Kiếm trăm tỷ đồng nhờ kinh doanh online: Không nộp thuế bị xử lý thế nào?

Thị trườngThứ Tư, 27/01/2021 13:52:00 +07:00
(VTC News) -

Xu hướng làm giàu từ kinh doanh online ngày càng phổ biến, song không ít người lại làm ngơ nghĩa vụ nộp thuế, cho rằng ngành thuế không nắm được thu nhập của họ.

Hoạt động bán hàng qua mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube… đang phát triển rầm rộ ở Việt Nam. Nhiều bạn trẻ phút chốc trở thành tỷ phú nhờ những hoạt động kinh doanh online như thế này.

Theo Cục Thuế Hà Nội, năm 2020, Hà Nội thu thuế từ thương mại điện tử đạt 123 tỷ đồng, tăng gấp gần 5 lần so với 2019. Đây là con số đáng mừng. Tuy nhiên ngành thuế cho rằng, do việc thu thuế của các cơ quan chức năng vẫn còn lỗ hổng nên rất nhiều cá nhân kinh doanh online, có thu nhập khủng từ nền tảng điện tử vẫn trốn thuế trót lọt hoặc chây ỳ trong việc hoàn thành nghĩa vụ về thuế.

Phạt gấp 1 - 3 lần số tiền trốn thuế 

Chia sẻ với VTC News, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo quy định, người bán hàng online có nghĩa vụ nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân nếu có doanh thu từ bán hàng online lớn hơn 100 triệu đồng/năm.

Như vậy, các cá nhân nhận thu nhập từ tổ chức như Facebook, Google, YouTube... được xếp là cá nhân kinh doanh, nộp thuế theo tỷ lệ 5% giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.

Hành vi không kê khai và không nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Với tổ chức, doanh nghiệp, mức xử phạt hành chính là từ một đến ba lần số tiền trốn thuế. Với cá nhân mức tiền phạt bằng 50% đối với tổ chức.

Ngoài ra, nếu hành vi trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà trốn thuế dưới 100 triệu đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội trốn thuế. Mức phạt đối với tội danh này tối đa lên đến 7 năm tù.

“Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đã có những quy định cụ thể nhằm siết chặt các quy định về thuế đối với thương mại điện tử theo hướng xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online”, luật sư cho hay.

Kiếm trăm tỷ đồng nhờ kinh doanh online: Không nộp thuế bị xử lý thế nào? - 1

 Trốn thuế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. ( Ảnh minh hoạ)

Nhiều chiêu trò “né” thuế

Từ 5/12/2020, theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp. Đồng thời, thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Tuy nhiên, ngay sau khi nghị định này có hiệu lực, nhiều cá nhân kinh doanh online tìm cách “né” thuế như không công khai doanh thu, chuyển sang thu tiền mặt hoặc phân bổ tài khoản nhận tiền cho nhiều cá nhân khác nhau trong gia đình, tránh trường hợp dồn cả vào một tài khoản để đỡ bị cơ quan thuế để ý.

Thậm chí, nhiều cá nhân chuyên kinh doanh qua mạng đã đăng thông báo về việc thay đổi nội dung chuyển khoản khi mua hàng, yêu cầu người mua khi chuyển khoản tiền hàng không cần ghi thanh toán tiền hàng gì, không nhắc đến hàng hóa gì, chỉ cần ghi “tên facebook” hoặc “tên facebook tặng, cho, biếu”…

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá, Bộ Tài chính, cho rằng ngày càng có nhiều cá nhân có nguồn thu nhập từ các nền tảng trên intenet mang lại thu nhập cho các cá nhân, tổ chức và góp phần phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc không thu được thuế của các cá nhân, tổ chức kinh doanh online không chỉ gây thất thu thuế mà còn tạo môi trường cạnh tranh không công bằng cho các loại hình kinh doanh khác.

Chia sẻ với báo chí, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết cơ quan thuế có những lực lượng theo dõi trên mạng xã hội và xác định được những tài khoản nào có hoạt động kinh doanh với nguồn thu lớn.

Mọi giao dịch thương mại điện tử đều có dấu vết. Ngành thuế sẽ từng bước hợp tác với các đơn vị thương mại điện tử cũng như đơn vị trung gian vận chuyển có lượng khách hàng lớn... để nắm dữ liệu đầy đủ hơn về cộng đồng bán hàng trực tuyến.

Vẫn theo ông Minh, trách nhiệm đăng ký, kê khai là của cá nhân và tổ chức. Mục tiêu của cơ quan thuế là tuyên truyền về mặt chính sách và thực hiện kiểm tra, thanh tra.

Tương tự, ông Nguyễn Đức Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, hiện nay có tình trạng giao dịch qua mua bán online không ghi tên giao dịch, không ghi nội dung… Tuy nhiên, tất cả đều có phương án để xử lý triệt để.

“Một nguyên tắc chấp hành thuế của các cá nhân, tổ chức là phải tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Mọi trường hợp, cá nhân trốn thuế bằng cách này, hay cách khác cũng sẽ bị cơ quan thuế sẽ tìm ra dựa trên các "dấu vết" thanh toán, hồ sơ thanh toán, giao dịch trên thương mại điện tử”, ông Huy nói.

Làm ăn với Google, nhận 281 tỷ đồng, nộp thuế hơn 25 tỷ đồng

Mới đây, Chi cục thuế quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) xác nhận, vừa truy thu tiền thuế một cá nhân với số tiền hơn 25,3 tỷ đồng.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến tháng 6/2018, người này có phát sinh doanh thu từ dịch vụ quảng cáo do Công ty Google chi trả, với tổng số tiền hơn 281 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này có được nhờ hoạt động quảng cáo trên mạng.

Người nộp thuế cho biết là chủ một trang web cung cấp phần mềm giải trí. Trang này có nhiều ngôn ngữ và nhắm tới người dùng trên Facebook ở các nước. Sau khi đăng nhập, người dùng trên khắp thế giới có thể sử dụng các ứng dụng giải trí và chia sẻ mà không trả bất cứ chi phí nào.

Chủ yếu, nguồn thu của trang web có được từ việc đặt quảng cáo. Càng nhiều người dùng thì doanh thu sẽ tăng lên. Mỗi tháng, Google tổng kết và hoàn trả tiền dịch vụ quảng cáo vào tài khoản cá nhân tại một ngân hàng chi nhánh ở Đà Nẵng.

Từ năm 2018 đến nay, do trang web lỗi nên dừng hoạt động.

Đến khoảng tháng 9/2019, người này làm thủ tục kê khai thuế và nghĩa vụ nộp thuế với số tiền hơn 25 tỷ đồng. 

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn