trong năm 2021, Sở GTVT Hà Nội sẽ hoàn thành công tác đưa ra phương án giao thông mới cho cầu Thanh Trì. Nếu được Thành phố Hà Nội phê duyệt, Sở GTVT Hà Nội sẽ phải thuê đơn vị tư vấn thẩm tra an toàn giao thông đối với cầu Thanh Trì. “Sau đó mới có thể đưa ra phương án và đề xuất kinh phí”, ông Ngô Mạnh Tuấn nói.

Trước đó, 6 công ty Nhật Bản cho rằng tình trạng ùn tắc trên cầu Thanh Trì do thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, gây hỏng hóc phương tiện và ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân. Tình trạng này gây lãng phí về thời gian, nhiên liệu, ảnh hưởng đến môi trường và bức xúc cho xã hội.

Để giải quyết triệt để ùn tắc trên cầu Thanh Trì, tránh hỏng hóc phương tiện, các công ty trên kiến nghị 4 giải pháp để tổ chức lại giao thông cầu Thanh Trì gồm: Tháo dỡ toàn bộ dải phân cách cứng giữa làn ô tô và 1 làn hỗn hợp; Phân làn lại tại một chiều đường, trong đó 3 làn ô tô và 1 làn hỗn hợp; Giảm tốc độ của tất cả các phương tiện lưu thông qua cầu xuống 60km/h, riêng mô tô, xe máy là 50km/h; Lắp đặt camera giám sát để phát hiện và "phạt nguội" các phương tiện vi phạm tốc độ.

Liên quan đến tình trạng ùn tắc kéo dài trên cầu Thanh Trì – Hà Nội, cách đây 2 năm, 6 công ty Nhật Bản cũng kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhà nước về việc bố trí lại giao thông trên mặt cầu Thanh Trì để giảm ùn tắc giao thông ở cả 2 chiều đi và về Hà Nội, trong đó có nội dung tháo dỡ hoàn toàn dải phân cách cứng giữa làn ô tô và làn hỗn hợp. Tuy nhiên, đến nay kiến nghị này chưa được xem xét.

Nội dung kiến nghị cũng nhấn mạnh, cầu Phù Đổng trên cùng tuyến đường và cách cầu Thanh Trì vài km nhưng không có dải phân cách nên không xảy ra ùn tắc như cầu Thanh Trì.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp