Kiện Mỹ lên WTO: Trung Quốc có dễ giành chiến thắng?

Thế giớiThứ Tư, 04/09/2019 15:35:00 +07:00

Mỹ làm tê liệt việc giải quyết tranh chấp khi ngăn chặn việc bổ nhiệm 3 trong số 7 thẩm phán tại tòa phúc thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc WTO.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 2/9 cho biết nước này đã nộp đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về vấn đề thuế nhập khẩu của Mỹ. Dù không công bố chi tiết về vụ kiện, Trung Quốc khẳng định thuế quan của Mỹ đã ảnh hưởng đến 300 tỷ USD giá trị xuất khẩu của nước này và họ sẽ bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình "dựa trên các quy định của WTO".

Động thái này được công bố chỉ 1 ngày sau khi Mỹ chính thức nâng thuế lên 15% đối với 112 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Washington nhanh chóng lên tiếng. Họ khẳng định việc áp thuế với Trung Quốc là để trừng phạt nền kinh tế thứ 2 thế giới vì hành vi trộm cắp tài sản vốn không thuộc phạm vi điều chỉnh của WTO. Trên thực tế, bất cứ quyết định tăng thuế nào vượt quá mức cho phép đều phải được giải trình ở WTO. 

my trug

Trung Quốc lần thứ 3 kiện Mỹ ra WTO liên quan tới các đòn áp thuế của Tổng thống Trump. (Ảnh: Getty)

Theo quy định của WTO, Washington có 60 ngày để giải quyết tranh chấp mới nhất. Trung Quốc có thể yêu cầu phân xử nhưng quá trình này sẽ mất vài năm. 

Với việc đệ trình đơn kiện, Trung Quốc đang khoác lên mình vai diễn nạn nhân. Nhưng các chuyên gia chỉ ra rằng Bắc Kinh cũng có thể đang vi phạm quy định của WTO khi áp thuế 75 tỷ USD lên hàng hóa Mỹ. 

Lần kiện ra WTO thứ 3 của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại giữa 2 bên đang rơi vào bế tắc. Nguồn tin của Bloomberg khẳng định cả 2 bên vẫn đang phải chật vật để thống nhất thời điểm quan chức Mỹ-Trung gặp nhau ở Washington cho vòng đàm phán thứ 13 trong tháng này. 

Bất chấp các tuyên bố của Tổng thống Trump rằng Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tích cực trao đổi về vòng thương thảo trong tháng 9 này, 2 bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung liên quan tới các điều khoản cơ bản về việc tái đàm phán. Động thái kiện Mỹ ra WTO của Trung Quốc do đó chỉ đổ thêm dầu vào lửa giữa tranh chấp 2 bên. 

Theo giới quan sát, nguyên nhân lớn nhất khiến Mỹ-Trung vẫn chưa thể tiến tới một thỏa thuận là do thiếu hụt niềm tin. Đơn kiện của Trung Quốc sẽ chỉ khoét sâu vào sự thiếu hụt đó. Mâu thuẫn cũ chưa kịp giải quyết, mâu thuẫn mới nổi lên chỉ càng làm gia tăng sự bất đồng. 

Nhiều nước từ lâu coi WTO là cứu cánh cuối cùng khi xảy ra tranh chấp thương mại với các nước khác. Việc Trung Quốc cầu cứu tổ chức này tới 3 lần cho thấy Bắc Kinh thực sự đang bị dồn vào chân tường và họ cần một ai đó ngăn Mỹ. 

Nhưng điều này cũng đang đẩy WTO vào tình thế khó xử. Tổng thống Trump trong quá khứ không dưới một lần chỉ trích WTO có xu hướng thiên vị Trung Quốc, duy trì các điều khoản có lợi cho nền kinh tế thứ 2 thế giới khi họ gia nhập tổ chức. Ông yêu cầu WTO phải cải tổ nếu không sẽ rút khỏi tổ chức này. 

Nhìn lại hàng loạt quyết định rút khỏi các cơ chế đa phương được Liên hợp quốc ủng hộ, bao gồm Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân với Iran, sẽ không quá bất ngờ nếu ông Trump tiếp tục rút Mỹ khỏi WTO nếu tổ chức này đưa ra bất cứ quyết định nào nghiêng về Trung Quốc trong tranh chấp với Washington. Tổ chức Thương mại Thế giới chắc chắn không muốn kịch bản này xảy ra bởi Mỹ với tư cách nền kinh tế lớn nhất thế giới, đóng vai trò then chốt đối với sự tồn tại của WTO. 

Washington nếu rời đi sẽ kéo theo hệ lụy lớn và có thể dẫn tới khủng hoảng pháp lý kinh doanh toàn cầu.

Một điểm đáng lưu tâm khác là từ năm 2018, Mỹ đang làm tê liệt việc giải quyết các tranh chấp khi ngăn chặn việc bổ nhiệm 3 trong số 7 thẩm phán tại tòa phúc thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc WTO. Do sự ngăn chặn của Mỹ, cơ quan này chỉ còn 1 thẩm phán sau tháng 12/2019. Theo quy định hiện tại, phải có ít nhất 3 thẩm phán xem xét từ vụ kiện được đệ trình. Mỹ vì vậy có lẽ sẽ không mấy bận tâm tới việc bị Trung Quốc lôi vào các vụ kiện. 

Hồi cuối năm 2018. Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo từng thừa nhận rằng tổ chức này đang mất dần đi vai trò trọng tài trong các tranh chấp thương mại và là cơ quan giám sát thương mại toàn cầu. Ông này khẳng định chính WTO đang trở thành nạn nhân của cuộc đối đầu thương mại Mỹ- Trung khi Washington tìm cách gây áp lực với tổ chức của mình. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn